Một điểm thuê/trả xe đạp ở quận Minato, gần nhà ga Shinagawa tại Thủ đô Tokyo |
Mục tiêu: Phấn đấu đưa nước này trở thành một trong những quốc gia có xu hướng dùng chung xe đạp hàng đầu tại châu Á.
Đất nước thân thiện với xe đạp
Không ngoa khi nói Nhật là một trong những nước yêu xe đạp nhất thế giới vì theo thống kê, xứ sở hoa anh đào có ít nhất 72 triệu xe đạp và 10 triệu xe đạp được bán mỗi năm. Riêng tại Thủ đô Tokyo, đây là đô thị có mật độ xe đạp dày đặc nhất trên thế giới, trong đó 16% trong tổng số chuyến đi được thực hiện bằng xe đạp.
Không chỉ vậy, đường phố tại Nhật cũng có kết cấu và mặt bằng rất thân thiện với người đi xe đạp. Ngay ở giữa thành phố lớn, vẫn có những khu vực tương tự như các khu dân cư mini ở ngoại ô không có quá nhiều ô tô và các phương tiện khác nên người dân không ngại dùng xe đạp để đi lại. Không chỉ vậy, đường phố Nhật luôn có các địa điểm để đỗ và khóa xe đạp với giá khoảng 300 yên/ngày (tương đương 78.000 VND), nhờ đó, người đi xe đạp không cần phải mang theo khóa cồng kềnh.
Với nền tảng này cùng xu hướng công nghệ ngày càng hiện đại, người Nhật không khó để tiếp cận và phát triển xu hướng chia sẻ xe đạp qua phần mềm. Nhiều năm trở lại đây, Tập đoàn Công nghệ NTT Docomo, một nhà mạng điện thoại đã phối hợp với 7 quận tại Tokyo để cung cấp dịch vụ chia sẻ xe đạp.
Hãng Docomo nhận định, xu hướng chia sẻ xe đạp đang nở rộ tại Nhật và sẽ chưa dừng lại. Điều này thể hiện qua con số, hãng đã cung cấp 1,98 triệu lượt chia sẻ xe đạp trong năm tài khóa 2016, tăng 20.000 lượt so với năm tài khóa 2012. Theo số liệu mới nhất, tính tới tháng 3/2016, có tới 4.200 xe đạp có sẵn tại 281 “nhà ga” ở Tokyo. Tập đoàn đường sắt Đông Nhật cung cấp dịch vụ chia sẻ được gọi là Suicle kể từ năm 2013, chủ yếu tại khu vực phía Tây Tokyo.
Tháng 11 vừa rồi, Tập đoàn SoftBank, một nhà mạng điện thoại tại Nhật bắt đầu tiến vào thị trường này. Công ty này cung cấp hệ thống cho các công ty kinh doanh chia sẻ xe đạp như: Khóa xe đạp được trang bị hệ thống định vị GPS, một hệ thống kết nối mạng di động cho phép các nhà khai thác định vị xe đạp đã được thuê và những người sử dụng đặt xe trên mạng.
Để sử dụng dịch vụ, người dùng thường đăng ký làm thành viên trên mạng internet, khai báo tên, email và thẻ tín dụng. Hầu hết website nhà cung cấp đều có phiên bản tiếng Anh nên người nước ngoài cũng có thể sử dụng. Người sử dụng có thể sử dụng điện thoại di động, máy tính kết nối internet để tìm địa điểm dịch vụ chia sẻ xe đạp và xác định số lượng xe đạp hiện có tại điểm giữ xe.
Lợi ích rõ rệt với người đi làm
Dịch vụ này đang phát triển mạnh, nhất là đối tượng người đi làm. Chia sẻ với tờ Japan Times, một người thường xuyên sử dụng dịch vụ chia sẻ xe đạp, tầm 40 tuổi cho biết, cô đã sử dụng dịch vụ khoảng 1 năm để đi làm. Trước đây, cô mất khoảng hơn 1 giờ để đi từ nhà tới cơ quan bằng tàu, qua 2 điểm dừng. Hiện nay, cô chọn phương án bỏ một chặng trung gian và di chuyển bằng cách sử dụng dịch vụ chia sẻ xe đạp. Từ đó, thời gian đi lại giảm xuống còn 45 phút. “Đi làm bằng cách vừa đi xe đạp, vừa đi tàu khá thuận tiện”, cô chia sẻ.
Anh Rikito Kobayashi, 30 tuổi, làm việc cho một công ty bất động sản tại quận Minato, Tokyo cũng thường xuyên sử dụng dịch vụ chia sẻ xe đạp để tới gặp khách hàng trong quận. Theo anh Rikito Kobayashi, dịch vụ này nhanh và rẻ hơn đi tàu nếu dùng để di chuyển trên các quãng đường ngắn.
Ông Katsusuke Nishikawa, Giám đốc Giao thông công cộng tại quận Minato cho biết, dịch vụ chia sẻ xe đạp là một phần trong giao thông công cộng, giúp tăng cường hiệu quả vận tải nói chung. Ngoài ra, đây cũng là một phương tiện vận tải thân thiện với môi trường, giúp cắt giảm khí thải và thúc đẩy ngành Du lịch bằng xe đạp. Theo khảo sát tại quận Minato, khoảng 28% (tỉ lệ cao nhất) những người được hỏi cho biết, họ sử dụng chia sẻ xe đạp để ngắm cảnh; 23% người sử dụng dịch vụ này để đi mua sắm và 18% sử dụng vì mục đích làm việc.
Không những vậy, dịch vụ này còn được coi là biện pháp giải quyết vấn đề dừng đỗ xe không đúng quy định. Tình trạng này vốn là cái gai trong mắt chính quyền địa phương, gây cản trở người đi bộ, người khiếm thị, người khuyết tật. Theo ông Nishikawa, nhờ sự phát triển của dịch vụ chia sẻ xe đạp, “tình trạng này đã giảm mạnh” do có bãi đỗ xe đạp thuận tiện gần những khu vực nhà ga tàu điện, bến xe buýt.
Tuy vậy, các nhà kinh doanh tại Nhật Bản đối mặt với tình trạng phân bố xe không đều giữa các điểm thuê/trả xe. Có điểm quá tải, khách không thể trả xe hoặc có điểm không còn xe nào để khách thuê. Giá thuê xe mỗi lượt dao động từ 20.000 - 50.000 VND. Nhà kinh doanh sẽ không thu được lợi nhuận ổn định nếu số lượng xe không đều.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận