Nhiều nội dung về phương án đầu tư, tổng vốn đầu tư, nguồn vốn… có sự điều chỉnh so với nội dung được Chính phủ báo cáo Quốc hội vào cuối tháng 9/2021.
Trong đó, có 4 dự án được đề xuất đầu tư theo phương thức PPP, 8 dự án đầu tư công.
Giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đề xuất sẽ triển khai đầu tư khoảng 729km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, trong đó có 8 dự án đầu tư công, 4 dự án PPP (Trong ảnh: Thi công cao tốc Mai Sơn - QL45). Ảnh: Tạ Hải
Đề xuất 8 dự án đầu tư công, 4 dự án PPP
Về phương án đầu tư, trong Tờ trình 11792 ngày 6/11/2021 gửi Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất giai đoạn 2021 - 2025 sẽ triển khai đầu tư khoảng 729km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập.
Cụ thể, 4 dự án thành phần được đề xuất triển khai theo phương thức PPP: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang; 8 dự án thành phần còn lại triển khai theo hình thức đầu tư công gồm: Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.
Trước đó, tại Tờ trình 334 ngày 22/9/2021 gửi Quốc hội, Chính phủ đề xuất giai đoạn 2021 - 2025 sẽ triển khai đầu tư 9 dự án thành phần theo hình thức PPP dài khoảng 552km, còn lại 3 dự án thành phần (Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ) sẽ chỉ triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Theo Bộ GTVT, sơ bộ tổng mức đầu tư của 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 trong Tờ trình 11792 khoảng 148.492 tỷ đồng (Tờ trình 334, tổng mức đầu tư khoảng 124.619 tỷ đồng).
Cơ cấu nguồn vốn gồm: 131.217 tỷ đồng vốn Nhà nước và 17.275 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.
Về phương án huy động vốn, Bộ GTVT nêu rõ, nhu cầu vốn nhà nước cần bố trí giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 91.852 tỷ đồng (khoảng 70%), phần còn lại khoảng 38.365 tỷ đồng (khoảng 30%) chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026 - 2030.
“Ngoài phần vốn Nhà nước đã được Quốc hội bố trí cho dự án khoảng 47.169 tỷ đồng, giai đoạn 2021 - 2025 cần bổ sung khoảng 44.683 tỷ đồng, kiến nghị cân đối từ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội”, tờ trình do Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm ký nêu rõ.
Đối với 4 dự án thành phần triển khai bằng hình thức PPP, để đảm bảo khả thi, Bộ GTVT kiến nghị cho phép tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP từ 54 - 65% tổng mức đầu tư của dự án; kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển đổi hình thức đầu tư trong trường hợp triển khai các dự án thành phần theo phương thức PPP không thành công.
Rủi ro lớn về tiến độ nếu đầu tư toàn bộ bằng PPP
Phân tích về việc lựa chọn hình thức đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 (8 dự án đầu tư công, 4 dự án PPP), trong tờ trình của Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho rằng, nếu triển khai toàn bộ các dự án thành phần theo hình thức PPP mức độ thành công sẽ không cao, có thể phát sinh các tình huống không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc không huy động được vốn tín dụng để triển khai.
“Trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư, phải báo cáo cấp có thẩm quyền chuyển đổi sang đầu tư công, tiến độ kéo dài thêm khoảng 9 tháng. Ngay cả trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thành công nhưng không huy động được vốn vay, tiến độ sẽ kéo dài thêm khoảng 13 tháng so với phương án đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết.
Dẫn chứng thực tế từ dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội, trong 11 dự án thành phần có 8 dự án triển khai theo hình thức PPP và 3 dự án đầu tư công.
Trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư đã phát sinh khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tính khả thi và tiến độ hoàn thành dự án, trong đó chủ yếu là huy động vốn tín dụng.
Đồng thời, do tác động của dịch Covid-19, để thúc đẩy tiến độ hoàn thành các dự án, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhằm khôi phục nền kinh tế, Quốc hội đã quyết định chuyển đổi 3 dự án thành phần (Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) từ hình thức PPP sang đầu tư công.
Tiếp đến, 5 dự án PPP còn lại đã tổ chức đấu thầu nhưng chỉ có 3 dự án lựa chọn được nhà đầu tư gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Hai dự án QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu không lựa chọn được nhà đầu tư đã phải chuyển đổi sang đầu tư công.
“Đối với 3 dự án PPP cao tốc giai đoạn 2017 - 2020 đang triển khai dù có mức vốn Nhà nước hỗ trợ trên 50% tổng mức đầu tư, thời gian thu hồi vốn chỉ 16 - 17 năm, được đánh giá rất hiệu quả về tài chính so với các dự án PPP giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, đến nay, các nhà đầu tư của 3 dự án này vẫn chưa ký kết được hợp đồng tín dụng”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm dẫn chứng.
Nhà nước phát hành trái phiếu, thu hồi vốn qua thu phí
Trao đổi với Báo Giao thông, PGS. TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ phương án đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Bộ GTVT đưa ra.
Việc tập trung đầu tư cho hạ tầng giao thông, đường sá là cần thiết bởi thực tế đang chứng minh giao thông đi đến đâu kinh tế sẽ phát triển đến đó.
Trong bối cảnh hiện nay, tôi cũng ủng hộ nên tăng vốn đầu tư công cho các dự án vì giai đoạn vừa qua, vấn đề giải ngân đầu tư công quá kém, quá chậm. Cần phải lấy vốn đầu tư công ở những nơi giải ngân chậm tăng cường cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Tuy nhiên, Bộ GTVT phải theo dõi, giám sát, cam kết giải ngân đúng tiến độ, đúng lộ trình, đúng chất lượng, giúp cho kinh tế phát triển đồng đều giữa các vùng miền, tăng cường sự lưu thông, giao lưu giữa các vùng kinh tế.
Giai đoạn tới, khi ngân sách vẫn cần được phân bổ hỗ trợ nhiều lĩnh vực phục hồi sau dịch Covid-19, chủ trương kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa, nhà nước - tư nhân cùng đầu tư, cùng chia lợi nhuận nhưng phải đảm bảo nguyên tắc hài hòa lợi ích và minh bạch.
Bà Bùi Thị An, nguyên ĐBQH khóa XIII
Việc lựa chọn đầu tư 8 dự án bằng vốn ngân sách và 4 dự án bằng hình thức PPP là phù hợp với bối cảnh thực tế”.
Ông Chủng phân tích, nếu đầu tư toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 bằng hình thức PPP sẽ rất rủi ro, khi nhiều quy định, cơ chế, chính sách trong đầu tư PPP hiện chưa được tháo gỡ.
Theo ông Chủng, vướng mắc lớn nhất là việc huy động vốn để đầu tư.
Đây chính là nguyên nhân chính khiến 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 không thể lựa chọn được nhà đầu tư.
Ngay cả 3 dự án đã được ký hợp đồng giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về việc huy động vốn tín dụng.
“Huy động vốn tín dụng đang là vấn đề bức xúc của phương thức đầu tư PPP, việc này chúng ta đã biết và đặt vấn đề ngay từ đầu nhưng đến nay vẫn chưa tháo gỡ được.
Chính vì vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ phương án đề xuất của Bộ GTVT đưa ra với 8 dự án đầu tư công và 4 dự án PPP để đầu tư cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025”, ông Chủng và cho rằng, dù triển khai theo hình thức đầu tư nào, để đảm bảo hiệu quả đầu tư của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, cơ quan có thẩm quyền cần lưu ý giải quyết các điều kiện: Phải giải phóng mặt bằng sạch trước khi tổ chức thi công; khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào dự án; hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính…
Từ kinh nghiệm thực tiễn của một doanh nghiệp đã từng tham gia đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành khẳng định, phương án đề xuất 8 dự án đầu tư công và 4 dự án PPP để triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT đưa ra là hoàn toàn hợp lý.
Theo ông Khôi, việc triển khai đầu tư các dự án cao tốc theo hình thức PPP đang gặp rất nhiều khó khăn do các ngân hàng thương mại siết chặt tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn khiến các nhà đầu tư khó huy động được vốn tín dụng để tham gia đầu tư.
“Trong bối cảnh hiện nay, lãi suất cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng ở mức rất cao là cản trở lớn cho các dự án cao tốc triển khai theo hình thức PPP. Đặc biệt, các nhà đầu tư đã phải huy động 20 - 30% vốn chủ sở hữu nhưng vẫn không thể đáp ứng yêu cầu của các ngân hàng”, ông Khôi nói.
Ông Khôi cũng cho rằng, dù Luật PPP đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, nhưng nhiều điều khoản vẫn còn chung chung, chưa rõ ràng.
Chẳng hạn quy định về chia sẻ rủi ro doanh thu, việc bù doanh thu cho nhà đầu tư vẫn chưa biết lấy từ nguồn nào… dẫn tới khó thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dự án PPP đường cao tốc.
Cho rằng Nhà nước bỏ vốn để đầu tư 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam trong giai đoạn tới là hợp lý, ông Khôi cũng góp ý, về nguồn vốn, cần thiết Nhà nước có thể phát hành trái phiếu để đầu tư, bởi lãi suất trái phiếu thấp hơn rất nhiều so với lãi suất nhà đầu tư đi vay vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại, từ đó sẽ tiết giảm rất lớn chi phí đầu tư của các dự án. Khi dự án hoàn thành, Nhà nước sẽ tiến hành thu phí hoặc bán quyền thu phí để thu hồi vốn đã đầu tư.
“Đầu tư bằng PPP có thuận lợi là tận dụng và phát huy được thế mạnh của doanh nghiệp tư nhân về quản lý, công nghệ, tính chủ động, quyết liệt… trong quá trình triển khai dự án. Mỗi hình thức đầu tư đều có ưu và nhược điểm. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, phương án đề xuất triển khai 8 dự án bằng đầu tư công và 4 dự án bằng PPP để triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn tới của Bộ GTVT đưa ra là phù hợp”, ông Khôi khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận