Cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) |
Vừa qua, trên một số phương tiện truyền thông đăng tải thông tin kết luận của Thanh tra Chính phủ cho rằng, dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100 có nhiều tồn tại, khiếm khuyết. Báo Giao thông trao đổi với cơ quan chức năng để làm rõ sự việc.
Chiều dài quy hoạch tuyến đường chỉ là tạm tính
Các thông tin đăng tải cho biết, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, quy hoạch phát triển giao thông được phê duyệt tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới có chiều dài 28km nhưng quyết định đầu tư được Bộ GTVT phê duyệt thì quy mô đầu tư lớn hơn nhiều so với quy hoạch, cụ thể, chiều dài tuyến đường lên tới 40,7km (dài hơn 12,7km so với quy hoạch).
Liên quan đến thông tin này, trao đổi với Báo Giao thông, một lãnh đạo Vụ Đối tác công tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 326 ngày 1/3/2016, tuyến cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới - Bắc Kạn có tổng chiều dài 43km. Trong đó, đoạn tuyến từ TP Thái Nguyên đến Chợ Mới (Bắc Kạn) dài 28km, đoạn tuyến từ Chợ Mới - TP Bắc Kạn dài 15km, quy mô 4 - 6 làn xe, tiến trình đầu tư đến năm 2020. Theo lãnh đạo Vụ PPP, trong bước quy hoạch chỉ quyết định được các điểm khống chế chủ yếu, quy mô,… chiều dài tuyến chỉ là tạm tính. Trong quá trình triển khai thực hiện, chiều dài tuyến phải được xác định cụ thể trên cơ sở các điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn,… để lựa chọn phương án phù hợp hướng tuyến, đảm bảo hiệu quả.
Đại diện Vụ PPP cho biết, trong quá trình nghiên cứu triển khai lập dự án đầu tư tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, cải tạo QL3 đoạn Km75 - Km100 theo hình thức BOT, do tuyến đi qua khu vực có điều kiện địa chất phức tạp, tư vấn đã nghiên cứu các phương án, so sánh và lựa chọn phương án phù hợp nhất. Đồng thời, để phát huy hiệu quả tuyến cao tốc và thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh Bắc Kạn, cần kéo dài điểm cuối tuyến cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới tới Khu công nghiệp Thanh Bình (huyện Chợ Mới) với chiều dài 40,7km.
“Để có cơ sở triển khai, ngày 9/6/2014, Bộ GTVT có Văn bản 6714 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương thực hiện dự án theo hình thức BOT và phương án tuyến, gồm: Điểm đầu, điểm cuối dự án, các điểm khống chế chủ yếu, chiều dài tuyến,… đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản 5136 ngày 9/7/2014”, đại diện Vụ PPP cho biết.
Thống nhất đặt hai trạm thu phí hoàn vốn
Về thông tin Thanh tra Chính phủ cho rằng, quyết định duyệt ghép việc cải tạo QL3 với đầu tư xây dựng mới đường Thái Nguyên - Chợ Mới và để đặt trạm thu phí ở hai nơi là không hợp lý, theo hồ sơ Báo Giao thông nắm được, trước khi Bộ GTVT phê duyệt quyết định dự án đầu tư, ngày 7/7/2014, Bộ Tài chính có Văn bản 9086 gửi Văn phòng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 theo hình thức BOT. Trong văn bản do Thứ trưởng Trần Văn Hiếu ký nêu rõ: “Việc nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100 thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư theo hình thức BOT theo quy định tại Nghị định 108/2009 ngày 27/11/2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức BOT, BTO, BT. Do vậy, Bộ Tài chính thống nhất chủ trương nghiên cứu đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT”.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, cải tạo QL3 đoạn Km75 - Km100 thực hiện bằng hình thức BOT do liên danh CIENCO4 - Công ty CPĐT Xây dựng Tuấn Lộc - Công ty CPĐT Xây dựng và thương mại Trường Lộc Việt Nam làm nhà đầu tư. |
Trước đó, ngày 27/5/2014, trong văn bản gửi Bộ GTVT, ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định: “Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, để đảm bảo sớm triển khai dự án, UBND tỉnh Thái Nguyên thống nhất với chủ trương của Bộ GTVT về đầu tư xây dựng QL3 đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) theo hình thức BOT”. Về trạm thu phí để hoàn vốn cho dự án, UBND tỉnh Thái Nguyên nêu rõ: “Để nâng cao hiệu quả đầu tư, UBND tỉnh Thái Nguyên thống nhất đặt một trạm thu phí trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới và một trạm trên QL3 cũ”.
Thống nhất đầu tư dự án bằng hình thức BOT, trong Văn bản 1696 ngày 2/6/2014, UBND tỉnh Bắc Kạn cũng khẳng định: “Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, UBND tỉnh Bắc Kạn nhất trí chủ trương bố trí hai trạm thu phí, một trên tuyến QL3 mới và một trạm trên tuyến QL3 cũ (đoạn Tân Long - Bờ Đậu) để thu phí hoàn vốn cho dự án”.
Trên cơ sở thống nhất của chính quyền địa phương, bộ, ngành liên quan và ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, ngày 7/8/2014, Bộ GTVT ban hành Quyết định 3002 về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100 theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 2.746 tỷ đồng. Dự án sử dụng hai trạm thu phí (trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới và trên QL3 đoạn Km75 - Km82) để thu phí hoàn vốn.
Tiếp đó, ngày 26/10/2015, Bộ Tài chính có Văn bản 15300 do Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải ký gửi Bộ GTVT về việc đặt trạm thu phí dự án BOT xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, cải tạo QL3. Trong văn bản, Bộ Tài chính nêu rõ: “Trong điều kiện ngân sách Nhà nước khó khăn, để đảm bảo phương án tài chính, việc sử dụng 2 trạm thu phí, một trạm trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới và một trạm trên QL3 để hoàn vốn cho dự án là phù hợp”. Đến ngày 28/10/2016, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã ký ban hành Thông tư 175 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ trạm thu phí tại Km72+930 trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới và trạm thu phí tại Km 78+080 QL3.
Rà soát miễn giảm cho dân gần trạm trước khi thu giá
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (doanh nghiệp dự án) cho biết, dự án phải sử dụng hai trạm thu phí, trong đó có một trạm trên QL3 cũ tại Km 78+080 và một trạm trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới mới đảm bảo phương án tài chính và phát huy hiệu quả của tuyến cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới. “Nếu chỉ sử dụng một trạm trên tuyến QL3 mới, chắc chắn phương án tài chính của dự án sẽ bị phá vỡ và nhà đầu tư không thể thu hồi được nguồn vốn đã bỏ ra đầu tư”, ông Đức nói và cho biết, dự án hoàn thành, đưa vào khai thác từ cuối năm 2016, đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc rút ngắn thời gian đi lại giữa Thái Nguyên - Bắc Kạn chỉ còn 1 giờ thay vì 3 giờ như trước, đồng thời giảm ùn tắc, đảm bảo ATGT cho các phương tiện lưu thông trên tuyến QL3 cũ.
“Trên cơ sở kiến nghị của chính quyền địa phương, nhà đầu tư và các cơ quan liên quan đang tiến hành rà soát, thống kê để tiến hành miễn, giảm phí cho các đối tượng là chủ phương tiện tại khu vực xung quanh trạm thu phí. Theo phương án tài chính, nhà đầu tư sẽ tiến hành thu phí từ đầu năm 2017, nhưng thực tế đến giờ chúng tôi vẫn chưa được thu. Từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi tháng nhà đầu tư phải bỏ ra 16 tỷ đồng để chi trả lãi vay ngân hàng cho dự án. Đây chính là rủi ro không thể lường trước của các dự án BOT và chúng tôi đang phải chịu nhiều thiệt hại”, ông Đức chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận