Lãi suất huy động liên tục tăng
Biểu lãi suất mới nhất áp dụng từ 29/7 của Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) đã nâng mức lãi suất huy động cao nhất lên 7,5%/năm áp dụng cho các kỳ hạn dài từ 13 tháng trở lên.
Lãi suất ngân hàng liên tục tăng kể từ tháng 6. Ảnh minh hoạ
Mức lãi suất này bằng với lãi suất huy động cao nhất trên thị trường đang được Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) huy động cho kỳ hạn 36 tháng.
Đây là lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất trên hệ thống nếu không tính lãi suất 7,6%/năm kỳ hạn 13 tháng của SCB khi áp dụng cho số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở nên.
Không chỉ tăng ở kỳ hạn dài, CBBank cũng tăng ở các kỳ hạn ngắn hơn 6-12 tháng khi áp dụng từ 7,1%-7,45%/năm.
CBBank cũng là ngân hàng huy động kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng cao nhất hệ thống với lần lượt là 7,1%/năm và 7,2%/năm.
Còn đối với hình thức gửi tiền online CBBank cũng vươn lên bằng với SCB với mức cao nhất là 7,55%/năm.
Hiện có khoảng 10 ngân hàng đang huy động lãi suất huy động trên 7%/năm: Bac A Bank, Nam A Bank, BaoVietBank, PvcomBank, SHB, KienLongBank... áp dụng cho các kỳ hạn dài từ 12 tháng.
Ngân hàng lớn vào cuộc
Đáng chú ý nhất ở đầu tháng 8 là xuất hiện ngân hàng lớn Top 4 cũng vào cuộc tăng lãi suất.
Theo đó, “anh cả” của hệ thống là Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đã công bố biểu lãi suất huy động mới áp dụng trong tháng 8 khi tăng thêm từ 0,1 - 0,2% ở một số kỳ hạn.
Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng cùng tăng từ 3%/năm lên 3,1%/năm.
Kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng cũng tăng thêm 0,1% lên lần lượt là 3,4%/năm và 5,6%/năm.
Riêng kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng vẫn được Vietcombank duy trì 4%/năm...
Tăng trưởng huy động và cho vay những tháng đầu năm chênh lệch lớn là nguyên nhân khiến các ngân hàng thiếu vốn trong khi các ngân hàng đều tăng mạnh cho vay trong nửa đầu năm nay.
Chỉ trong 7 tháng vừa qua, tăng trưởng tín dụng đã đạt 9,14% nhưng huy động vốn chỉ đạt 4,21%.
Các chuyên gia cho rằng, áp lực tăng lãi suất huy động sẽ lớn hơn trong những tháng từ nay tới cuối năm, đặc biệt khi kỳ vọng lạm phát của người dân ngày càng tăng cao, buộc các ngân hàng phải huy động lãi suất tiền gửi cao hơn.
Ngân hàng đẩy chi phí vay mượn nội bộ
Báo cáo mới nhất của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, trong vòng 1 tuần kể từ ngày 28/7 đến 4/8, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm và 1 tuần vẫn rất cao là 4,16% và 4,08%/năm.
Dài hơi hơn, kỳ hạn 2 tuần tăng thêm 1,46% lên 4,56%/năm.
Hiện lãi suất các ngân hàng cho vay lẫn nhau ở kỳ hạn qua đêm đang quay lại bằng mức cao nhất của năm 2019.
Báo cáo mới cập nhật của Công ty chứng khoán Tiên Phong (TPS) cũng cho biết, lãi suất huy động (và cả lãi suất cho vay) có thể tiếp tục tăng do nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh phục hồi sau đại dịch.
Mức độ tăng lãi suất phụ thuộc vào độ dồi dào của lượng tiền lưu thông trong thị trường liên ngân hàng.
TS. Cấn Văn Lực cũng đồng tình khi cho rằng lãi suất huy động có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.
“Lãi suất đầu vào sẽ tiếp tục gia tăng ở một số thời điểm do áp lực lạm phát, do người dân vẫn muốn chuyển dịch kênh đầu tư. Do đó chúng ta phải tăng lãi suất huy động để thu hút dòng vốn tiền gửi từ dân cư và kể cả doanh nghiệp”, ông Lực nhận định.
Không chỉ ở phía các ngân hàng thương mại, Công ty Chứng khoán Agriseco còn nhận định: "Khi kinh tế hồi phục với tốc độ khả quan như hiện tại, Ngân hàng Nhà nước vẫn có dư địa tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, với kỳ vọng việc đẩy mạnh đầu tư công cũng như thu hút FDI sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận