Vợ chồng ông Bristowns sinh sống hàng chục năm ở Hull bỏ phiếu ủng hộ Brexit |
“Không có gì để mất”
Mỗi buổi sáng, các chuyến phà bốc dỡ hàng hóa cập bến Hull, chủ yếu hàng hóa đến từ Hà Lan và Bỉ. Buổi tối, các xe tải xếp hàng để chở vào trong lục địa châu Âu. Thế nhưng, không phải ai cũng biết nhiều về thị trấn nhỏ xinh được mệnh danh là “cổng vào của châu Âu” này. Đã từ lâu, Hull dường như bị lãng quên.
Đối với nhiều người dân Hull, cuộc sống dường như là một điều gì đầy khó khăn. Họ nằm trong số những người nghèo nhất trên toàn bộ Vương quốc Anh. Trong cuộc bỏ phiếu lựa chọn việc đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU) hồi tuần trước, có tới gần 68% cư dân ở thị trấn này ủng hộ Brexit, đồng nghĩa cứ 2 người dân Hull có hơn 1 người muốn rời EU.
Trong khi không ít người dân Anh loay hoay giữa lựa chọn “đi hay ở”, thể hiện ở tỷ lệ 52% ủng hộ rời bỏ và gần 48% muốn ở lại thì người dân Hull không quá khó để đưa ra quyết định. Phóng viên CNN gặp Christine và Gary Bristowns bên ngoài một trung tâm mua sắm ở Orchard - một trong những vùng nghèo nhất thị trấn. Gia đình Bristowns đã sống ở Hull hàng chục năm. Bà nói, gia đình đã quá “chán nản” với cảnh sống xung quanh: “Thật chán, chẳng có gì quanh đây cả”. Bà Bristowns đi bỏ phiếu vì cảm thấy đang thua kém so với Westminster.
Những cư dân sống lâu năm ở Hull như gia đình Bristowns không cho rằng, EU đóng một vai trò quan trọng gì trong cuộc sống của họ. Chưa kể, họ đổ lỗi cho EU khiến cho ngành công nghiệp đánh bắt cá ở đây suy yếu. Đó là một lĩnh vực phát triển mạnh khi Anh vừa mới gia nhập EU những năm 1970, nhưng hiện tại, ngành này đã biến mất. Nhiều người dân Hull cũng chia sẻ quan điểm tương tự như gia đình Bristowns. Họ ủng hộ rời EU vì họ cảm thấy… chẳng có gì để mất.
Cecil Fordham, một người già về hưu ở thị trấn Hull còn cho rằng, dịch vụ xã hội ở thị trấn giống như một… gánh nặng vậy: “Chẳng có bác sĩ nào đâu. Bạn không bao giờ có thể được chạm vào dịch vụ đó. Có khi phải mất 2 tuần để được gặp bác sĩ ấy”, ông Fordham phàn nàn. “Chúng tôi chẳng có gì để mất”.
“Hình phạt cho đảng cầm quyền”
Kết quả bỏ phiếu ở Hull về Brexit trong tương quan kết quả trưng cầu dân ý toàn nước Anh |
Ông Gary Cole, 44 tuổi, một cư dân thị trấn Hull sinh ra ở khu vực Orchard thậm chí còn nói, đến giờ này ông vẫn tiếp tục ủng hộ Brexit. “Tôi vô cùng tức giận khi mọi người chẳng hề biết chút sự thật nào, còn loay hoay đi tìm kiếm nó. Năm nay tôi có một đứa con gái vào đại học, nó sẽ dễ dàng ra nước ngoài học với một núi… nợ chồng chất vì nó đã 18 tuổi rồi. Nó có thể đi ra nước ngoài mà không có gì làm rào cản nó”. Khi được hỏi ông nghĩ sao về việc nhiều người ở Hull lựa chọn Brexit, ông Cole nói: “Cũng giống như tôi thôi, chẳng ai lắng nghe chúng tôi cả, đó là lý do chúng tôi chọn rời bỏ”.
Theo PV của CNN, nhiều người phàn nàn rằng, kết quả bỏ phiếu Brexit ở Hull là một “hình phạt” cho các các chính trị gia, đặc biệt là đảng Bảo thủ cầm quyền. Đối với nhiều người khác, nguyên do xuất phát từ việc mọi thứ đang thay đổi quá nhanh chóng theo chiều hướng tồi tệ. Họ đổ lỗi cho người nhập cư.
Hôm qua, Người đứng đầu Ủy ban Hiến pháp Nghị viện châu Âu, bà Danuta Hubner cho rằng: Khi Anh còn là thành viên EU, tiếng Anh là một ngôn ngữ chính thức. Tuy nhiên, điều này sẽ không tồn tại khi Anh rời khỏi EU. Nếu điều này thành hiện thực thì vai trò và tầm ảnh hưởng của Anh tại châu Âu sẽ bị giảm sút đáng kể. Hiện, tiếng Anh cũng đang là một trong 3 ngôn ngữ được sử dụng trong các bằng cấp và giấy tờ pháp lý của EU. |
Jacko Paul, người bỏ phiếu “rời EU” nói: “Không còn an toàn nữa rồi. Trước đó, chúng tôi là một cộng đồng thực sự gắn bó, nhưng bây giờ có quá nhiều “băng đảng” Đông Âu xung quanh chúng tôi”… Còn Susan Lightfoot cho biết: “Quá nhiều thứ khiến chúng tôi chọn rời đi. Không ai biết những gì xảy ra hiện tại là tốt hay xấu, chúng tôi cũng chẳng biết sẽ đi về đâu”, Susan nói và cho biết thêm, nhiều người lựa chọn ra khỏi EU vì họ lo lắng về tình trạng người nhập cư.
Một người Ba Lan tại Hull khi được CNN hỏi cho biết, sau khi trưng cầu dân ý diễn ra, nhiều người bản địa đã ngừng trò chuyện với cô. Nếu tình trạng này tiếp tục, cô sẽ dọn đồ trở về Ba Lan sống, vì không muốn bám trụ lại ở một mảnh đất mà mình không được chào đón. Phân biệt chủng tộc và xã hội ngày càng sâu sắc hơn kể từ khi Anh tổ chức trưng cầu dân ý về việc rời hay ở lại EU.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận