Vụ tai nạn trên một lần nữa cảnh báo về hồ sơ an toàn hàng không không mấy tốt đẹp của quốc gia Nam Á này.
Theo thống kê từ năm 2000 đến nay, đã có hơn 360 người thiệt mạng do tai nạn máy bay tại Nepal. Vậy đâu là nguyên nhân khiến Nepal thành điểm đen tai nạn hàng không?
Địa hình hiểm trở
Nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc bên dãy núi Himalaya đồ sộ bậc nhất thế giới, Nepal sở hữu tới 8 trong số 14 đỉnh núi cao nhất thế giới.
Vì thế máy bay của Nepal thường phải di chuyển trong những sân bay nhỏ hẹp, khó tiếp cận, nằm khuất trong những ngọn đồi hẻo lánh xa xôi hoặc những đỉnh núi bị mây mù che phủ.
Không chỉ bị cản trở bởi những ngọn núi hùng vĩ nối tiếp xen kẽ, đặc điểm địa hình của Nepal cũng tạo ra các hình thái thời tiết dễ biến động đột ngột, ảnh hưởng đến tốc độ và cường độ gió, gây khó khăn trong việc điều hướng chuyến bay.
Đội bay già cỗi
Theo World Bank, Nepal vẫn nằm trong nhóm các quốc gia nghèo và chậm phát triển trên thế giới.
Vì thế, Nepal gặp khó khăn để đầu tư, nâng cấp hoặc bảo dưỡng máy bay đảm bảo an toàn phục vụ các hoạt động hàng không dân dụng.
Nhiều máy bay già cỗi, thiếu các tính năng và tiện ích phổ biến, thường được bảo trì không hiệu quả khiến tai nạn dễ xảy ra hơn.
Theo Reuters, đây cũng là một trong những lý do khiến Liên minh châu Âu (EU) đã cấm các hãng hàng không Nepal vào không phận các nước này từ năm 2013.
Tuy nhiên, trong cuộc đánh giá an toàn mới nhất vào năm 2023, EU đã ghi nhận sự chủ động tích cực, tăng cường giám sát của cơ quan quản lý hàng không Nepal.
Quyết định sai lầm của phi công
Vấn đề quản lý và đào tạo phi hành đoàn của Nepal cũng khiến các chuyên gia phải lên tiếng cảnh báo do nhiều vụ tai nạn xảy ra là do phi công đã đưa ra những quyết định không hợp lý.
Tại vụ tai nạn làm 72 người chết tháng 1/2023, phi công được cho là do thiếu kiến thức và thực hiện không đúng quy trình, gạt nhầm cần điều khiển, gây ra vụ rơi máy bay.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), đây là vụ tai nạn hàng không chết người duy nhất trên toàn cầu vào năm ngoái, chấm dứt chuỗi thời gian an toàn hàng không kéo dài trong nhiều năm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Giám sát quản lý còn bất cập
Dịch vụ hàng không và quy định hàng không thường do các cơ quan riêng biệt phụ trách ở hầu hết các quốc gia. Tuy nhiên ở Nepal, Cơ quan Hàng không Dân dụng Nepal (CAAN) vừa quản lý hoạt động của các hãng hàng không, vừa quản lý sân bay.
Các chuyên gia cho rằng đây là xung đột lợi ích khi cơ quan quản lý tự kiểm soát hoạt động của mình, có nguy cơ dẫn đến các vấn đề tiêu cực và quản lý không hiệu quả.
Tuy nhiên CAAN đã phủ nhận ý kiến trên và khẳng định các đơn vị chuyên trách trong cơ quan không có mối liên hệ trực tiếp dù hoạt động trong cùng một tổ chức.
Nhiều năm qua, Nepal đã tăng cường nỗ lực cải thiện an toàn hàng không, bao gồm xây dựng cải tiến hạ tầng sân bay, nâng cấp thiết bị an toàn và thúc đẩy văn hóa an toàn hàng không.
Sự cải thiện đáng kể trong an toàn hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế của Nepal đã được Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) ghi nhận vào năm 2018.
Tuy nhiên, quốc gia Nam Á này vẫn phải tiếp tục nỗ lực cải cách ngành hàng không để đảm bảo an toàn cao nhất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận