Hồ sơ tài liệu

Vì sao Liên hợp quốc bác hai dự thảo nghị quyết về Syria?

10/10/2016, 07:09
image

Dự thảo này đã bị Nga phủ quyết, mặc dù có 11/15 thành viên HĐBA LHQ đồng ý.

Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin phủ quyết dự thả
Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin phủ quyết dự thảo của Pháp về Syria tại Hội đồng Bảo an LHQ

Hôm qua (theo giờ VN), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tổ chức bỏ phiếu về hai dự thảo nghị quyết về cuộc chiến Syria do Pháp và Nga soạn thảo; nhưng cả hai đều bị bác bỏ.

Lại hy vọng nỗ lực ngoại giao

Dự thảo đầu tiên do Pháp soạn thảo, đề nghị ngay lập tức chấm dứt các cuộc không kích và các chuyến bay quân sự trên vùng trời TP Aleppo của Syria, đồng thời kêu gọi lệnh ngừng bắn và tạo điều kiện cho hàng viện trợ nhân đạo đến được với mọi vùng của Syria. Dự thảo này đã bị Nga phủ quyết, mặc dù có 11/15 thành viên HĐBA LHQ đồng ý. Với dự thảo này, Nga cho rằng, đã chính trị hóa vấn đề viện trợ nhân đạo. Kể từ khi nội chiến Syria bùng nổ năm 2011, đây là lần thứ 5 Nga phủ quyết dự thảo về Syria. Bốn lần phủ quyết trước đều được sự ủng hộ của Trung Quốc; lần này Bắc Kinh bỏ phiếu trắng, theo Reuters.

Còn về dự thảo hối thúc lệnh ngừng bắn do Nga soạn thảo cũng bị bác do vấp phải 3 phiếu phủ quyết của Mỹ, Pháp, Anh và  9 thành viên khác phản đối. Sau bỏ phiếu, Reuters dẫn lời Đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ, ông Lưu Kết Nhất cho biết: “Dự thảo nghị quyết của Nga có đề nghị việc xem xét lệnh ngừng bắn, hỗ trợ nhân đạo, nỗ lực để chống lại chủ nghĩa khủng bố và đàm phán chính trị. Nói chung, dự thảo nghị quyết tôn trọng đầy đủ nhân quyền, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria với một nội dung toàn diện và cân bằng. Trung Quốc bỏ phiếu ủng hộ và chúng tôi lấy làm tiếc rằng dự thảo đã không được thông qua”.

Theo quy định, để một dự thảo được HĐBA thông qua, cần phải có 9 phiếu thuận và không có phiếu phủ quyết nào. Các quốc gia có quyền phủ quyết hiện nay gồm: Mỹ, Pháp, Anh, Nga và Trung Quốc.

Hôm qua, theo RT, ông Vitaly Churkin, Đại sứ Nga tại LHQ tuyên bố việc không thể thông qua các dự thảo nghị quyết về Syria không có nghĩa là các nỗ lực ngoại giao đã chấm dứt. Theo ông Churkin, các nỗ lực đa phương và song phương vẫn đang được tiếp tục, đồng thời bày tỏ hy vọng tình hình tại Syria sẽ sớm được ổn định.

Bất đồng Nga - Mỹ tiếp diễn

Cùng thời điểm diễn ra cuộc bỏ phiếu về các nghị quyết trên, tại Syria, các lực lượng Chính phủ Syria đã giành lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ mà quân nổi dậy từng chiếm giữ ở một số khu vực miền Tây. Đồng thời, các lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad với sự hỗ trợ của không quân Nga và các tay súng của Iran, Liban và Iraq đã giành được lợi thế ở khu vực xung quanh chiến trường Aleppo.  

Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa Nga với Mỹ, khi mới đây nước này tuyên bố chấm dứt đối thoại với Nga về Syria; vì cho rằng, Chính phủ Syria không thực thi nghiêm túc thỏa thuận ngừng bắn khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo thêm trầm trọng. Mỹ tuyên bố sẽ chuyển sang thực hiện “Phương án B”: Tăng cường các cuộc không kích, điều thêm đặc nhiệm và cung cấp thêm vũ khí mới cho phe đối lập được Mỹ hậu thuẫn.

Về phần mình, Nga cáo buộc cuộc khủng hoảng tại Syria không tìm được lối thoát là do Washington không đủ “năng lực” phân định được lực lượng đối lập “ôn hòa” và khủng bố. Ông Vitaly Churkin cáo buộc Mỹ “làm ngơ” trước hành động phương Tây trang bị các loại vũ khí hiện đại cho nhóm khủng bố Al-Nusra, khiến tái thiết hòa bình tại Syria trở thành “nhiệm vụ không khả thi”.

Các nhà phân tích cho rằng, giải pháp đầu tiên để chấm dứt khủng hoảng Syria vẫn phải là sự phối hợp Mỹ - Nga. Do đó, bất đồng giữa hai nước không có ích cho cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Đồng thời, các nhà phân tích cho rằng, bất đồng giữa hai nước do sự khác biệt về mục tiêu và lợi ích tại đây.

Tại Syria, theo đề nghị của Tổng thống Bashar al Assad, Nga tiến hành chiến dịch không kích IS, hỗ trợ quân Chính phủ đẩy lùi lực lượng khủng bố và ngày càng giành thêm nhiều vùng lãnh thổ. Điều đó giúp Nga bảo vệ vị thế và ảnh hưởng của mình tại Syria và khu vực Trung Đông. Trong khi đó, mục tiêu của Mỹ lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al Assad. Washington coi Bashar al Assad là vật cản trở lợi ích địa chính trị của Mỹ trong khu vực.

 >>> Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.