Chính trị

Vì sao cán bộ xin "đừng đưa em vào quy hoạch về Quốc hội?"

20/09/2019, 06:19

Thời gian qua chế độ đãi ngộ cho ĐBQH chuyên trách là chưa thực sự tương xứng cho nên nhiều người không thực sự “mặn mà” cho lắm.

img
Ông Lê Như Tiến

Thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tuần qua, các đại biểu nêu ra thực tế: Khi quy hoạch người ở các cơ quan khác về làm phó chủ nhiệm, uỷ viên thường trực các uỷ ban của Quốc hội, phần lớn những cán bộ được đề nghị quy hoạch đều từ chối. Báo Giao thông trò chuyện với ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH để phần nào lý giải câu chuyện này.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải, phần lớn những cán bộ khi được đề nghị quy hoạch về Quốc hội thì đều “xin đừng đưa em vào quy hoạch”. Theo ông, điều gì đã khiến họ “ngại ngần”?

Thực tế, thời gian qua chế độ đãi ngộ cho ĐBQH chuyên trách là chưa thực sự tương xứng cho nên rất nhiều người không thực sự “mặn mà” cho lắm. Bởi nếu lựa chọn vào cơ quan Chính phủ thì chế độ đãi ngộ sẽ tốt hơn ĐBQH chuyên trách. Chính vì thế nhiều cán bộ ở các tỉnh, các Bộ, mời sang làm đại biểu chuyên trách là họ từ chối ngay.

Chế độ đãi ngộ thấp áp lực công việc cao có lẽ chỉ là một phần, theo ông, phải chăng còn có nguyên nhân nữa thì “không còn chỗ nào về được nữa, người ta mới về Quốc hội” như một số ý kiến?

Trước kia khi tôi còn làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, đã có lần tôi gợi ý cho lãnh đạo ở tỉnh, ở Bộ ngành về làm đại biểu chuyên trách thì họ cũng không “mặn mà”, bởi áp lực của đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng rất lớn nhưng chế độ chưa tương xứng với công sức họ bỏ ra.

Khi chúng tôi nghiên cứu về chế độ đãi ngộ của các nước đối với ĐBQH chuyên trách thấy rằng, một thượng nghị sỹ chế độ ngang bằng, thậm chí còn hơn bộ trưởng. Ở ta thì vẫn theo lương công chức, hệ số để tính phụ cấp của ĐBQH.

Chính vì vậy, để thu hút người có trình độ tham gia vào hoạt động Quốc hội, phải có chính sách đồng bộ giữa mời gọi và chế độ đãi ngộ phải song song. Theo tôi, sau này khi thực hiện cải cách tiền lương thì phải quy định hệ số lương của ĐBQH là bao nhiêu, tương ứng với cấp gì thì mới khuyến khích được người tài năng tham gia.

img
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Kiến trúc tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, tháng 6/2019

Vấn đề tăng số lượng ĐBQH chuyên trách nhằm nâng cao chất lượng, sự chuyên nghiệp của hoạt động QH cũng đã được nêu ra và nhận được nhiều ý kiến thảo luận tại phiên họp vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Cá nhân tôi rất ủng hộ việc tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách. Tăng số lượng ĐBQH chuyên trách, hướng tới chuyên nghiệp là đích đến của hầu hết các nước có nền lập pháp lâu đời và tiên tiến trên thế giới. Vì khi là đại biểu chuyên trách thì họ có thể toàn tâm toàn ý cho hoạt động Quốc hội, họ có đầy đủ kinh nghiệm nghị trường, kinh nghiệm giám sát hoạt động của cơ quan hành pháp và tư pháp.

Ở ta lâu nay có rất nhiều trường hợp ĐBQH đóng hai vai, lúc là ĐBQH, lúc là Bộ trưởng, Thứ trưởng hay Bí thư, Chủ tịch tỉnh - tức là những người chịu sự giám sát của Quốc hội. Chính vì vậy, nhiều khi tính minh bạch không được rõ và cụ thể. Tôi đã nghiên cứu thì thấy, ĐBQH ở các nước gần như là 100% là đại biểu chuyên trách, số lượng thành viên Chính phủ tham gia ĐBQH là rất ít. Đã là ĐBQH thì chỉ chuyên tâm vào hoạt động trong lĩnh vực nghị trường mà thôi.

Cách đây mấy nhiệm kỳ, chủ trương của chúng ta cũng là tăng số ĐBQH chuyên trách lên, tuy nhiên tình hình thực tế thì chưa đạt được con số như kỳ vọng. Do đặc thù nên thời gian vừa qua vẫn chỉ có hơn 30% là ĐBQH chuyên trách, số còn lại là đại biểu kiêm nhiệm. Đại biểu kiêm nhiệm thì khó có thể toàn tâm, toàn ý cho các hoạt động của Quốc hội, bởi vì họ còn phải lo cho lĩnh vực mình đang quản lý. Ví dụ như Bộ trưởng họ phải lo công tác hành pháp, Chủ tịch tỉnh hay Giám đốc Sở nào đó thì họ cũng phải chăm lo công việc ở địa phương, ngành họ được giao phụ trách.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/9, nhiều ý kiến đề nghị nâng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách để đảm bảo chất lượng công việc.

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng nêu thực tế: "Tại sao khi quy hoạch người ở các cơ quan khác về làm phó chủ nhiệm, ủy viên thường trực các ủy ban của Quốc hội họ thường từ chối? Phần lớn những cán bộ khi đề nghị quy hoạch về Quốc hội thì họ đều "xin đừng đưa em vào quy hoạch".

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho hay: "Có những cán bộ ở cơ quan khác, khi chúng tôi làm việc với tổ chức để quy hoạch họ về làm đại biểu chuyên trách ở Quốc hội thì họ thường xin 'đừng cho em vào', nếu chị cho em vào quy hoạch sang Quốc hội thì sẽ ảnh hưởng đến công việc hiện tại của em nên em xin rút".

Vậy, theo ông, tỷ lệ ĐBQH chuyên trách ở Việt Nam như thế nào là phù hợp?

Tình hình thực tế của Việt Nam để có 70 - 100% ĐBQH chuyên trách là rất khó. Bởi trong thành phần Quốc hội phải có đại diện các giới, các ngành, các lĩnh vực, các tôn giáo và dân tộc. Vì vậy, đòi hỏi tỷ lệ ĐBQH chuyên trách lên cao quá là không khả thi.

Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành quy định số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách thấp nhất là 35% tổng số ĐBQH. Nhưng với thực tế hiện tại, khi nâng số lượng ĐBQH chuyên trách cần phải lưu ý đến chất lượng, phải có lộ trình, mỗi nhiệm kỳ tăng thêm một số lượng nhất định, như từ 35% lên 37%, rồi đến 50%.

Luật Tổ chức Quốc hội quy định số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số ĐBQH. Nhưng Quốc hội khóa XIV hiện nay có 167 đại biểu hoạt động chuyên trách trong tổng số 484 ĐBQH, chiếm 34,5%, tức là nằm dưới cả ngưỡng “ít nhất 35%”. Vậy theo ông, nguyên nhân là do đâu?

ĐBQH chuyên trách không chỉ hoạt động ở địa phương nơi ứng cử mà còn hoạt động ở nhiều địa phương khác trong cả nước. Với yêu cầu kiến thức sâu rộng và “áp lực” thời hạn công việc, áp lực hiệu quả hoạt động... thì đại biểu không thể chỉ làm việc theo giờ hành chính mà có thể làm việc bất kỳ ở đâu, giờ nào khi tiếp nhận được các nguồn thông tin.

Luật quy định, số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách “thấp nhất là 35% tổng số ĐBQH”, như vậy quy định này không hạn chế việc có thể bố trí số đại biểu chuyên trách nhiều hơn. Nhưng đúng là đang có thực trạng như một số ĐBQH đã nêu, một số ủy ban của Quốc hội đang thiếu người. Nguyên nhân thì như tôi đã đề cập ở trên, có thể một phần do chế độ đãi ngộ của chúng ta chưa xứng đáng.

Tăng số lượng ĐBQH chuyên trách là cần thiết, nhưng còn vấn đề chất lượng thì như thế nào, thưa ông? Bởi chưa hẳn cứ tăng số lượng ĐB chuyên trách cũng đồng nghĩa với việc hoạt động của QH sẽ ngày càng chuyên nghiệp hơn?

Việc tăng số lượng ĐBQH chuyên trách lên thì điều song hành là chất lượng cũng phải tăng. Không phải cứ nhiều là tốt. Bởi lẽ có thêm nhiều đại biểu chuyên trách nhưng nếu đại biểu không làm tròn chức trách nhiệm vụ của mình bằng những sáng kiến pháp luật, ý kiến sắc sảo trong giám sát, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước thì rõ ràng số lượng tăng lên cũng không giải quyết vấn đề gì.

ĐBQH chuyên trách phải là những người hiểu biết sâu rộng nhiều lĩnh vực (kinh tế, xã hội, luật pháp...) thì mới hoạt động có hiệu quả, nhất là đối với ĐBQH chuyên trách với 100% thời gian làm việc ở Quốc hội.

Cảm ơn ông!

TS. Trần Du Lịch (nguyên Phó đoàn ĐBQH TP HCM):
Cần người giúp việc cho ĐBQH chuyên trách

img
TS. Trần Du Lịch

Về mức đãi ngộ áp dụng cho các ĐBQH chuyên trách hiện nay, tôi không có ý kiến gì. Tuy nhiên, cơ chế hiện nay khiến ĐBQH chuyên trách khó phát huy được khả năng, năng lực của mình. Bởi, ĐBQH chuyên trách muốn phát huy được thì cần phải có những chuyên viên giúp việc. Ví dụ, một bệnh viện chỉ có bác sỹ, không có y tá, không có hộ lý thì bác sỹ cũng không thể phát huy được vai trò của mình.

ĐBQH là nhà hoạt động chính trị, vì vậy để họ hoạt động tốt cần phải có người tham mưu, các nước tiên tiến đều có người giúp việc cho ĐBQH. Ví dụ, Vụ trưởng của một Bộ nào đó có hàng chục chuyên viên giúp việc để họ phát huy được khả năng của mình nhưng nếu làm ĐBQH chuyên trách thì chỉ có một mình và cái máy tính, như vậy liệu họ có phát huy được hết năng lực của mình không? Không phát huy được khả năng của mình thì tăng cường ĐBQH chuyên trách như vậy cũng không để làm gì.

Vì vậy, chưa bàn đến chế độ đãi ngộ vật chất mà ở đây nói về cơ chế để cho ĐBQH chuyên trách phát huy được hết khả năng của mình thì theo tôi hiện nay là chưa có. Nên chăng tăng số lượng ĐBQH chuyên trách phải có số lượng chuyên viên giúp việc cho ĐBQH chuyên trách thì mới đạt hiệu công việc cao. P.Đô (Ghi)

Nếu như Quốc hội khóa IX có 37 đại biểu hoạt động chuyên trách (chiếm 9,44% tổng số đại biểu) thì đến khóa X, có 45 đại biểu chuyên trách (chiếm 10% tổng số đại biểu Quốc hội). Quốc hội khóa XI cũng chỉ có 121 đại biểu chuyên trách (chiếm 24,3%). Đến nay, Quốc hội khóa XIV có 167 đại biểu chuyên trách trong tổng số 484 đại biểu (chiếm 34,5%).

ĐBQH chuyên trách dành toàn bộ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu tại cơ quan của Quốc hội hoặc tại Đoàn ĐBQH ở địa phương. Còn ĐBQH không chuyên trách dành ít nhất một phần ba thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ đại biểu.

ĐBQH hoạt động chuyên trách được trả lương, phụ cấp và các chế độ khác từ ngân sách Nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các quy định khác của pháp luật có liên quan. ĐBQH (cả chuyên trách và không chuyên trách) được cấp hoạt động phí hàng tháng bằng hệ số 1,0 mức lương cơ sở; có quyền thuê người thực hiện một hoặc một số việc của công tác thư ký. Người được thuê thực hiện công tác thư ký cho ĐBQH phải là người đang làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi ĐBQH làm việc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.