Nhiều hãng tàu container đã rút khỏi cảng Chùa Vẽ nên sản lượng thấp theo từng năm |
Ngày 21/3, Báo Giao thông có đăng tải bài viết “Đường sắt mất hàng tỷ đồng vì thiếu... 300m ray” phản ánh về việc tại cảng Chùa Vẽ, Hoàng Diệu thuộc cảng Hải Phòng do thiếu 300m đường sắt không nối được trực tiếp xuống cầu tàu nên việc xếp dỡ gặp nhiều khó khăn, mất thời gian và tăng chi phí vận tải. Mặc dù quyết định làm đoạn đường ray này đã được phê duyệt từ năm 2014.
Ngay sau khi báo đăng, Bộ GTVT đã tổ chức cuộc họp để nghe ý kiến các bên, cùng xem xét các yếu tố khách quan, cũng như chủ quan có thể làm được đoạn 300m này hay không.
Ông Trương Văn Thái, Phó giám đốc Công ty CP Cảng Hải Phòng cho biết, thực tế nếu đường sắt rút được hàng container đi thì cảng có lợi. Đất là thuộc cảng Chùa Vẽ nên có thể quyết định được ngay. Nhưng hiện nay có nhiều khó khăn, đường sắt muốn xuống cảng Chùa Vẽ phải từ trung tâm thành phố qua cảng chính, xuống cầu 1, cầu 2 và có ga phân loại. Từ đó đi mấy cây số nữa mới xuống đến Chùa Vẽ. Đây có thể coi là điểm cuối cùng của đường sắt, nên các tàu xuống đấy đều phải đẩy từ phía sau chứ không kéo được và không có ga để quay đầu. Hơn nữa, do đường sắt đi qua nhiều khu vực đông dân cư của Hải Phòng nên đã cản trở giao thông và thành phố không cho đẩy nhiều lần, chỉ cho một ngày một chuyến.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Thái cho biết thêm, hiện nay đường sắt của Hải Phòng có ga chính, và có ga phụ như một ga phân loại trong cảng. Đây là tổ hợp nhiều đường để dồn lập tàu hỏa, sau đó mới đẩy tàu xuống cảng Chùa Vẽ. Nhưng tại đây, theo quy hoạch lại là chân cầu Nguyễn Trãi sắp được xây dựng của thành phố Hải Phòng. Cầu Nguyễn Trãi bắc qua trục đường Lê Hồng Phong sang bên kia sông và cắt ngang qua cảng. Vô hình trung lấy luôn cả đất của đường sắt. Nếu theo đúng quy hoạch của cầu Nguyễn Trãi sẽ xóa bỏ toàn bộ ga phân loại. Vì vậy, nếu có thêm mấy trăm mét đường sắt nữa cũng không giảm được nhiều chi phí và cũng không thể giảm được một lần bốc xếp tại cảng Chùa Vẽ.
Về sản lượng, container của Chùa Vẽ hiện nay chỉ còn 2 hãng hoạt động. 2 hãng này cũng đang có ý định không hoạt động tại đây nữa. Sản lượng container đường sắt cũng thấp, chỉ khoảng 15.000 tấn/năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận