Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa có kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các đơn vị có liên quan.
13 bị can, trong có cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cùng bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài bà Nhàn còn có Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty BTCVALUE Đặng Xuân Minh, cựu Vụ phó Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) Trần Duy Hiếu.
Cựu Vụ phó Vụ Kế hoạch tài chính, nguyên Giám đốc VNCERT Nguyễn Trọng Đường; cựu Phó giám đốc VNCERT, cựu Phó chánh văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông Ngô Quang Huy.
Theo điều tra, năm 2016, Công ty VNCERT được Bộ chủ quản giao triển khai dự án mua sắm trang thiết bị và thuê dịch vụ kỹ thuật nhằm theo dõi, phân tích sự cố, tấn công an toàn thông tin mạng.
Biết về dự án này nên ngay từ khi lập dự án, bị can Nhàn cử Nguyễn Văn Thế (Trưởng ban thuộc Công ty AIC) phối hợp với VNCERT xây dựng danh mục trang thiết bị, phần mềm dự kiến mua sắm và ấn định giá đầu ra.
Theo phương án ban đầu, phía AIC giới thiệu hệ thống của Isarel có giá cao, không tương thích với thiết bị sẵn có của VNCERT. Do đó, ông Nguyễn Trọng Đường phân công Ngô Quang Huy chủ trì chỉ đạo các phòng ban cùng Mai Phương Nam (Phó giám đốc Công ty Khang Phát) tổng hợp việc mua sắm thiết bị để rà soát danh mục cần đầu tư.
Cáo buộc nêu, quá trình làm việc, Thế đã đưa nhiều thiết bị đến giới thiệu để VNCERT đưa vào danh mục mua sắm. Sau đó, VNCERT theo đề nghị của Công ty AIC đưa thiết bị của các hãng Dell và Cisco vào danh mục thiết bị.
Cũng theo điều tra, bị can Nhàn chỉ đạo Thế liên hệ với các hãng bán hàng để hỏi giá đầu vào thiết bị rồi cộng thêm 40-60% để ra giá dự toán đầu ra. Từ đó, các bị can thống nhất với VNCERT đưa vào báo cáo nghiên cứu khả thi để VNCERT sử dụng danh mục, dự toán này nhằm hợp thức các gói thầu.
Quá trình tham gia đấu thầu, các bị can thiết lập quân xanh giúp Công ty AIC trúng thầu theo danh mục và giá đã thống nhất từ trước. Vì vậy, cơ quan điều tra xác định những sai phạm nêu trên gây thiệt hại tài sản Nhà nước tổng cộng hơn 17 tỷ đồng.
Trong vụ án này, bị can Nhàn giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu song vẫn bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm cá nhân và cản trở hoạt động điều tra. Do đó, nhà chức trách đề nghị xử lý nghiêm đối với cựu chủ tịch AIC.
Ngoài vụ án nêu trên, Nguyễn Thị Thanh Nhàn liên quan 4 vụ án khác, gồm: Vụ vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Bà Nhàn bị TAND TP Hà Nội phạt 30 năm tù.
Vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ninh, nữ bị cáo bị phạt 10 năm tù. Vụ vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, bà Nhàn bị phạt 24 năm tù.
Cuối cùng là vụ vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Sở Y tế Bắc Ninh, dự kiến được TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử vào ngày 29/10.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận