Có mối quan hệ từ trước với Trịnh Văn Quyết
Ban hành kết luận điều tra bổ sung vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS, Công ty CP Xây dựng FLC Faros và các công ty liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đề nghị truy tố 51 bị can.
Trong số này có 4 cựu lãnh đạo và cán bộ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Họ gồm: Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch HĐQT), Lê Hải Trà (cựu ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc thường trực, thành viên độc lập Hội đồng niêm yết); Trầm Tuấn Vũ (cựu Phó tổng giám đốc, Phó chủ tịch Hội đồng niêm yết) và Lê Thị Tuyết Hằng (Giám đốc Phòng Quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên Hội đồng niêm yết).
Theo C01, từ năm 2014 đến tháng 9/2016, sau khi chỉ đạo nhiều cá nhân lập và ký khống hồ sơ, nâng khống vốn góp vào Công ty Faros, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm bán được hơn 391 triệu cổ phiếu được hình thành từ vốn góp khống. Qua đó thu về gần 4.820 tỷ đồng, trong đó chiếm đoạt của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán hơn 3.620 tỷ.
Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị niêm yết của Công ty CP Xây dụng Faros, ông Trần Đắc Sinh biết báo cáo tài chính các năm 2014, 2015 của công ty này không phù hợp, không đủ cơ sở để xác định số vốn thực góp.
Song, ông Sinh có mối quan hệ với Trịnh Văn Quyết và Doãn Văn Dược (cựu Tổng giám đốc Tập đoàn FLC), nên bị can Sinh nhiều lần trực tiếp chỉ đạo Lê Hải Trà, Trầm Tuấn Vũ, Lê Thị Tuyết Hằng tạo điều kiện sớm niêm yết cổ phiếu của công ty này.
Bên cạnh đó, theo quy chế hoạt động của HOSE, việc thẩm định chấp thuận niêm yết cổ phiếu đối với Công ty Faros không thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị. Ngày 19/8/2016, công ty này chưa bổ sung đầy đủ hồ sơ, nhưng ông Sinh vẫn chỉ đạo cấp dưới làm văn bản, tạo điều kiện cho phía doanh nghiệp.
Tại cơ quan điều tra, ông Sinh thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi do có mối quan hệ nên muốn giúp đỡ Trịnh Văn Quyết và Doãn Văn Phương. Ngoài ra, bị can khai lý do chấp thuận niêm yết giúp Công ty Faros để HOSE có doanh thu từ thu phí niêm yết, phí giao dịch chứng khoán.
Cổ phiếu từ vốn góp khống vẫn được niêm yết
Đối với ông Lê Hải Trà, C01 cáo buộc khi được giao thẩm định hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros, bị can cũng biết rõ các báo cáo tài chính năm 2014, 2015 của doanh nghiệp không phù hợp và chưa đủ cơ sở đề nghị niêm yết.
Song, sáng 22/8/2016, ông Lê Hải Trà vẫn cùng các thành viên khác trong Hội đồng niêm yết đồng ý với các nội dung giải trình của Công ty CP xây dựng Faros; nhất trí hồ sơ đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống của Công ty Faros.
Từ những hành vi trên của nhóm cựu cán bộ HOSE, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm được niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống trên sàn chứng khoán. Qua đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Quá trình điều tra, Lê Hải Trà thừa nhận hành vi và khai nguyên nhân sai phạm do bị can có mối quan hệ nên muốn giúp đỡ Trịnh Văn Quyết và Doãn Văn Phương; đồng thời HOSE sẽ có doanh thu từ thu phí niêm yết, phí giao dịch chứng khoán, qua đó nâng cao uy tín bản thân.
Còn các bị can Tuấn Vũ và Lê Thị Tuyết Hằng bị cáo buộc đều lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đồng phạm với vai trò giúp sức cho ông Trần Đắc Sinh liên quan những sai phạm trong việc Công ty Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống.
Trong đó, bị can Vũ không thừa nhận được Trần Đắc Sinh chỉ đạo trực tiếp. Còn bà Hằng thành khẩn khai báo, thừa nhận toàn bộ hành vi. Nữ bị can còn khai biết hành vi của mình là sai nhưng vẫn thực hiện do sự chỉ đạo của Trần Đắc Sinh và Lê Hải Trà.
Theo cáo buộc, từ ngày 26/5/2017 đến 10/1/2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái cùng một số bị can lấy danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng. Các bị can lập hồ sơ, thủ tục thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Khi giá cổ phiếu tăng, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái bán cổ phiếu, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ.
Ngoài ra, từ tháng 9/2016 đến tháng 3/2022, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm bán được hơn 391 triệu cổ phiếu được hình thành từ vốn góp khống. Qua đó, thu về gần 4.820 tỷ đồng, trong đó chiếm đoạt của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán hơn 3.620 tỷ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận