Ngày 29/9, theo hãng thông tấn Pháp AFP, Nga đã đe dọa chặn mạng xã hội video YouTube và thực hiện các biện pháp trả đũa khác, sau khi nền tảng chia sẻ video của Mỹ chặn các kênh nói tiếng Đức của kênh truyền hình nhà nước RT.
“Ăn miếng trả miếng”
Chính quyền Moscow đã và đang gia tăng sức ép đối với những gã khổng lồ công nghệ nước ngoài khi họ tìm cách kiểm soát nhiều hơn nội dung trực tuyến cho khán giả trong nước.
Đồng thời, chính quyền Nga đã thực hiện một loạt nỗ lực để mở rộng ảnh hưởng của mình ra nước ngoài, đặc biệt là với kênh RT với khả năng năng điều hành các đài truyền hình và trang web bằng nhiều ngôn ngữ.
Logo của Youtube - ảnh AFP.
Hôm thứ Ba, đại diện YouTube nói với truyền thông Đức rằng họ đã đưa ra cảnh báo đối với RT vì đã vi phạm nguyên tắc thông tin về đại dịch Covid-19 và sau đó cho đóng cửa hai kênh Youtube của người Nga do vi phạm điều khoản người dùng.
Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng cáo buộc YouTube rằng đây là "hành động gây hấn chưa từng có trên phương tiện truyền thông" mà họ cho rằng có thể là do chính quyền Đức hỗ trợ.
"Việc áp dụng các biện pháp trả đũa đối xứng chống lại truyền thông Đức ở Nga ... dường như không chỉ phù hợp mà còn cần thiết", Bộ này cho biết trong một tuyên bố.
"Chúng tôi tin rằng các biện pháp này là cách duy nhất có thể để kích thích sự quan tâm của các đối tác của chúng tôi trong một cuộc đối thoại mang tính xây dựng và có ý nghĩa xung quanh tình huống không thể chấp nhận được này” – tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Cơ quan giám sát truyền thông Nga (Roskomnadzor) sau đó đã đe dọa hạn chế quyền truy cập vào YouTube ở Nga, cáo buộc công ty Hoa Kỳ cố gắng "kiểm duyệt" các nội dung do các phương tiện truyền thông Nga sản xuất.
Roskomnadzor cho biết họ đã gửi thư tới chủ sở hữu của YouTube là Google "yêu cầu dỡ bỏ tất cả các hạn chế" đối với hai kênh - RT DE và Der Fehlende Part - "càng sớm càng tốt".
Roskomnadzor nói rằng các hạn chế nói trên đã "vi phạm các nguyên tắc chính của việc phổ biến thông tin miễn phí".
Roskomnadzor cho hay, YouTube có thể bị áp đặt các hạn chế mới nếu những cảnh báo từ chính quyền Nga bị bỏ qua.
Điện Kremlin đã nhiều lần cáo buộc các phương tiện truyền thông xã hội do nước ngoài sở hữu can thiệp vào chính trị Nga, bao gồm cả việc lưu trữ nội dung ủng hộ nhà lãnh đạo đối lập đang ngồi tù Alexei Navalny.
Trước cuộc bầu cử vào Duma Quốc gia Nga vào tháng này, Roskomnadzor đã chặn hàng chục trang web có liên quan đến Navalny, người có tổ chức bị cấm ở Nga theo điều luật "chủ nghĩa cực đoan".
Các tòa án ở Nga đã phạt các nền tảng không tuân thủ, bao gồm Twitter, Google và Facebook, với một loạt các khoản tiền phạt. Vào tháng 3 đầu năm nay, Nga bắt đầu giảm tốc độ tăng trưởng dịch vụ của mạng xã hội Twitter.
RT là mối lo của phương Tây
Ra mắt vào năm 2005 với tên gọi "Russia Today", kênh RT do nhà nước Nga tài trợ đã mở rộng thêmcác đài truyền hình và trang web bằng các ngôn ngữ bao gồm tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Ả Rập.
Kênh RT đã gây ra tranh cãi ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, nơi RT được yêu cầu phải đăng ký hoạt động như một cơ quan đặc biệt của người nước ngoài. Tại Anh, các nhà chức trách đã đe dọa thu hồi giấy phép phát sóng của kênh RT.
Kênh RT đã bị cấm ở một số quốc gia, bao gồm cả các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ là Lithuania (Litva) và Latvia.
RT cung cấp video trực tuyến bằng tiếng Đức nhưng cho đến nay vẫn chưa thể xin được giấy phép phát sóng ở Đức bằng tín hiệu vệ tinh hoặc phát sóng từ trạm mặt đất.
Chính quyền Luxembourg tháng trước đã từ chối cấp giấy phép cho RT phát sóng một kênh tiếng Đức từ nước này vì hoạt động của kênh này chủ yếu đặt tại Đức.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận