Góc nhìn

Vì sao người Đức thờ ơ với mạng xã hội?

18/08/2017, 13:30

Báo Local.de của Đức từng có bài viết phân tích cho biết, không giống như ở đa số các nước công nghiệp phát triển...

38

Người dùng mạng xã hội ở Đức đa phần là giới trẻ

Báo Local.de của Đức từng có bài viết phân tích cho biết, không giống như ở đa số các nước công nghiệp phát triển khác, người dân tại quốc gia châu Âu này thường có xu hướng thờ ơ, thậm chí chủ động xa lánh các mạng xã hội (MXH) - công nghệ truyền tin mới nổi lên và đang làm mưa, làm gió trên toàn cầu trong những năm gần đây.

Càng được giáo dục tốt càng không thích MXH

Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu thị trường “Pew Research”, chỉ 37% tổng dân số Đức dùng MXH dù tỷ lệ người dùng internet ở Đức rất lớn, tương đương với các nước như: Thụy Sĩ, Mỹ, Anh. Các khảo sát khác được tiến hành gần đây cũng cho thấy, người Đức luôn ở vị trí cuối bảng trong các quốc gia phương Tây hiện đại về việc sử dụng các MXH phổ biến nhất như: Facebook, Twitter, Youtube.

Tại Đức hiện nay, có sự hiện diện của rất nhiều loại hình MXH của nước ngoài cũng như sản phẩm nội địa của người Đức gồm: Facebook; Google+; Xing; Wer-kennt-wen; StudyVZ; LinkedIn; MySpace; Lokalisten.de; Twitter; YouTube; KWICK; Instagram; Yappy.

Local.de dẫn các số liệu phân tích cho biết, người dân Đức càng được giáo dục cao càng có xu hướng tránh xa MXH. Trong khi đó, số người tham gia sử dụng các MXH ở quốc gia này chủ yếu xuất hiện ở nhóm các công dân được giáo dục ít hoặc không được giáo dục.

Kết quả thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) chỉ ra, tại Đức, số người có nền tảng giáo dục cao chỉ chiếm khoảng 40% tổng số người tham gia sử dụng các loại hình MXH ở nước này. Con số này cho thấy sự phân hóa rất rõ nét giữa hai nhóm công dân chính ở quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu châu Âu và thế giới này.

Theo OECD, cùng một nghiên cứu thống kê nói trên, ở Pháp chứng kiến số người có nền tảng giáo dục cao tham gia sử dụng mạng MXH thường xuyên là 50%, tại Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary là 70 %.

Dân số già, tâm lý muốn giữ sự riêng tư

Theo nhận định của GS. TS. Klemens Skibicki, chuyên gia giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Kinh doanh Cologne thuộc Viện Nghiên cứu truyền thông và luật internet của Đức, lý do người có nền tảng giáo dục thấp ở nước này tham gia sử dụng MXH nhiều hơn, trong khi người có nền tảng giáo dục cao làm điều ngược lại có thể xuất phát từ các lý do cơ bản sau:

Thứ nhất, nước Đức đang bước vào giai đoạn lão hóa dân số. Trên thực tế, xã hội Đức được xếp vào quốc gia có dân số già đông thứ nhì trên thế giới. Đức cũng đứng thứ hai trong bảng xếp hạng quốc gia có độ tuổi trung bình lớn nhất hành tinh vào năm 2015 chỉ sau Monaco - độ tuổi trung bình 51,7 (Nhật Bản và Đức đồng hạng hai với độ tuổi trung bình 46,5).

Với độ tuổi trung bình là 46,5, phần lớn người dân Đức thường ưa thích các hoạt động ngoài trời, chăm sóc gia đình, làm việc hay đi du lịch đó đây thay vì dành thời gian cho các MXH, thứ thường gắn liền với nhóm người trẻ tuổi hơn.

Theo GS. Skibicki, dân số già chính là điểm khác biệt lớn nhất nếu so sánh Đức với các quốc gia châu Âu khác, thậm chí cả ở Mỹ. Độ tuổi trung bình ở Mỹ hiện nay trẻ hơn ở Đức gần 10 tuổi. Trong khi đó, ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện độ tuổi trung bình là dưới 30.

Thứ hai, người Đức rất sợ bị xâm phạm quyền riêng tư. Theo ý kiến chuyên gia Welf Weiger, giáo sư chuyên ngành tiếp thị tại Đại học Göttingen, nhiều người Đức có tài khoản MXH nhưng họ rất ít khi dùng. Lý do là họ sợ những hình ảnh, thông tin cá nhân bị lợi dụng. Người dùng MXH ở Đức cũng ít khi đưa họ tên thật lên các tài khoản mạng. Điều này gây ra hiện tượng giảm số lượng người đăng ký vì hiện nay MXH Facebook của Mỹ yêu cầu người dùng phải dùng họ tên thật mới được quyền truy cập.

Cùng chung nhận định trên, bà Sonja Utz, giáo sư về truyền thông xã hội tại Đại học Tübingennh cho rằng, phần lớn người dùng MXH ở Đức lo ngại về vấn đề riêng tư, họ không muốn bị chính phủ và các công ty công nghệ lớn thu thập được thông tin cá nhân. Thậm chí, nhiều người Đức cảm thấy không thoải mái, sợ bị mắc chứng “tự yêu mình” khi chia sẻ quá nhiều thông tin về cuộc sống riêng tư.

Cuối cùng, một lý do khác cần phải nhắc đến, theo các chuyên gia, đó là ý thức và quan điểm của người Đức. Người Đức có tác phong công nghiệp và ý thức kỷ luật rất tốt, điều này không cho phép họ lãng phí thời gian, đặc biệt là với các loại hình MXH nơi thông tin ảo, thông tin giả đang có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều, không thể kiểm soát.

Phần đông người dân Đức cho rằng, thông tin do các phương tiện truyền thông truyền thống như: Truyền hình, báo chí, đài phát thanh và báo điện tử hiện nay ở Đức đã cung cấp đủ những gì họ cần tiếp nhận hàng ngày. Người Đức cũng không muốn biến mình thành những khách hàng hàng ngày mải mê, đắm chìm với MHX, vô tình tiếp tay và làm giàu cho những công ty kinh doanh số của nước ngoài, đặc biệt là MXH Facebook hay Twitter của Mỹ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.