Năm 2021, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông được giao triển khai 16 dự án, trong đó 12 dự án chuyển tiếp sang kế hoạch giai đoạn 2021-2025, 2 dự án dự kiến khởi công mới trong năm 2021, 2 dự án thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư.
Kế hoạch vốn đầu tư công được giao năm 2021 là 836 tỷ đồng, bao gồm nhiều nguồn vốn địa phương và vốn Trung ương. Tuy nhiên, đến ngày 15/8, giá trị thực hiện chỉ mới đạt 254 tỷ đồng, tương đương 30,45% kế hoạch; giá trị giải ngân chỉ gần 170 tỷ đồng, mới đạt 20,28% kế hoạch.
Cảng hành khách quốc tế tại thị trấn Dương Đông (TP Phú Quốc) đang sắp hoàn thành sẽ đón hành khách quốc tế bằng đường biển.
Theo ông Châu Hùng Kỳ, Giám đốc Ban Quản lý DAĐTXD các công trình giao thông tỉnh Kiên Giang: “Nguyên nhân giải ngân chậm, vướng mắc lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các địa phương có dự án đi qua phối hợp chủ đầu tư, Ban QLDA tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đối thoại, vận động người dân đồng thuận trong công tác GPMB khi nhà nước đã thực hiện đầy đủ các quy định bồi thường về đất đai, hoa màu, vật kiến trúc và các chính sách hỗ trợ khác.
Bên cạnh đó, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng giá vật tư, vật liệu xây dựng biến động tăng cao, dẫn đến các nhà thầu chỉ thi công cầm chừng chờ chính sách hỗ trợ của nhà nước”.
Ông Kỳ cũng đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng kịp thời có những giải pháp, cơ chế hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong vốn đầu tư công. Bởi giá vật tư biến động tăng cao như trong thời gian qua rất khó đối với các hợp đồng trọn gói và hợp đồng đơn giá cố định.
Nâng cấp mở rộng tuyến đường Rạch Sỏi - Minh Lương (huyện Châu Thành).
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - Lâm Minh Thành cũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các sở ngành, huyện, thành phố trong đó có ngành giao thông về giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công năm 2021.
Năm 2021, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Kiên Giang là 5.200 tỷ đồng, đến nay giá trị giải ngân mới đạt 23,4% kế hoạch. Trong đó, tiến độ giải ngân các dự án trọng điểm có nguồn vốn lớn của tỉnh vẫn còn rất chậm, chỉ đạt 18% kế hoạch.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - Lâm Minh Thành nhấn mạnh, mục tiêu của tỉnh là đến tháng 9/2021 giải ngân đạt 60%. Đến hết tháng 12/2021 phải hoàn thành giải ngân 100% theo kế hoạch.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công vào những tháng cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, địa phương phải thực hiện quyết liệt hơn nữa, tìm các vướng mắc để khắc phục hạn chế. Đối với thủ tục đầu tư, các đơn vị tranh thủ làm việc thông qua công nghệ.
Tuyến đường nâng cấp mở rộng từ Thứ 2 đi Công Sự có chiều dài 28km thuộc 2 huyện An Biên Và U Minh Thượng thi công dở dang.
Về GPMB, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở TN-MT tỉnh sớm tham mưu thẩm định về giá đối với các dự án chờ giao đất. Các địa phương có nhiều dự án phải thành lập tổ GPMB, giao Phó chủ tịch UBND huyện, thành phố làm tổ trưởng. Đồng thời, cần bố trí quỹ đất để làm khu tái định cư.
Đối với các trường hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo, phải đảm bảo đủ thủ tục, trình tự. Dự án đang triển khai cần đẩy nhanh tiến độ.
“Nơi nào xác định là vùng xanh, nếu trên địa bàn có các dự án, công trình xây dựng cơ bản đang triển khai thì vẫn thực hiện. Một là thực hiện “3 tại chỗ”, hai là “1 cung đường 2 điểm đến” nhưng phải đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch. Công trình nào bao nhiêu người lao động, thi công trên địa bàn nào phải được lập danh sách cụ thể và cấp thẻ di chuyển để giám sát lịch trình đi lại thì công trình vẫn được thi công.
Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc.
Chủ tịch UBND tỉnh - Lâm Minh Thành cũng khẳng định: “UBND tỉnh luôn tạo điều kiện để công trình, dự án tiếp tục thực hiện nhưng phải đảm bảo an toàn. Đối với dự án từ năm 2020 chuyển sang, các sở, ngành, địa phương phải đôn đốc giải ngân hết nguồn vốn do Trung ương phân bổ. Đơn vị nào không khả năng thực hiện đúng tiến độ thì cắt để điều tiết chuyển sang cho đơn vị khác”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận