Mẫu tinh trùng hiến được kiểm tra rất kỹ trước khi lưu trữ trong ngân hàng tinh trùng |
Quy trình phức tạp, mất thời gian
Việc cho và nhận tinh trùng đã được quy định cụ thể trong Nghị định về sinh con theo phương pháp khoa học. Theo đó, người cho tinh trùng phải đảm bảo các điều kiện: Tự nguyện cho tinh trùng; tuổi từ 20-55; có đủ sức khỏe, không mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, không nhiễm HIV, bệnh tâm thần, bệnh truyền nhiễm hay các bệnh di truyền khác. Điều kiện trên cũng bắt buộc đối với người nhận tinh trùng.
Theo tìm hiểu, hiện có nhiều bệnh viện, cơ sở y tế và trung tâm hỗ trợ sinh sản đã xây dựng được ngân hàng tinh trùng nhằm phục vụ nhu cầu cho và nhận. Tuy nhiên, phần lớn những ngân hàng tinh trùng này đều đang trong tình trạng khan hiếm mẫu tinh trùng dự trữ do lượng người đến hiến rất ít.
Một phần nguyên nhân của tình trạng trên là do quy trình lấy tinh trùng từ người hiến tương đối phức tạp và mất thời gian. Cụ thể: Người hiến tinh trùng phải đến bệnh viện nơi mình sẽ hiến thực hiện một loạt các xét nghiệm, kiểm tra tổng thể để đảm bảo đủ điều kiện sức khỏe, không mắc các bệnh trên. Nếu tất cả các xét nghiệm đều cho kết quả âm tính thì mẫu tinh trùng của người hiến mới được lấy để đi làm tinh dịch đồ.
Tiếp theo, 3 tháng sau, người hiến tinh trùng phải quay lại bệnh viện để làm lại các xét nghiệm trên một lần nữa nhằm loại trừ kết quả âm tính ở giai đoạn cửa sổ của lần xét nghiệm trước. Nếu các xét nghiệm lần này vẫn âm tính và kết quả tinh dịch đồ tốt thì mẫu tinh trùng của người hiến mới được chấp nhận là đạt. Người hiến sẽ được tư vấn và hẹn ngày đông tinh. Mỗi đợt lấy tinh trùng là 3 lần và người nhận cũng được cấy phôi 3 lần cho đến khi thành công.
Người hiến không phải bỏ bất kì chi phí lưu trữ hay xét nghiệm nào. Riêng người nhận tinh trùng phải trả 3 triệu đồng cho mỗi lần sử dụng chi phí xét nghiệm, hóa chất, lưu trữ. Các mẫu tinh trùng được lưu trữ trong điều kiện - 196o bằng nitơ lỏng và được lưu trữ trong ngân hàng tinh trùng tối đa 2 năm. Trường hợp có bệnh lý thì được gia hạn lâu hơn.
Nguyên tắc đổi mẫu "làm khó" bệnh nhân hiếm muộn
TS. Hồ Sỹ Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương thừa nhận, tình trạng thiếu tinh trùng hiện đang tồn tại ở hầu hết các bệnh viện có ngân hàng tinh trùng. Theo TS. Hùng, trong số những bệnh nhân nam hiếm muộn do không có tinh trùng thì chỉ một số nhỏ trong đó điều trị được để có con của chính mình, số còn lại đều phải đi xin tinh trùng của người khác. “Có mấy người nam giới chấp nhận hiến tinh trùng của mình để người khác có con? Đó là chưa kể tỉ lệ thụ thai từ việc cho và nhận tinh trùng (đã qua lọc, rửa) chỉ đạt 20-30%”, TS. Hùng nói.
Lý giải về tình trạng khan hiếm nguồn tinh trùng tại các bệnh viện, TS.BS Vương Văn Vệ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết: Bệnh nhân nào muốn xin tinh trùng để có con thì đều phải thực hiện nguyên tắc đổi mẫu. Tức là bệnh nhân đó phải tự tìm được một người tự nguyện hiến tinh trùng cho mình.
Bệnh viện lấy mẫu tinh trùng của người đó và đổi cho một mẫu khác trong ngân hàng của bệnh viện. Chính nguyên tắc này vô hình trung lại “làm khó” cho những bệnh nhân hiếm muộn. “Tất cả những bệnh nhân hiếm muộn đều không muốn cho người khác biết tình trạng của mình, vì thế nếu để đi xin tinh trùng của người quen hoặc bạn bè hầu như chẳng ai dám làm. Còn xin của người lạ thì vừa khó vừa không tin tưởng. Thành ra nhiều người chấp nhận không có con hoặc xin con nuôi chứ nhất định không chịu đổi mẫu”, TS.BS Vệ phân tích.
Theo TS.BS Vệ, thực ra quy định đổi mẫu không phải là nguyên tắc bắt buộc về mặt pháp lý nhưng một phần nhằm tránh việc tranh chấp con cái sau này cũng như hạn chế tối đa việc con cái cùng huyết thống lấy nhau. Phần khác vì khan hiếm nguồn tinh trùng trong ngân hàng nên hầu hết các bệnh viện hiện nay đều áp dụng quy định này. Vấn đề trên sẽ được giải quyết nếu bệnh viện xây dựng được nguồn tin trùng dồi dào để lưu trữ trong ngân hàng. Tuy nhiên, để làm được điều này không hề dễ dàng.
“Trên thực tế, tình trạng thủ dâm trong giới trẻ hiện nay rất phổ biến nhưng để vận động được những người này đi hiến tinh trùng chưa chắc họ đã đi. Không phải vì họ tiếc tinh trùng mà do tâm lý lo ngại không biết sau này con cái mình sẽ như thế nào. Bên cạnh đó, quy trình hiến tinh trùng hiện nay cũng phức tạp và mất nhiều thời gian nên không mấy người có đủ nhiệt tình và kiên nhẫn để làm”, TS.BS Vệ nói.
Việt Nam hiện có khoảng 1 triệucặp vợ chồng hiếm muộn “Theo ước tính từ con số thực tế dịch tễ học trong một đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, hiện nay tỉ lệ hiếm muộn ở Việt Nam khoảng 7-10%, tương đương khoảng 1 triệu cặp vợ chồng bị hiếm muộn. Tỉ lệ này của các nước trên thế giới cao hơn là từ 7-15%”, TS.BS Vương Văn Vệ cho biết. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận