Các giải Nobel được công bố hàng năm vào đầu tháng 10 và lễ trao giải chính thức diễn ra vào ngày 10/12 nhân ngày mất của Alfred Nobel |
Cứ đến tháng 10 hàng năm, thế giới lại hồi hộp chờ đợi công bố kết quả các giải Nobel. Với lịch sử hơn 1 thế kỷ, giải thưởng Nobel đã trở thành giải thưởng danh giá nhất thế giới, trong đó các nhà khoa học đến từ Mỹ và gốc Do Thái đặt rất nhiều dấu ấn trong lịch sử giải thưởng này.
Quốc gia có nhiều “bộ não xuất chúng nhất”
Giải Nobel là một tập hợp các giải thưởng quốc tế được trao hàng năm cho những cá nhân, tổ chức đạt nhiều thành tích trong lĩnh vực: Vật lý, hóa học, y học, văn học, kinh tế và hòa bình do ông Alfred Nobel - nhà hóa học, kỹ nghệ, sản xuất vũ khí... và là triệu phú người Thụy Điển thành lập. Tiền thưởng được trích từ tài sản của ông nhằm vinh danh những người có đóng góp tích cực cho loài người. Các giải được công bố hàng năm vào đầu tháng 10 và buổi lễ trao giải chính thức diễn ra vào ngày 10/12 nhân ngày mất của Alfred Nobel, kèm theo tiền thưởng, huy chương và giấy chứng nhận.
Một trong những yếu tố khiến giải Nobel thu hút sự chú ý của thế giới đó là số tiền thưởng khổng lồ dành cho giải. Giá trị giải thưởng 8 triệu kronor (hơn 900.000 USD) tương đương 20 năm tiền lương của một nhà nghiên cứu hàn lâm và cho phép các học giả thoải mái sử dụng tiền thưởng tùy ý. Giải thưởng Nobel đầu tiên được trao vào năm 1901. Tính đến năm 2016, suốt chiều dài lịch sử 115 năm, giải Nobel được trao 579 lần cho hơn 900 cá nhân và tổ chức, trong đó, nhiều người nhận giải Nobel hơn 1 lần.
Các nước phương Tây có nhiều người đoạt giải Nobel nhất; Trong đó, Mỹ dẫn đầu với tổng cộng 336 người đoạt giải. Trong tất cả các lĩnh vực, Mỹ đều xếp thứ hạng cao, nhất là lĩnh vực Vật lý. Việc nước Mỹ sở hữu nhiều “bộ não thông minh nhất thế giới”, được lý giải là do nước này có cơ chế thu hút nhân tài rất tốt.
Phân loại số người làm việc tại Mỹ đoạt giải Nobel cho thấy có đến, 102 người (chiếm 30%) là người sinh ra ở nước khác, bao gồm 15 người Đức, 12 người Canada, 10 người Anh, 6 người Nga, 6 người Trung Quốc sau đó di cư đến Mỹ. Một lý do khác, nền giáo dục đào tạo của Mỹ biết cách khơi gợi và phát triển tài năng. Nổi bật trên bảng xếp hạng các trường đại học có số người đoạt giải Nobel nhiều nhất, các trường của Mỹ chiếm tới 8/10 với những cái tên “quen thuộc” như: Đại học Stanford, Đại học Colombia...
Vì sao người Do thái chiếm nhiều giải Nobel nhất?
Ngoài khía cạnh quốc gia, xét về mặt sắc tộc, người Do Thái là một trong những sắc tộc đặt nhiều dấu ấn nhất trong lịch sử giải Nobel. Nhắc đến người Do Thái, người ta nghĩ ngay tới danh tiếng những người thông minh nhất thế giới. Thực tế, người Do Thái có nguồn gốc từ Israel, nay đang sống rải rác tại nhiều quốc gia khác nhau, chỉ chiếm 0,2% dân số thế giới (với 14,2 triệu người) nhưng lại chiếm 22% tổng giải thưởng Nobel.
Điển hình, giải Nobel năm nay, một trong ba chủ nhân giải Nobel Vật lý là con trai của người Do Thái di cư từ Đức sang Anh. Đó là, GS. danh dự David Thouless, 82 tuổi, làm việc tại Đại học Washington (Mỹ). Cha ông là Hans Walter Kosterlitz, người Do Thái, đi tiên phong trong lĩnh vực hóa sinh học. Ông Hans Walter Kosterlitz chạy trốn khỏi Đức sang Scotland (Anh) từ năm 1943 vì bị cấm làm việc tại một bệnh viện ở Berlin dưới chế độ Đức Quốc xã.
Để giải thích cho điều bí ẩn vì sao người Do Thái lại xuất chúng trong khoa học, rất nhiều nhà nghiên cứu đã tìm hiểu và phần lớn đưa ra hai giả thuyết. Thứ nhất, người Do Thái sở hữu gen tốt. Ông Charles Murray, học giả đến từ Viện Nghiên cứu Enterprise từng viết một bài luận với tiêu đề “Những thiên tài Do Thái” cho rằng, có lẽ sự khác biệt trong gen của người Do Thái là câu trả lời để giải thích vì sao chỉ số IQ của người Do Thái lại cao”. Một giả thuyết khác được đưa ra đó là người Do Thái rất yêu thích đọc sách. Chủ nhân một giải thưởng kinh tế người Israel, ông Robert Aumann cho biết, nhà của mỗi người Do Thái đều đầy chật các giá sách.
Song, hai giả thuyết này vấp phải nhiều nghi ngờ. Thứ nhất, sự xuất chúng của người Do Thái trong lĩnh vực khoa học mới được công nhận nhiều ở thời gian gần đây. Trong những thập kỷ đầu thế kỷ XX, nhà tâm lý học Princeton - Carl Brigham thử nghiệm trí thông minh của người Do Thái tại Mỹ và kết luận, họ có chỉ số thông minh trung bình thấp hơn so với các nước khác.
Ông Carl Brigham cho rằng, sự nổi trội của người Do Thái trong khoa học là hiện tượng mới được nở rộ trong nhiều thập kỷ gần đây, đặc biệt là sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Do đó, khó có thể kết luận hiện tượng này là do chọn lọc tự nhiên. Mặt khác, có nhà khoa học cho rằng, thế kỷ XX bắt đầu với làn sóng người Do Thái di cư ồ ạt sang Mỹ, sang Nga và sang Palestine... Ở mỗi vùng đất mới, phần lớn người Do Thái đều tìm đến với khoa học vì họ tin đó là cách để có thể vượt lên trật tự thế giới cũ - nơi hầu hết người Do Thái không có chỗ trong quyền lực, giàu sang và địa vị xã hội.
Giải Nobel Hòa bình năm nay liệu có gây sốc? Hôm nay (7/10), Ủy ban Nobel sẽ công bố giải Nobel Hòa bình 2016 - giải thưởng vốn thu hút sự chú ý và nhiều tranh cãi nhất trong hệ thống các giải Nobel. Năm nay, giải Nobel Hòa bình ghi nhận số lượng người được đề cử kỷ lục: 376 (bao gồm 228 cá nhân và 148 tổ chức), vượt đề cử kỷ lục năm 2014 với 278 ứng viên. Người đứng đầu Viện Nobel Olav Njolstad nhận định, số lượng đề cử phản ánh những sự kiện thế giới: “Chúng ta đang sống trong thế giới xảy ra nhiều xung đột và cũng là nơi một số tiến trình đang đi theo hướng tích cực”. Đáng chú ý, đề cử Nobel hòa bình năm nay xuất hiện những nhân vật thu hút ý kiến trái chiều như: Thủ tướng Đức Angela Merkel, Giáo hoàng Francis, đặc biệt là ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump - người vốn được biết đến với những phát ngôn bạo miệng, gây tranh cãi, nhiều lần bị chỉ trích phân biệt chủng tộc, không tôn trọng phụ nữ; hay cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, hiện đang tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador ở London vì công bố hàng loạt thông tin tình báo mật của Mỹ. Song, tờ Guardian (Anh) nhận định, một số ứng viên hàng đầu cho giải Nobel năm nay là Tổ chức Mũ bảo hiểm trắng của Syria; Thủ tướng Đức Angela Merkel, Giáo hoàng Francis, người dân đảo Lesbos (Hy Lạp), Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos và lãnh đạo phe nổi dậy Farc Rodrigo Londono. Trong suốt lịch sử giải Nobel Hòa bình, năm 1973, ông Lê Đức Thọ là người Việt Nam được trao giải Nobel Hòa bình và cũng là trường hợp đầu tiên từ chối nhận giải. Năm đó, ông Lê Đức Thọ cùng Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger được trao giải Nobel Hòa bình vì là những người đóng góp nhiều công sức cho Hiệp định Paris 1973. Song, ông Lê Đức Thọ không nhận giải với lý do chưa có hòa bình thực sự ở Việt Nam. Vân Trang |
>>> Xem thêm video hay:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận