Trên các phương tiện công cộng ở Nhật, không khó để bạn bắt gặp cảnh người trẻ tuổi ngồi ghế trong khi những người già thì đứng |
“Kính lão” bằng cách xuống xe
Japan Today từng dẫn câu chuyện của Mei, một du học sinh Nhật Bản đến từ Philippines, thay cho lời giải thích về một thói quen đã thành thông lệ ở xứ sở hoa anh đào: “Nếu bạn đã từng đến Nhật Bản, bạn sẽ cảm thấy gần như “quá tải” vì sự tôn trọng của người Nhật. Tuy nhiên, khi đi các phương tiện công cộng như tàu điện ngầm hoặc xe buýt, không khó để bạn bắt gặp cảnh người trẻ tuổi ngồi ghế trong khi những người già thì đứng. Nhưng bạn đừng vì điều này mà nghi ngờ sự tôn trọng và phép lịch sự của người Nhật.
Ở hầu hết các nước, sự tôn trọng được thể hiện rõ nét trong cách người trẻ tuổi ưu tiên người già. Song nếu tìm hiểu sâu hơn văn hóa Nhật Bản, bạn sẽ hiểu rằng chỉ phép lịch sự thôi chưa đủ, cần có kỹ năng xử lý các tình huống xã hội sao cho phù hợp.
Sau hơn 1 năm sống ở Nhật Bản, nơi tôi đã từng dành rất nhiều thời gian trò chuyện với những người già trong khi chờ xe buýt, tôi nhận ra họ rất cởi mở và thân thiện. Tôi đem thắc mắc của mình hỏi một người hàng xóm lớn tuổi (rằng tại sao người trẻ tuổi ở Nhật không nhường ghế cho người già trên các phương tiện giao thông công cộng), và nhận được câu trả lời như sau: “Nếu cô được nhường ghế trên xe buýt, cô sẽ nghĩ rằng: Mình đã già tới mức cần một người trẻ ưu tiên? Điều này sẽ nhắc nhở cô rằng, cô đang ngày một già cỗi đi và cô chắc rằng nhiều người già như cô cũng có suy nghĩ tương tự”.
Bản thân tôi từng trải qua cảm giác lúng túng khi nhường chỗ cho một phụ nữ lớn tuổi, nhưng kết quả là cô ấy nói “cảm ơn” không biết bao nhiêu lần, song cô ấy nhất định không ngồi vào chiếc ghế đó, thế là chúng tôi cùng đứng cho tới khi tôi xuống xe.
Một người bạn Nhật Bản từng khuyên tôi: “Thậm chí, nếu bạn có ý tốt muốn nhường ghế trên các phương tiện giao thông công cộng ở Nhật Bản, điều đó không có nghĩa rằng người khác phải… nhận ý tốt đó. Hầu hết người Nhật e ngại điều đó sẽ khiến bạn “bất tiện hay khó khăn”, hoặc đơn giản, họ “không muốn nhận sự thương hại”.
Người Nhật không muốn được coi là “đã già” hoặc “gây phiền toái cho người khác”. “Nếu bạn muốn nhường ghế cho họ, điều tốt nhất bạn nên làm là vờ như sắp xuống tại điểm tiếp theo. Bạn chỉ cần đứng dậy, đi về phía cửa xuống hoặc sang toa khác (trên tàu) chẳng hạn, họ sẽ đi thẳng tới ghế đó và ngồi, bạn không cần nói ra”, Mei viết.
“Đội ngũ lao động tóc bạc”
Theo con số của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cung cấp, số người từ 65 tuổi trở lên ở nước này chạm mốc 32,9% vào cuối năm 2014, chiếm tới 25,9% tổng dân số. Nước Nhật vì thế đứng trước những thách thức quá lớn của lão hóa dân số như thiếu hụt lao động, khả năng chi trả thuế, bảo hiểm... Theo số liệu ước tính, số người từ 75 tuổi trở lên đang chiếm 12,5% tổng dân số - đồng nghĩa với việc cứ 8 người thì có 1 người ở độ tuổi 75.
Chính phủ Nhật ước tính, đến năm 2060, số người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm gần 40% dân số nước này. Trong cơn bão “già hóa dân số”, người già Nhật Bản tìm cách “trẻ hóa” tối đa bản thân để không bị tụt hậu so với lớp trẻ. Họ làm bất cứ việc gì, nhân viên an toàn xây dựng, nhân viên thu ngân hay thậm chí là giúp việc.
Có tới 7 triệu người già Nhật Bản vẫn tiếp tục làm việc sau khi về hưu, trong bối cảnh không có nguồn lao động nhập cư như nhiều nước phát triển khác. Người già ở xứ sở Phù Tang không coi công việc là gánh nặng mà là niềm tự hào, niềm vui vì được cống hiến cho cuộc đời tới khi có thể. Cụ ông Teruo Sugiura đã 86 tuổi, nhưng vẫn dành 4 ngày/tuần để làm việc trong xưởng mộc chuyên sửa chữa cánh cửa trượt truyền thống của Nhật. Bà Taeko Mishima, 74 tuổi cũng vậy, bà đi làm trở lại trong xưởng mộc trên sau khi đã về hưu 7 năm. Những người như cụ Teruo và Taeko được gọi là “đội ngũ lao động tóc bạc” ở Nhật Bản.
Business Week dẫn lời ông Kazuyoshi Hirota, 69 tuổi, vẫn làm việc 24 giờ/tuần trong vai trò giám đốc quản lý một chung cư ở Tokyo. Ông cho biết: “Lương hưu không đủ cho tôi sống thoải mái. Và cuộc sống mà không có lao động thì cũng rất buồn tẻ”.
Đàn ông Nhật Bản thường làm việc cho đến tuổi 69, nhiều hơn 5 năm so với các nước phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD). Tuổi nghỉ hưu của phụ nữ Nhật Bản là 67, nhiều hơn 4 năm so với tuổi nghỉ hưu bình quân của nữ giới ở các nước OECD. Với mức lương trung bình 300 euro/tháng đối với những người lao động lớn tuổi, họ không chỉ bớt đi những gánh nặng cuộc sống mà còn cảm thấy mình không phải là người “thừa thãi” và chỉ biết phụ thuộc vào con cháu hay lương hưu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận