Nhà đầu tư BOT QL1 qua địa bàn TP Cam Ranh và huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) chưa ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động - Ảnh: Công ty 194 |
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, đến ngày 15/7/2017, các nhà đầu tư BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên phải hoàn thành việc ký hợp đồng dịch vụ để triển khai lắp đặt xong hệ thống thu phí tự động không dừng từ ngày 15/8/2017. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn 9 dự án BOT chây ỳ, nhà đầu tư chưa ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ. Vì sao lại như vậy?
Từ chối cung cấp danh sách dự án BOT chây ỳ
Chiều qua (31/7), trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC - nhà cung cấp dịch vụ thu phí phí tự động không dừng) cho biết, đến nay, đơn vị mới ký hợp đồng dịch vụ với nhà đầu tư của 18/27 dự án BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.
“Trong quá trình đàm phàn, nhiều nhà đầu tư BOT cho biết, đã lắp đặt hệ thống thu phí của đơn vị khác từ trước và đang chờ Bộ GTVT quyết toán các hạng mục. Một số nhà đầu tư khác lại viện các lý do bận việc, đi họp và từ chối đàm phán, trì hoãn thời gian ký hợp đồng. Thậm chí, có nhà đầu tư đã lên đàm phán với Tổng cục Đường bộ VN rồi nhưng sau đó lại từ chối ký biên bản cuộc họp”, đại diện VETC chia sẻ.
Đáng nói là khi PV Báo Giao thông đề nghị cung cấp danh sách 9 dự án BOT chưa ký hợp đồng, đại diện đơn vị này từ chối cung cấp, với lý do VETC đang ở “cửa dưới” so với các nhà đầu tư BOT.
Xác nhận thông tin này, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, đến thời điểm này, có 18/27 trạm của các nhà đầu tư BOT đã ký hợp đồng (trạm tuyến tránh TP Thanh Hóa đang tạm dừng vì thời gian thu phí sắp hết).
“Hiện, tiến độ đang chậm theo yêu cầu của Bộ GTVT do trong quá trình đàm phán gặp nhiều vướng mắc. Mỗi dự án, mỗi nhà đầu tư gặp khó khăn khác nhau, có dự án sau khi đưa vào khai thác, người dân phản đối, lái xe không chấp hành. Bên cạnh đó, còn có chuyện chưa thống nhất được tỷ lệ phân chia tổ chức thu phí giữa nhà đầu tư BOT và VETC. Ngoài ra, có một số trạm đã lắp thiết bị trước, bây giờ nhà cung cấp thiết bị mới sẽ xử lý thế nào”, ông Thắng lý giải và khẳng định: “Trong tuần này, Tổng cục sẽ tiến hành đàm phán với các nhà đầu tư còn lại”.
BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy là một trong những trạm chưa lắp thu phí tự động - Ảnh: Mậu Trường |
Vẫn sợ minh bạch thu phí
Mặc dù Tổng cục Đường bộ VN và VETC từ chối cung cấp danh sách 9 dự án BOT, nhà đầu tư chưa ký hợp đồng dịch vụ. Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của Báo Giao thông, các dự án này gồm: BOT QL1 qua tỉnh Khánh Hòa, BOT tuyến tránh Cai Lậy, QL1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp,…
Chiều qua (31/7), trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Lệnh Phú, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng 194 (nhà đầu tư BOT QL1 qua Khánh Hòa) thừa nhận, đến thời điểm này, đơn vị vẫn chưa ký hợp đồng dịch vụ với VETC để lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng tại Trạm thu phí Cam Thịnh (TP Cam Ranh, Khánh Hòa), nguyên nhân chủ yếu do sợ đơn vị thu phí tự động không minh bạch thu phí.
“Ai cũng ủng hộ chủ trương thu phí tự động không dừng. Tuy nhiên, ủng hộ chủ trương không có nghĩa là mình đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng rồi giao hết cho bên khác (VETC) thu tiền, sau khi trừ chi phí, họ mới chuyển trả nhà đầu tư BOT. Chúng tôi đã ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng. Bây giờ, nếu thu không đủ thì ngân hàng sẽ khấu trừ các tài khoản trong hệ thống công ty, chứ không riêng dự án BOT này. Tôi là người chịu trách nhiệm. Giao cho Công ty VETC thu phí, thu không đủ thì họ chỉ mất vài phần trăm, còn đâu chẳng chịu ảnh hưởng gì cả”, ông Phú nói và cho biết, doanh nghiệp dự án đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khác đối với địa phương, người dân và ngân hàng tài trợ vốn. “Chúng tôi đã hỏi ý kiến ngân hàng tài trợ vốn. Họ không bằng lòng và chưa thống nhất lắp thu phí tự động không dừng cho dự án”, ông Phú nói.
Trong khi đó, tính đến chiều 31/7, dự án QL1 đoạn tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường qua tỉnh Tiền Giang do liên danh Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Công ty CP Đầu tư thương mại và Xây dựng giao thông 1 làm nhà đầu tư cũng chưa ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ để triển khai lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng. Lý giải điều này, ông Lưu Văn Hào, Phó chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang (doanh nghiệp dự án) nói: “Chúng tôi đã đàm phán xong các điều khoản hợp đồng với VETC. Theo lịch làm việc của Tổng cục Đường bộ VN. Hôm nay (1/8), chúng tôi cùng với VETC và các cơ quan liên quan sẽ tiến hành ký kết hợp đồng dịch vụ để dự án triển khai lắp đặt ngay hệ thống thu phí tự động tại trạm BOT QL1 qua Tiền Giang”.
Trước đó, tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án thu phí tự động không dừng tổ chức đầu tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho rằng, dự án bị chậm, ngoài các vướng mắc trong quá trình đàm phán, lý do lớn nhất là các nhà đầu tư BOT né tránh và e ngại tính minh bạch trong thu phí khi lắp đặt hệ thống thu phí tự động.
“Tôi nhận được nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp vận tải khu vực phía Nam phản ánh đi trên Tây Nguyên rất thuận lợi vì có hệ thống thu phí không dừng. Thế nhưng khi về đến khu vực cửa ngõ TP.HCM lại rất ách tắc vì vẫn thu phí thủ công”, Bộ trưởng nói và thẳng thắn phê bình những nhà đầu tư BOT chưa tiến hành ký hợp đồng dịch vụ với đơn vị cung cấp để triển khai hệ thống thu phí không dừng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận