Làm báo cùng Giao thông

Vì sao không nên bắt luật sư tố giác thân chủ?

02/06/2017, 07:05

Luật sư hành nghề bào chữa mang trọng trách bảo vệ quyền con người được quy định tại chương 2 của Hiến pháp.

8

Ảnh minh họa

Khoản 2, Khoản 3, Điều 19 của Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định luật sư phải tố giác các tội đặc biệt nghiêm trọng và các tội xâm phạm an ninh quốc gia của thân chủ mà họ biết được khi thực hiện nghĩa vụ bào chữa. Cũng theo Dự luật, nếu không tố giác, luật sư phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ngay khi những điều khoản này được bàn thảo công khai tại nghị trường Quốc hội, giới luật sư trong nước đã thực sự lo lắng. Nhiều người bày tỏ quan điểm trên báo chí, trên mạng xã hội cho rằng, nếu không thận trọng, những quy định mới sẽ làm tăng án oan sai.

luat su Nguyễn thế truyền

Luật sư Nguyễn Thế Truyền

Tại sao lại như vậy? Quyền và nghĩa vụ của luật sư tại sao lại ảnh hưởng đến án oan sai?

Xin được nhắc lại rằng, nếu chúng ta coi luật sư như một nghề bình thường, nghĩa vụ tố giác tội phạm là điều không có gì phải bàn cãi. Nhưng luật sư hành nghề bào chữa mang trọng trách bảo vệ quyền con người được quy định tại chương 2 của Hiến pháp. Đó là quyền không nhận tội của bị can, bị cáo, quyền không khai báo những gì bất lợi cho chính mình.

Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 đã quy định chi tiết những nghĩa vụ và trách nhiệm, cùng với quyền để bảo đảm đến mức cao nhất quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo. Riêng đối với luật sư, các quy định chuyên ngành điều chỉnh rất khắt khe. Luật Luật sư, Luật Trợ giúp pháp lý cùng với quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư quy định: “Không được tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng/người được trợ giúp mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác”.

Hiện nay, dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi đang đặt ra “quy định khác” đó là trường hợp người được trợ giúp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, ngay cả trong các trường hợp này, việc bắt buộc luật sư phải tố giác tội phạm cũng cần cân nhắc thật kỹ lưỡng, đi kèm những điều kiện rõ ràng. Bởi luật sư là một trong những chế định bổ trợ tư pháp mang trên vai trách nhiệm kiểm soát quyền lực trong hệ thống tư pháp  và cái được gọi là “đặc quyền” của luật sư khi tham gia vào tranh tụng chỉ là “đặc quyền phái sinh” từ quyền con người của bị can, bị cáo.

Luật sư phải tuân theo nguyên tắc suy đoán vô tội, một người chỉ bị coi là có tội khi có bản án, quyết định của tòa án (theo quy trình tố tụng nghiêm ngặt, buộc phải thẩm tra, xét xử công khai tại phiên tòa chứ không phụ thuộc vào bất kỳ ý chí của bên nào: Viện kiểm sát buộc tội hay luật sư gỡ tội). Thượng tôn luật pháp, cả luật sư và tòa án đều được trao quyền  để thực thi vai trò của mình một cách tối đa. Trên nguyên tắc suy đoán vô tội, luật sư phải thực hiện công việc của mình để đối trọng với cơ quan hành pháp, để tòa án ra phán quyết đúng nhất, không oan sai.

Nếu không có chứng cứ cụ thể về hành vi phạm tội, chứng cứ hành vi này đang tiếp tục diễn ra gây nguy hiểm cho xã hội, mà chỉ cần “biết” đã phải tố giác thân chủ thì hoàn toàn có thể gây oan sai và cướp đi quyền được bào chữa của bị can. Thậm chí, để tránh bị truy cứu trách nhiệm không tố giác, có thể nhiều luật sư sẽ từ chối bào chữa các vụ trọng án.

Trong khi đó, niềm tin giữa luật sư/người bào chữa với người bị buộc tội không chỉ là giá trị phổ quát mà còn là giá trị được Hiến pháp, pháp luật bảo đảm và bất khả xâm phạm.

Nghề luật sư mới phát triển mạnh mẽ khoảng 10 năm trở lại đây chính nhờ những quy định đầy tính nhân đạo, dân chủ trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Đặc biệt khi Việt Nam ra nhập WTO chính là những tiền đề để ngày càng hoàn thiện, thể chế hóa những quy định cho nghề luật sư phát triển. Nhưng, những quy định như tại Khoản 3, Điều 19 dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự đang đi ngược lại với những nỗ lực phát triển nghề Luật sư tại Việt Nam nói riêng và chế định người bào chữa nói chung.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.