Thủ đoạn tinh vi đánh cắp dữ liệu cá nhân
Bộ Công an cho biết, hiện nay, tình trạng lộ, lọt, hoạt động đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng. Tội phạm liên quan hành vi này ngày càng diễn biến, phức tạp đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Tại một số địa phương, cơ quan điều tra các cấp đã từng triệt phá các vụ án hình sự mua bán trái phép thông tin cá nhân người khác nhằm hưởng lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
Điển hình như đầu tháng 7/2022, Công an tỉnh Hải Dương khởi tố Nguyễn Văn Khiết (36 tuổi, trú huyện Gia Lộc) về tội Mua bán trái phép thông tin cá nhân người khác. Bị can khai tháng 4/2020, anh ta phát hiện trên mạng xã hội facebook quảng cáo về việc mua bán thông tin của các khách hàng vay tiền của tổ chức tài chính.
Qua tìm hiểu, Khiết đã mua dữ liệu thông tin cá nhân khách hàng của các tổ chức như MIRAE ASSET, MCREDIT... rồi đăng bán. Người mua liên hệ với Khiết qua ứng dụng zalo, viber để thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng hoặc ví điện tử.
Với chiêu thức này, Khiết bị cáo buộc thu thập, bán gần 15 triệu thông tin cá nhân khách hàng, thu lợi bất chính trên 500 triệu đồng.
Hồi giữa tháng 3, TAND Hà Nội tuyên án 8 bị cáo liên quan vụ mua bán trái phép hàng nghìn thông tin thuê bao của các nhà mạng. Theo đó, các bị cáo Phạm Ngọc Tỉnh, Nguyễn Thế Hùng và Nguyễn Bắc Tích thành lập một số công ty thám tử. Họ mua thông tin định vị số điện thoại, lịch sử cuộc gọi và tài khoản ngân hàng để bán và phục vụ kinh doanh.
Để đánh cắp thông tin cá nhân của khách hàng, nhóm bị cáo trên móc nối với nhân viên các đơn vị viễn thông, cựu công an, nhân viên bảo hiểm xã hội và chủ đại lý sim, qua đó lấy được thông tin liên quan đến số điện thoại của nhà mạng (thông tin chủ thuê bao, danh sách cuộc gọi đi, đến, tin nhắn.
Sau đó, họ bán cho bên thứ ba với giá bán từ 0,5-1 triệu đồng/thông tin. Tòa án xác định từ năm 2019-2021, các bị cáo mua bán dữ liệu 450 số điện thoại của 3 nhà mạng, qua đó thu lời gần 1 tỷ đồng.
Ngoài những hành vi trên, cơ quan công an còn phát hiện tội phạm lợi dụng sơ hở của người dân trong việc chia sẻ hình ảnh căn cước, chứng minh thư, hộ khẩu... trên mạng xã hội để đánh cắp thông tin cá nhân.
Một số đối tượng còn lợi dụng sự mất cảnh giác của người dân, xin chụp ảnh chân dung và giấy tờ tùy thân (có thể trả cho người dân từ 100-300 nghìn đồng), hoặc thuê, mua tài khoản ngân hàng của người dân.
Sau khi có dữ liệu cá nhân, các đối tượng bán cho người khác (có cả người nước ngoài) để sử dụng vào mục đích phạm tội như: Làm giấy tờ giả để mở tài khoản lừa đảo thông qua vay vốn ngân hàng, công ty tài chính; chuyển nhận tiền đánh bạc; giả mạo cán bộ công an, tòa án, viện kiểm sát gọi điện lừa đảo...
Không nên dễ dàng cho mượn, chia sẻ thông tin căn cước
Bộ Công an khẳng định, để ngăn chặn tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân và hành vi vi phạm pháp luật về dữ liệu cá nhân, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2023 (có hiệu lực từ 1/7/2023) quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Thời gian tới, để tăng cường hiệu quả công tác quản lý, phòng ngừa lộ, lọt thông tin cá nhân, Bộ Công an tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Đưa ra cảnh báo về các hành vi, phương thức, thủ đoạn thu thập thông tin cá nhân, mua bán dữ liệu cá nhân qua các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nâng cao cảnh giác.
Cụ thể, Bộ Công an khuyến cáo, người dân tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp, thuê, mua căn cước, chứng minh nhân dân hoặc tài khoản ngân hàng nếu không có mục đích chính đáng.
Không đăng, chia sẻ hình ảnh giấy tờ tùy thân, tài khoản ngân hàng lên mạng xã hội. Không cung cấp thông tin cá nhân cho những dịch vụ không thiết yếu, không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên các nền tảng..
Đặc biệt, Bộ Công an khuyến cáo mọi người có biện pháp bảo vệ tài khoản ngân hàng, tài khoản cá nhân để tránh bị kẻ gian lợi dụng, chiếm đoạt. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chủ động nắm tình hình, lên danh sách, quản lý các đối tượng có biểu hiện mua bán, sử dụng thông tin cá nhân trái phép.
Bộ Công an cũng kiến nghị khởi tố, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phát hiện, đấu tranh, xử lý các đối tượng; kịp thời điều tra, đề nghị truy tố, xét xử công khai các vụ án đã được phát hiện để răn đe, phòng ngừa chung.
Đầu tháng 11, Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện nhóm “Data chất lượng toàn quốc” với gần 1.000 thành viên, thường xuyên rao bán bán dữ liệu cá nhân như thẻ tín dụng, chứng khoán, bất động sản... Qua điều tra, công an xác định Nguyễn Phúc Vinh (SN 1999, quê Long An) và bạn gái Nhữ Thị Nguyên (SN 1988, trú TP.HCM) đã nhiều lần thu thập, mua trên mạng xã hội hơn 45.000 dữ liệu thông tin cá nhân khách hàng của các công ty tài chính để bán thu lợi nhuận.
Theo cáo buộc, hai đối tượng này lập nhiều tài khoản mạng xã hội như facebook, telegram... để bán 629.050 dữ liệu thông tin cá nhân khách hàng cho nhiều người. Qua đó, họ thu lợi bất chính trên 340 triệu đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận