Những vụ va chạm giữa UAV và máy bay dân sự, quân sự diễn ra ngày càng nhiều (ảnh minh họa) |
Nghiên cứu mới nhất do Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) công bố vào tuần trước cho thấy, những vụ đụng độ, va chạm giữa máy bay không người lái (UAV) và máy bay thương mại gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với các vụ máy bay chở khách bị chim trời tấn công.
250 vụ UAV tiếp cận nguy hiểm
Năm nay, FAA đã nhận trung bình 250 báo cáo về các vụ máy bay không người lái đến gần khu vực sân bay mỗi tháng, tăng cao từ 159 vụ trong năm ngoái. Kết quả do FAA công bố một lần nữa xác nhận lại điều mà giới phi công nhận thấy là mối đe doạ thực sự đối với an toàn hành khách bấy lâu nay, phóng viên CBS News Kris Van Cleave cho biết.
Cơ quan Cảnh sát Los Angeles (LAPD) thường dùng máy bay trực thăng để kịp thời tới hiện trường và làm nhiệm vụ trinh sát từ trên cao. Các máy bay trực thăng thường xuyên phải bay nhanh và bay ở tầm thấp. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, hoạt động này gặp trở ngại vì không ít lần máy bay không người lái từ đâu xuất hiện bất ngờ.
“Nếu trực thăng của chúng tôi va chạm với UAV, sẽ xảy ra tình trạng máy bay nặng cả chục tấn với hàng trăm lít nhiên liệu rơi thẳng xuống khu dân cư”, phi công thuộc Cơ quan Cảnh sát Los Angeles - Kevin Cook cho biết.
Trước nữa, hồi tháng 8/2015, một máy bay không người lái tiếp cận khu vực hiện trường nơi chỉ cách 15m so với trực thăng LAPD khi phương tiện này đang đi vòng quanh, tìm kiếm nghi phạm. Tuy nhiên, rất may mắn là phi công đã kịp thời xử lý và tránh được đụng độ.
Hồi đầu năm nay, một chiếc UAV dân sự khác đã đâm vào trực thăng quân sự trên không phận đảo Staten làm hỏng trục cánh quạt và kính chắn gió. Chiếc trực thăng đã phải hạ cánh khẩn cấp. Tuần trước, một người đàn ông bị bắt giữ vì cáo buộc thả tờ rơi từ máy bay không người lái xuống sân vận động bóng chày. Khu vực sân vận động nằm trong đường bay của sân bay San Jose.
Tác động nguy hiểm hơn chim trời
Trước thực trạng trên, một đội nghiên cứu đến 4 trường đại học: Mississippi, Montana, Ohio và Wichita tiến hành các thử nghiệm mô phỏng. Trong đó, các kỹ sư sử dụng máy tính mô phỏng các vụ va chạm giữa UAV có trọng lượng 2,7 đến 8 pound (tương đương 1,2 - 3,6 kg) và máy bay thương mại.
Nghiên cứu chỉ ra, nếu xét UAV và chim có cùng kích thước, các vụ đụng độ của UAV với tàu bay thương mại gây thảm họa nặng nề hơn các vụ chim trời vô tình đâm phải động cơ máy bay.
Vì các thiết bị bay không người lái được làm từ nhựa cứng, kim loại, pin và camera nên khi va chạm sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro hơn chim, gây ra thiệt hại đáng kể với động cơ hoặc phần đuôi máy bay thương mại.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu phát hiện pin lithium ion của các UAV thường xuyên bị mắc vào vật thể khác khi xảy ra đụng độ gây ra tác động mạnh. Như vậy, trong trường hợp pin UAV bị hư hại và mắc vào máy bay thương mại có thể dẫn tới khả năng pin phát nổ như bom.
Chưa kể, nghiên cứu dự đoán rằng, trong khoảng 3 năm tới sẽ chứng kiến mức độ va chạm giữa UAV và các loại máy bay, trực thăng khác ngày càng nghiêm trọng. FAA ước tính, 2,3 triệu UAV đã được mua để sử dụng cho mục đích giải trí trong năm nay và số lượng này dự kiến sẽ còn tăng trong nhiều năm tới.
Nhiều thiết bị bay không người lái khác cũng được sử dụng vì mục đích thương mại như phục vụ tác nghiệp báo chí, kiểm tra đường ống, đường dây điện, giao hàng hoặc làm bia bắn cho hoạt động diễn tập quân sự, thể thao, bắn súng…
Để giảm thiểu tối đa các vụ tai nạn, các nhà nghiên cứu cho rằng, nhà khai thác UAV cần phải xin cấp phép đặc biệt để khai thác hoạt động của các UAV trong nhiều lĩnh vực khác gần sân bay.
FAA cũng lưu ý, hồi tháng 11 vừa qua, các cá nhân, nhà khai thác những thiết bị bay không người lái thường xuyên gọi đến tháp kiểm soát không lưu để xin phép hoạt động nhưng tần suất gọi điện tới dày đặc, làm xao nhãng và phân tâm các nhân viên điều hành không lưu vốn đã rất căng thẳng trong việc chỉ dẫn bay cho các phi cơ thương mại. Đây cũng được xem là một trong những yếu tố tác động không nhỏ tới việc đảm bảo an toàn bay.
Hiện giới chức Mỹ và nhiều nước quy định máy bay không người lái không được phép bay vào gần khu vực có phạm vi 5 dặm cách sân bay hoặc ở độ cao trên 120m.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, các nhà sản xuất UAV cũng cần đưa ra những tiêu chuẩn thiết kế mới đủ để đảm bảo máy bay dân sự, quân sự có thể chịu đựng hoặc ít tổn thất nhất trước một vụ va chạm với các sản phẩm do họ chế tạo.
Các tiêu chuẩn hiện nay chỉ có thể phòng trường hợp chim trời tấn công nên không còn phù hợp và thiếu an toàn khi máy bay có người lái đối mặt với các UAV. FAA cũng cho rằng, vai trò của các nhà sản xuất UAV rất quan trọng vì có thể phát triển công nghệ để các UAV để có thể chủ động phát hiện và tránh máy bay thương mại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận