Chuyện dọc đường

Vì sao nên phân cấp làm cao tốc?

Việc phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện dự án là "chìa khóa" hóa giải áp lực này. Đó không chỉ là sự "chia lửa" mà còn giúp tiến độ các dự án được đẩy nhanh hơn.

Nhiều năm qua, các dự án đầu tư công trong lĩnh vực giao thông, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, Chính phủ đều giao cho Bộ GTVT thực hiện chức năng chủ đầu tư.

Vì sao nên phân cấp làm cao tốc? - Ảnh 1.

Một đoạn cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (ảnh minh họa).

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu cả nước có 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025 và 5.000km vào năm 2030 là rất lớn, các ban quản lý dự án của Bộ GTVT dù có kinh nghiệm và tăng quy mô nhân sự cũng không thể bao hết được lượng việc khổng lồ này.

Việc phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện dự án là "chìa khóa" hóa giải áp lực này. Đó không chỉ là sự "chia lửa" mà còn giúp tiến độ các dự án được đẩy nhanh hơn.

Một điều dễ thấy, các vướng mắc trong quá trình đầu tư một tuyến cao tốc như: Giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu... thì việc giải quyết của cơ quan chức năng địa phương sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với để các ban quản lý dự án "lạ nước, lạ cái" loay hoay tìm cách giải quyết.

Thực tiễn cho thấy, nếu không có sự hợp tác hiệu quả với chính quyền địa phương thì chắc chắn dự án bế tắc. Như giải phóng mặt bằng, tỷ lệ diện tích có thể đạt cao nhưng "xôi đỗ", "da báo" thì không thể tổ chức thi công đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng.

Phân cấp, phân quyền cũng xóa được tình trạng các ban quản lý dự án vẫn phải "xin" sự phối hợp của các cơ quan sở tại như tại nhiều dự án trước đây, dù tuyến đường cao tốc đi qua, đối tượng hưởng lợi đầu tiên là địa phương.

Việc giao địa phương quản lý dự án sẽ huy động tốt lực lượng lao động của địa phương tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng; giúp địa phương chủ động trong việc kết nối các mạng lưới giao thông phù hợp với quy hoạch, phát huy hiệu quả đầu tư dự án.

Song, dù chính quyền địa phương được giao làm chủ đầu tư hay cơ quan có thẩm quyền thì trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GTVT vẫn cần xuyên suốt để kiểm tra, hỗ trợ các địa phương thực hiện.

Ở các dự án đó, Bộ GTVT dù không trực tiếp đóng vai trò chủ đầu tư nhưng luôn sẵn sàng sát cánh cùng các địa phương để tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật, mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy nhanh nhất tiến độ các dự án, đảm bảo chất lượng.

Đối với các dự án công trình có quy mô lớn, phức tạp về mặt kỹ thuật, công nghệ và quản trị dự án, yêu cầu đặt ra là các địa phương cần phải có cán bộ có năng lực, kinh nghiệm về thi công, đầu tư, quản lý dự án. Do đó, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương với các bộ quản lý chuyên ngành như Bộ GTVT, Bộ Xây dựng...

Đối với các dự án đi qua nhiều địa phương khi giao một địa phương làm cơ quan chủ quản, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp hiệu quả giữa các địa phương. Nhiệm vụ này cần vai trò của Bộ GTVT trong hoạt động kiểm tra, giám sát và hỗ trợ.

Về lâu dài, cơ chế cơ chế giao địa phương làm cơ quan chủ quản sử dụng nguồn vốn địa phương đầu tư quốc lộ, cao tốc cần được nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý nhằm tận dụng tối đa nguồn lực từ các địa phương có nguồn thu cao, có khả năng huy động và cân đối được nguồn lực. Việc này sẽ giúp việc phân cấp, phân quyền được thực hiện triệt để.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.