Chiếc bánh giầy 2 tấn làm năm 2017 phải dùng máy cẩu để vận chuyển đến lễ hội. Ảnh: N.D. |
Nhiều bạn đọc phản đối và cho rằng đó là cách làm phô trương, gây lãng phí.
Bạn đọc Viết Lê (TP. HCM) cho rằng, nếu thật sự làm chiếc bánh nặng như vậy thì nên đảm bảo chất lượng để khi dâng cúng xong đem chia cho người dân ăn thì tốt hơn nhiều và đỡ phung phí.
Chung quan điểm này, bạn Hoàng Công Sanh (Buôn Mê Thuột) cho rằng, có thể coi đây là một hình thức phô trương, lấy tiếng nhưng không thể hiện được thuần phong mỹ tục, bản chất của văn hóa dân tộc, lại rất lãng phí... "Nên dành số tiền đó cho việc tu sửa Đền hoặc những việc có ích khác thì tốt hơn!" - bạn Sanh viết.
"Giỗ Tổ Hùng Vương 2008 đã có một cặp bánh chưng, bánh giầy khổng lồ được dâng cúng. Khi hạ lễ, cắt ra chia lộc, người dân phát hiện bánh chưng bị vữa và lên men, không ai ăn được, đành bỏ đi... Các cụ xưa vẫn nói "gạo là hạt ngọc của trời," vậy bỏ đi cả tấn gạo như thế có phải là có tội không?", bạn đọc Hùng Phong (Thái Bình) chia sẻ.
Tuy nhiên cũng có ý kiến ủng hộ, như bạn Thanh Long An ở Quảng Ninh bày tỏ quan điểm: "Nên để lại dấu ấn đặc biệt trước một hình tượng, văn hoá tâm linh, mang ý nghĩa lịch sử to lớn của nước nhà, để bạn bè quốc tế có thể mở rộng tầm mắt. Điều quan trọng là chiếc bánh sau đó có thể ăn được và chia cho mọi người cùng thưởng thức, tránh bỏ đi lãng phí!".
Trao đổi trên báo Thanh Niên, GS-TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia phản đối đề nghị dâng bánh giầy nặng 2, 3 tấn lên đền Hùng dịp giỗ Tổ. “Tôi không ủng hộ việc dâng cúng bánh có khối lượng lớn như thế. Anh định đưa lên đền Hùng, leo từng đó bậc thang bằng cách nào? Không gian tiếp nhận ở đền Hùng không phù hợp. Nếu Phú Thọ có hỏi ý kiến thì tôi cũng sẽ nói là không nên nhận”, ông Bền nói.
Về khả năng nếu không được dâng cúng tại đền Hùng, TP.Sầm Sơn có thể dâng cúng ngay tại địa phương, ông Bền nói: “Ngay cả cúng tại địa phương cũng không nên làm. Muốn làm thành vật thiêng thì phải có chỗ bày. Không gian của các di tích hiện tại cũng không chứa nổi cái bánh như thế. Chỉ có để ngoài sân mưa nắng thôi, nên không thể kiểm soát được chất lượng. Và về văn hóa, cũng không nên hình dung tổ tiên sẽ “mê” những thứ như thế”.
Chuyên gia ẩm thực Nguyễn Quang Việt cũng cho rằng, dâng bánh giầy hàng tấn như vậy là một tư duy ẩm thực khó chấp nhận. “Tất cả các loại bánh khổng lồ như thế đều hầu như không thể ăn được. Sau đó sẽ là sự phí phạm. Bánh chưng, bánh giầy khổng lồ vừa tốn kém vừa chẳng giải quyết vấn đề gì”, ông nói.
Liên quan đến vấn đề này, Zing.vn dẫn trao đổi với ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tối 26/2 khẳng định tỉnh này sẽ không đồng ý với đề xuất trên.
Theo ông Xứng, sáng cùng ngày Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền đã có văn bản cụ thể trả lời UBND TP Sầm Sơn về việc này.
"TP Sầm Sơn vẫn sẽ thực hiện Lễ hội Bánh chưng - Bánh giầy truyền thống như hàng năm chứ không được làm gì đột biến”, người đứng đầu tỉnh Thanh Hóa nói.
Trao đổi với báo chí trước đó, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, khẳng định việc TP Sầm Sơn đề xuất dâng bánh giầy nặng 3 tấn mang nặng tính hình thức và gây lãng phí. Đây là việc không cần thiết.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa khẳng định việc TP Sầm Sơn đề xuất dâng bánh giầy 3 tấn mấy ngày qua gây dư luận không tốt bởi hiện Thanh Hóa còn nhiều người nghèo.
Trước đó, UBND TP Sầm Sơn có công văn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép làm bánh giầy kỷ lục Sầm Sơn dâng lên đền Hùng nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 2018.
Dự kiến, chiếc bánh nặng hơn 3 tấn, được làm tại thành phố Sầm Sơn và tổ chức rước dâng lên đền Hùng vào đúng ngày giỗ tổ Hùng Vương năm 2018. Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp - sản phẩm của địa phương, và kinh phí từ các nguồn xã hội hoá.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận