Văn hóa - Giải Trí

Vì sao nghệ sĩ bỏ tiền bù lỗ show diễn nghệ thuật?

11/12/2017, 07:29

Không có thương hiệu lớn bỏ tiền tài trợ làm show, các nghệ sĩ bỏ tiền túi để thực hiện những buổi hòa nhạc...

24

Nghệ sĩ Phó An My

Show lỗ hoặc chỉ diễn không công

Trước nay, số lượng chương trình nhạc cổ điển tại Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay như: Giai điệu mùa thu, Luala concert, Hòa nhạc Henesssy, Hòa nhạc Toyota… Tuy nhiên, đó đều là những chương trình do các nhãn hàng đứng ra tổ chức. Mới đây, ba nghệ sĩ gồm GS. NGND Ngô Văn Thành, pianist Đào Trọng Tuyên và nghệ sĩ violin Nguyễn Công Thắng có buổi hòa nhạc cổ điển Romantic Concert. Đây là buổi hòa nhạc cổ điển hiếm hoi trong thời buổi các chương trình ca nhạc giải trí phát triển như vũ bão hiện tại.

Đêm nhạc đã được các nghệ sĩ ấp ủ từ vài năm trước, nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp thời gian tập luyện, sáng tác nhạc mới, công tác xin tài trợ… Nghệ sĩ Đào Trọng Tuyên cho hay, để tổ chức một chương trình nhạc cổ điển, thông thường cần sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc các đơn vị liên quan đứng ra tổ chức. Các nghệ sĩ tham gia Romantic Concert đều làm trên tinh thần vì nghệ thuật, không đòi hỏi nhiều về thù lao.  

"Mô hình hòa nhạc cổ điển tư nhân rất đáng khích lệ. Nhà nước không thể bao cấp được mãi. Tôi hy vọng chương trình sau sẽ có những nhà tài trợ khác, hy vọng được xã hội quan tâm. Điều này cũng để xã hội phát triển hơn, giúp con em chúng ta và người dân được biết tới nhiều hình thức văn hóa khác nhau”.

Pianist Đào Trọng Tuyên

Nghệ sĩ Phó An My thừa nhận, muốn xin tài trợ để làm liveshow âm nhạc nhưng không biết xin ở đâu. Đó cũng là lý do suốt nhiều năm theo đuổi các vòng sáng tạo Đối thoại và mới đây là Độc Thoại, Phó An My đều “tay không bắt giặc”. Chị thừa nhận: “Nếu cứ chờ dựa vào tài trợ thì không bao giờ làm được. Bỏ tiền ra, lỗ thì sau đó lại đi làm việc khác để trả nợ”.

Công tác bán vé cũng trở thành nỗi trăn trở khi nhạc cổ điển vốn kén khán giả. Phó An My từng phải lăn lộn khi vừa luyện tập, vừa vất vả bán vé. Về sau, bạn bè của chị mỗi người giúp một tay để bán vé bởi nhìn thấy sấp vé, Phó An My không đủ tinh thần để tập trung tập luyện. Và chị vẫn thấp thỏm cho tới lúc nhà sản xuất thông báo tình hình và chuyện bị lỗ được chị đón nhận như một điều hiển nhiên.

Không chỉ bán vé, chuyện quảng bá cũng là cả một vấn đề. Pianist Đào Trọng Tuyên cho rằng, quảng cáo nhiều có thể gây tác dụng ngược, phản cảm. Đặc biệt, việc quảng cáo bằng băng rôn không phải cách hay. Bởi, nhạc cổ điển là loại hình nhạc có đối tượng công chúng khá khác biệt. Điều đó phần nào cũng khiến sự phổ biến của chương trình tới khán giả, gây ảnh hưởng ít nhiều tới vấn đề bán vé.

Buổi hòa nhạc không phải để nghệ sĩ kiếm tiền

Một trong nhưng lý do khiến các chương trình nhạc cổ điển khó bán vé, khó xin tài trợ chính là do loại hình nghệ thuật vốn kén khán giả. Theo nghệ sĩ Phó An My, ngay ở những nước sinh ra nhạc cổ điển, khán giả của loại hình này cũng chỉ chiếm cao nhất 30%. Thế nên, kể cả những đêm diễn ở nước ngoài cũng cần có tài trợ. Thông thường, Nhà nước hoặc các tổ chức sẽ có những khoản quỹ riêng để hỗ trợ cho các đêm nhạc hàn lâm. Cũng bởi thế, với khán giả châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, để đưa nhạc cổ điển đến gần với mọi người rõ ràng là điều khó khăn. “Để đêm diễn có thể nuôi được mình thì không bao giờ có, nhưng nó lại có thể nuôi dưỡng mình ở những thứ khác, giúp mình thỏa mãn về nghề, được đưa ra công chúng những tác phẩm, ý đồ mà mình muốn nói. Một buổi hòa nhạc không phải để nghệ sĩ kiếm tiền”, Phó An My bộc bạch.

Trong khi đó, theo GS. NGND Ngô Văn Thành, trong sự phát triển nhanh của thị trường hiện nay, công chúng cũng có khó khăn riêng của mình. Họ tìm đến những điều để thỏa mãn ý thích với những loại hình giải trí. Trong khi ấy, những tinh hoa của nhạc cổ điển lại chắt lọc đối tượng thưởng thức. Do đó, để đưa được loại hình nghệ thuật này tới gần hơn với nhu cầu thưởng thức của công chúng phải phụ thuộc rất nhiều vào các nhà tổ chức, những người có tiền làm văn hóa. Hơn nữa, Nhà nước cũng cần nâng cao giáo dục công chúng trong việc thưởng thức các sản phẩm văn hóa.  

GS. Ngô Văn Thành cho rằng, nếu Nhà nước cũng buông tay, nếu các tổ chức xã hội hay nhà hoạt động kinh doanh không nghĩ tới lợi ích văn hóa thì nhạc cổ điển sẽ bị trôi theo cơ chế thị trường. Điều ấy có thể khiến loại hình này ngày càng rơi vào tình thế khó khăn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.