Hồ sơ tài liệu

Vì sao ông Trump tuyên bố giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama?

24/12/2024, 11:54

Cuối tuần qua, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đề xuất Mỹ nên giành lại kênh đào Panama. Tuy ý tưởng này ngay lập tức bị Chính phủ Panama bác bỏ, dư luận cũng đặt câu hỏi tại sao ông Trump có thể công khai tuyên bố trên.

Ông Trump cáo buộc Panama tính áp "giá cắt cổ" với Mỹ

Trong bài đăng trên mạng xã hội và phát biểu trước người ủng hộ, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cáo buộc Panama tính áp mức giá sử dụng kênh đào "cao cắt cổ" với Mỹ và ám chỉ Trung Quốc có ảnh hưởng ngày càng tăng với tuyến đường thủy quan trọng này.

"Mức phí của Panama rất vô lý, nếu biết Mỹ từng dành sự hào phóng phi thường cho Panama", ông Trump viết trên Truth Social.

Vì sao ông Trump tuyên bố giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama?- Ảnh 1.

Một tàu đang được lai dắt đi qua kênh đào Panama (Ảnh: CNN).

Kênh đào do Mỹ xây dựng và được khánh thành năm 1914, nằm dưới quyền kiểm soát của Mỹ đến năm 1977 - thời điểm Mỹ đạt thỏa thuận quy định chuyển giao kênh đào này cho Panama.

Kênh đào được cả hai nước cùng khai thác cho đến khi chính phủ Panama nắm toàn quyền kiểm soát sau năm 1999.

Ông Trump tuyên bố nếu tinh thần của thỏa thuận không được tuân thủ, Mỹ sẽ yêu cầu trả lại kênh đào Panama và đề nghị các quan chức Panama hãy tuân thủ theo hướng dẫn.

Không rõ ông Trump coi lời đe dọa giành lại quyền kiểm soát kênh đào nghiêm túc đến mức nào nhưng đây không phải lần đầu tiên ông nói Mỹ đang bị đối xử bất công.

Tổng thống đắc cử chưa nêu cụ thể cách ông sẽ buộc một quốc gia có chủ quyền, thân thiện phải nhượng lại lãnh thổ của mình như thế nào.

Và chính phủ Panama không muốn dính líu đến đề xuất của ông Trump.

"Là tổng thống, tôi muốn tuyên bố chính xác, từng mét vuông của Kênh đào Panama cùng khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ mãi là như vậy. Chủ quyền cũng như nền độc lập của đất nước chúng tôi là không thể thương lượng", Tổng thống Panama José Raúl Mulino cho biết.

Lịch sử hiểm nguy và chết chóc

Trước khi kênh đào Panama hoàn thành, những con tàu di chuyển giữa bờ biển phía đông và phía tây của Châu Mỹ phải đi vòng qua Mũi Horn, ở phía nam của Nam Mỹ, khiến hành trình dài thêm hàng nghìn dặm và kéo dài nhiều tháng.

Do đó, mục tiêu của một số đế chế có thuộc địa ở Châu Mỹ là xây dựng được một tuyến đường để rút ngắn hành trình.

Đầu thế kỷ 20, Tổng thống Theodore Roosevelt coi việc xây dựng và hoàn thành tuyến đường trên là ưu tiên. Thời điểm đó, lãnh thổ này do Cộng hòa Colombia kiểm soát, nhưng một cuộc nổi loạn do Mỹ hậu thuẫn đã dẫn đến việc Panama và Colombia tách ra và thành lập Cộng hòa Panama vào năm 1903.

Mỹ và nước cộng hòa mới thành lập đã ký hiệp ước cho phép Washington được quyền kiểm soát dải đất dài 16km để xây dựng kênh đào, đổi lấy chi phí xây dựng.

Kênh đào được hoàn thành vào năm 1914, củng cố vị thế của Mỹ là một siêu cường về kỹ thuật và công nghệ, nhưng phải trả giá bằng mạng sống của con người. Ước tính 5.600 người thiệt mạng trong quá trình xây dựng kênh đào.

Tính thực tế của kênh đào đã được chứng minh trong Thế chiến II. Nhưng mối quan hệ giữa Mỹ và Panama dần tan rã do bất đồng về quyền kiểm soát kênh đào, cách đối xử với công nhân Panama và câu hỏi liệu cờ Mỹ cùng Panama có nên được treo chung trên khu vực kênh đào hay không.

Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào ngày 9/1/1964 khi cuộc bạo loạn chống Mỹ xảy ra, khiến một số người ở khu vực kênh đào thiệt mạng và hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao trong thời gian ngắn.

Sau nhiều năm đàm phán để đưa ra thỏa thuận công bằng hơn, hai bên đã có hai hiệp ước dưới thời chính quyền của Tổng thống Jimmy Carter.

Theo đó, hai bên tuyên bố kênh đào là trung lập và mở cửa cho tất cả tàu thuyền; quy định Mỹ và Panama cùng kiểm soát phần lãnh thổ cho đến cuối năm 1999, khi Panama được trao toàn quyền kiểm soát.

Tổng thống Carter khi đó tuyên bố: "Tất nhiên, điều này không trao cho Mỹ quyền can thiệp vào công việc nội bộ của Panama và hành động quân sự của chúng tôi cũng không bao giờ nhằm vào toàn vẹn lãnh thổ hoặc nền độc lập chính trị của Panama".

Nhưng không phải ai cũng ủng hộ kế hoạch của ông Carter. Trong bài phát biểu năm 1976, ứng viên tổng thống khi đó là Ronald Reagan thẳng thừng tuyên bố người dân Mỹ là "chủ sở hữu hợp pháp của khu vực kênh đào".

Căng thẳng về kênh đào lại leo thang vào cuối những năm 1980 dưới thời ông Manuel Noriega. Ông này sau đó bị phế truất khi Mỹ tấn công Panama trong "cuộc chiến chống ma túy".

Rắc rối hiện tại

Ngay sau khi Panama nắm quyền kiểm soát hoàn toàn kênh đào vào năm 2000, khối lượng vận chuyển nhanh chóng vượt quá công suất của tuyến đường thủy. Một dự án mở rộng quy mô lớn đã bắt đầu năm 2007 và hoàn thành sau gần một thập kỷ. Nhưng khu vực xung quanh kênh đào đã trải qua hạn hán nghiêm trọng, dẫn đến mực nước thấp hơn cản trở khả năng hoạt động bình thường của kênh đào.

Giới chức quản lý kênh đào phải đặt ra nhiều hạn chế giao thông và áp dụng mức phí cao hơn với tuyến đường thủy này. Có lẽ, theo CNN, đây chính là một phần trong vấn đề của ông Trump đối với kênh đào Panama.

Tổng thống đắc cử Mỹ đánh giá việc tăng phí này là vô lý và bất công.

Trong một bài phát biểu khác, ông Trump nghi ngờ Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát nhiều hơn đối với Panama và khu vực kênh đào.

Năm 2017, Panama ký thông cáo chung với Trung Quốc, nhấn mạnh không có quan hệ chính thức với đảo Đài Loan. Kể từ đó, ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực xung quanh kênh đào tăng lên.

Song, đáp lại phát biểu của ông Trump vào cuối tuần, Tổng thống Panama cho biết: "Việc tăng giá không phải quyết định bồng bột".

Cùng đó, ông bác bỏ những thông tin cho rằng Trung Quốc thực hiện quyền kiểm soát công khai đối với kênh đào và khẳng định: "Kênh đào này không chịu quyền kiểm soát, trực tiếp hay gián tiếp, từ Trung Quốc, Cộng đồng châu Âu, Mỹ hay bất kỳ thế lực nào khác".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.