Mức án cao nhất tại Nga hiện nay là chung thân. Nga dừng áp dụng án tử hình từ khi trở thành thành viên Hội đồng châu Âu vì đây là điều kiện bắt buộc để gia nhập. Tuy nhiên theo luật pháp Nga, án tử hình vẫn hợp pháp, chỉ đang bị tạm dừng ban hành.
Nga rút khỏi Hội đồng châu Âu hồi tháng 3/2022, song Tòa Hiến pháp Nga vài tháng sau cho biết sẽ không khôi phục án tử hình, với lý do động thái đó "đi ngược con đường nhân đạo hóa" chính sách lập pháp.
Tuy nhiên, sau thảm kịch ở nhà hát Crocus City Hall ngày 22/3, đánh dấu vụ tấn công đẫm máu nhất ở Nga hai thập kỷ qua khiến 137 người thiệt mạng, nhiều quan chức cấp cao Nga kêu gọi tái áp dụng án tử hình.
Ông Vladimir Vasilyev, lãnh đạo đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền ở Hạ viện Nga cho rằng: "Hiện nay rất nhiều câu hỏi được đặt ra về án tử hình. Chủ đề này chắc chắn sẽ được xem xét một cách sâu sắc và thực chất".
Còn theo ông Yury Afonin, Phó chủ tịch ủy ban an ninh ở Hạ viện Nga, cần khôi phục án tử hình đối với những trường hợp liên quan chủ nghĩa khủng bố và giết người.
Ngoài ông Afonin, cựu tổng thống Dmitry Medvedev, hiện là Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga và Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodinhai cũng kêu gọi tiêu diệt những kẻ khủng bố sau vụ tấn công.
"Những kẻ khủng bố chỉ hiểu được cách trả đũa bằng vũ lực. Giết người phải đền mạng", ông Medvedev chia sẻ trên Telegram. Lãnh đạo hai đảng đồng minh của đảng Nước Nga Thống nhất cũng ủng hộ quan điểm này.
Đến thời điểm này, 4 nghi phạm liên quan trực tiếp vụ tấn công trung tâm thương mại Crocus City Hall đã được đưa ra trình diện tại tòa. Cả bốn người đang đối mặt các cáo buộc liên quan chủ nghĩa khủng bố và sẽ lĩnh án chung thân nếu bị kết tội.
Đây không phải lần đầu tiên dư luận Nga rộ lên đề nghị tái áp dụng án tử hình. Năm 2019, sau vụ sát hại một nữ sinh ở miền nam nước Nga, đề nghị này cũng được đưa ra. Theo cuộc khảo sát độc lập của Trung tâm Levada thời điểm đó, số người Nga ủng hộ việc khôi phục án tử hình đã tăng lên gần 50%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận