Hiệu ứng dây chuyền?
Ghi nhận tại TP Cần Thơ, một số cây xăng nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ đã căng dây, không hoạt động, như Trạm cấp phát xăng dầu số 3...
Tại một số cây xăng dọc QL1 qua địa bàn tỉnh Hậu Giang cũng xuất hiện tình trạng tương tự.
Một cây xăng ở Cần Thơ tạm ngừng hoạt động.
Còn tại An Giang, trong sáng 9/2, đoàn kiểm tra của các ngành chức năng đã tiếp tục kiểm tra nhiều đại lý xăng dầu tạm ngừng hoạt động trên địa bàn.
Cục QLTT An Giang, cho biết, trên địa bàn tỉnh có 10 doanh nghiệp đầu mối, 16 tổng đại lý và 489 cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Từ ngày 29/1 đến ngày 7/2, qua kiểm tra, có 23 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở 5 huyện Thoại Sơn, Phú Tân, Châu Thành, Châu Phú và An Phú ngưng hoạt động.
Lý do các cửa hàng treo biển “hết xăng” là thiếu nguồn cung, không có nhân viên phục vụ, sang nhượng cửa hàng cho đơn vị khác... Trong đó, tạm ngưng hoạt động nhiều nhất là các cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc hệ thống của PVoil cung ứng nguyên liệu.
Việc các cửa hàng xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động chưa đúng quy định, gây nhiều bức xúc cho dư luận và khó khăn trong công tác quản lý.
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết, sau khi xuất hiện tình trạng trên, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra rà soát lại.
Qua đó, tại Cần Thơ, chỉ có một vài cây xăng nhỏ lẻ tạm ngừng hoạt động. Còn lại các đầu mối phân phối xăng dầu lớn như Petrolimex, Saigon Petro… đều đảm bảo đủ nguồn xăng và không có chuyện đóng cửa.
Theo ông Sơn, những nơi nghỉ bán do họ nhập hàng từ thương nhân ở TP.HCM và An Giang. Sở đã cho rà soát, nắm lại các thương nhân phân phối, yêu cầu họ phải đảm bảo xăng cung ứng cho các cửa hàng trên địa bàn.
Nếu không đảm bảo, Sở sẽ báo cáo Bộ Công thương đề xuất rút giấy phép hoạt động.
Cơ quan chức năng tỉnh An Giang kiểm tra các cây xăng trên địa bàn. Ảnh: Anh Hồ.
Sẽ tăng cường quản lý
Trước đó, từ cuối tháng 1, UBND TP Cần Thơ và Sở Công Thương TP Cần Thơ đã có văn bản yêu cầu các đầu mối, đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn phải đảm bảo nguồn cung, không để gián đoạn việc bán xăng dầu cho người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn trong và sau Tết. Nghiêm cấm các hoạt động đầu cơ, vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu.
Ông Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang cho hay, nhiều thương nhân phân phối trong tỉnh đang khó tìm nguồn mua. Một số nơi đang phải bán cầm chừng như: giới hạn số tiền (30.000 - 50.000 đồng) cho mỗi xe máy nhằm kéo dài thời gian hoạt động cửa hàng.
Khi có 1 cửa hàng tạm đóng cửa (do hết xăng A95) thì khách hàng sang các cửa hàng khác, tạo hiện tượng các cửa hàng tạm ngừng kinh doanh đồng loạt (do thiếu xăng A95) tại một thời điểm nhất định.
Mới đây, Cục QLTT tỉnh An Giang đã yêu cầu các Đội QLTT cần nắm chặt bàn quản lý, đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện làm rõ từng trường hợp cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa không hoạt động, cần thiết thì phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra thực tế hàng hóa tại cửa hàng nếu vi phạm phải kiên quyết xử lý nghiêm.
Đồng thời xác minh lại thông tin các cửa hàng xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trong thời gian qua. Nếu có vi phạm trong quá trình tạm ngưng hoạt động thì phối hợp kiểm tra ngay để xử lý nghiêm theo quy định.
Theo các chuyên gia, nguồn hàng xăng dầu hiện đang căng thẳng khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất, nguồn nhập cũng khó khiến nhiều đại lý xăng dầu muốn bán cầm chừng hoặc nghỉ bán…
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua tại một số địa phương có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng với lý do thiếu nguồn cung.
Do đó Bộ đã kiểm tra, việc ngừng bán là do lấy nguồn hàng từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhỏ, song cũng có hiện tượng hạn chế bán ra để chờ tăng giá.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận