Nhân viên gác chắn là một trong những đối tượng bị giảm thu nhập sau CPH mặc dù công việc rất vất vả - Ảnh: Khánh Linh |
Ngành Đường sắt đang phải đối mặt với thực tế hàng trăm công nhân đua nhau nghỉ việc sau khi các đơn vị chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần hóa. Vậy nguyên nhân vì sao và việc này có ảnh hưởng gì đến vận hành và sản xuất, kinh doanh của ngành?
70 giờ làm việc trên tàu chỉ được 1 triệu
Trên những chuyến tàu Bắc - Nam, các nhân viên đường sắt tất bật với rất nhiều công việc. Lúc tàu dừng thì đón, trả khách, giúp hành khách bê đỡ hành lý lên xuống tàu; tàu chạy thì dọn dẹp vệ sinh toa xe rồi mời chào, phục vụ hành khách ăn uống. Tàu lại dừng liên tục, cả ngày lẫn đêm, giãn cách thời gian giữa hai ga dài nhất chắc chỉ khoảng 2 giờ. Nếu làm không tốt, khách phàn nàn sẽ bị xử lý kỉ luật ngay. Vất vả, áp lực thế nhưng theo phản ánh của nhiều nhân viên, thu nhập lại rất thấp, nhất là hai năm trở lại đây.
Chị Q. (đề nghị giấu tên), nhân viên tàu khách Thống Nhất (Đoàn Tiếp viên đường sắt Hà Nội) đã gắn bó 15 năm với nghề phục vụ trên tàu chia sẻ, những tháng ít khách đi tàu như đợt này, chỉ được đi 2 chuyến nên lương khoảng 2,5 triệu/tháng. Tháng cao điểm như Tết, hè đi khoảng 4 chuyến được khoảng 5-6 triệu. “Một vòng quay gồm chuyến đi và chuyến về, mỗi chuyến tàu mất 35 giờ cả ngày lẫn đêm, như vậy mất 70 giờ lao động chưa kể 12 tiếng chờ ở Sài Gòn để quay ra, nhưng cũng chỉ được 1 triệu/1 vòng quay trên tàu”, chị Q. nói.
Ông Mai Thành Phương, Chủ tịch Công đoàn Đường sắt VN cho biết, thực tế có hai khối sau cổ phần hóa, thu nhập người lao động thấp đi là gác chắn và nhân viên đi tàu. Hiện Tổng công ty giữ tỷ lệ vốn chi phối tại 24 doanh nghiệp cổ phần hóa, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần từ năm 2016. Về lâu dài khi thực hiện chủ trương của Nhà nước về thoái vốn tại 24 công ty này, ngành Đường sắt sẽ tiếp tục đối mặt với thực trạng này. “Khi Tổng công ty không có quyền chi phối nữa, đời sống, việc làm người lao động hoàn toàn phụ thuộc vào chủ mới. Lo nhất là việc làm thiếu sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập người lao động”, ông Phương nói. |
Chị cũng cho biết, dọc đường phát sinh nhiều chi phí nên có tiết kiệm cũng không đem về được bao nhiêu, trong khi hai vợ chồng còn phải đi thuê nhà, nuôi hai con ăn học với mức chi phí cuộc sống ở Hà Nội quá đắt đỏ.
Anh Lê Đức Thanh, tiếp viên tàu khách Thống Nhất cho biết đã nghỉ việc từ tháng 4/2017, sau gần 10 năm công tác do sức ép công việc và thu nhập không đảm bảo. “Cao điểm như Tết Đinh Dậu vừa rồi, lương của tôi cũng chỉ 3 triệu. Vất vả nhưng lương cao còn đỡ, đằng này lương thấp hơn trước. Trước kia, đường sắt cũng có thời điểm khó khăn nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ xin nghỉ việc. Nhưng giờ thì đành nghỉ thôi”, anh Thanh ngậm ngùi.
Thực trạng này không chỉ diễn ra ở lực lượng phục vụ trên tàu mà ở nhiều lĩnh vực khác như: sửa chữa toa xe, gác chắn… Anh Phạm Tuân, thợ cơ khí Xí nghiệp Sửa chữa toa xe Hà Nội chia sẻ: “Lương thấp quá, tôi đành phải nghỉ việc từ đầu năm 2017. Như tôi đi làm cũng 6 năm rồi nhưng có tháng cao nhất cũng chỉ được 5 triệu, còn đâu chỉ khoảng 2-3 triệu. Tháng nào không có việc thì chỉ khoảng 1 triệu. Chẳng riêng gì tôi, nhiều người xin nghỉ rồi”.
Anh T. (xin giấu tên), hiện đã làm nhân viên gác chắn đường ngang được 12 năm ở Hà Nội, thuộc tuyến đường sắt Thống Nhất (Công ty CP Đường sắt Hà Hải) cho biết, chỉ riêng Đội chắn Giáp Bát từ đầu năm đến nay có gần 10 người xin nghỉ, lý do chủ yếu là do lương thấp, áp lực công việc lớn, nguy hiểm. Như anh, lương thực lĩnh chỉ khoảng 3 triệu. Anh T. giải thích, sau cổ phần hóa, cách tính lương căn cứ Thông tư 21 của Bộ GTVT, chỉ được tính 1 ban là 1,24 công, có nơi còn chỉ được tính 1,20 hoặc 1,15. Trong khi trước kia 1 ban được tính 1,5 công. Như vậy, thời gian làm việc vẫn thế, nhưng lương lại thấp đi.
Không chỉ tại các doanh nghiệp cổ phần, ngay tại các đơn vị thuộc Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt VN như các nhà ga, xí nghiệp đầu máy… là những đơn vị ít ảnh hưởng bởi việc tái cơ cấu vẫn có hàng trăm lao động nghỉ việc. Số liệu của Tổng công ty cho thấy, năm 2016 có 266 người chấm dứt hợp đồng lao động. Năm 2017 con số này nhiều hơn hẳn khi chỉ 6 tháng đầu năm đã là 207 người.
Bảo đảm chạy tàu, sản xuất kinh doanh thế nào?
Khi PV Báo Giao thông đến tìm hiểu về việc hàng loạt lao động đơn vị xin nghỉ việc, ông Huỳnh Cường, Giám đốc Xí nghiệp Toa xe Hà Nội (nay được điều về làm Trưởng phòng Nhân sự Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội từ tháng 9/2017) thẳng thắn thừa nhận, từ năm 2016 đến nay, có khoảng trên 50 người xin nghỉ việc, trong đó có cả những thợ bậc cao.
Theo ông Cường, những năm gần đây, ngành Đường sắt gần như không đầu tư toa xe. Toa xe vào xưởng sửa chữa chỉ theo mùa vụ, đơn vị không có đủ việc làm cho người lao động, dẫn đến thu nhập thấp. Chẳng hạn hè vừa qua công ty tập trung cải tạo toa xe, đơn vị làm không hết việc, thu nhập người lao động vì thế cũng tăng lên, trung bình khoảng 6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khoản thu nhập này bao gồm phí bảo hiểm mà cá nhân người lao động phải trả, nộp các quỹ… nên thực lĩnh của người lao động sau khi trừ các khoản trên còn thấp.
Ông Trần Thế Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho rằng, nguyên nhân nhiều lao động nghỉ việc là do sản lượng, doanh thu vận tải đường sắt 3 năm trở lại đây sụt giảm, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập. Hơn nữa, khi tái cơ cấu ngành đường sắt, các đơn vị khác sáp nhập vào công ty nên gánh nặng sau tái cơ cấu là phải sử dụng nhiều lao động, nhất là trong các công ty cổ phần hóa vừa qua. Cụ thể, hiện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội có 5.000 lao động, so với Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn chỉ có 2.500 lao động mà khối lượng công việc, doanh thu tương đương. Nếu xuất phát từ thực tiễn nhu cầu công việc chỉ cần 3.000 lao động trở xuống. Vì vậy, thu nhập người lao động cũng bị ảnh hưởng.
Trao đổi với Báo Giao thông chiều 21/9, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, trong bối cảnh kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) còn khó khăn, lãnh đạo Tổng công ty đã yêu cầu các bộ phận tham mưu xây dựng quy chế trả lương cho người lao động đảm bảo công bằng, gắn với kết quả công việc và vị trí việc làm, khuyến khích người lao động nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc.
Trả lời câu hỏi của PV, rất nhiều lao động nghỉ việc, làm sao để đảm bảo kế hoạch chạy tàu và SXKD, ông Hoạch cho biết, để đảm bảo SXKD bình thường, an toàn, Tổng công ty đã chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần phải có giải pháp đảm bảo tất cả các vị trí làm việc theo ban kíp phải bố trí đầy đủ; đồng thời tăng cường kiểm tra các vị trí liên quan đến chạy tàu. Như điều chuyển công nhân duy tu đã được đào tạo nghiệp vụ gác chắn chuyển sang hỗ trợ gác chắn tại các điểm đang thiếu nhân lực.
Tổng công ty cũng đẩy mạnh đầu tư và khuyến khích các đơn vị đầu tư máy móc, nhất là trong duy tu, sửa chữa đường sắt để vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm sức lao động cho người lao động, vừa có thể điều chuyển người lao động sang làm việc ở lĩnh vực khác.
“Tổng công ty Đường sắt VN cũng sẽ có cơ chế phù hợp để tăng cường nguồn việc đầu tư sửa chữa, duy tu bảo trì, tham gia khắc phục hậu quả bão lũ… cho các đơn vị thu nhập thấp, tạo thêm việc làm, bù đắp một phần thu nhập cho lao động làm gác chắn, tuần đường. Với lực lượng tuần gác, Tổng công ty đang kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH áp dụng chế độ ngang với lương của nhân viên gác đèn biển ở lĩnh vực bảo đảm hàng hải. Đây là trách nhiệm của Công ty mẹ, chúng tôi đang làm chứ không phải bỏ rơi anh em”, ông Hoạch khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận