Ông Bùi Văn Quản, Phó giám đốc Sở GTVT Hòa Bình cho biết, tỷ lệ phương tiện chở khách lòng hồ Hòa Bình chưa đăng ký hoặc có đăng ký nhưng hết hạn đăng kiểm chiếm hơn 60%.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trên hồ Hòa Bình hiện có 290 tàu nhưng chỉ có 88 tàu (30%) đầy đủ đăng ký, đăng kiểm để kinh doanh vận tải khách du lịch, còn lại 57 tàu không đăng ký, đăng kiểm và 145 tàu đã hết hạn đăng kiểm và khó đáp ứng đủ điều kiện chất lượng để cấp chứng nhận đăng kiểm. Ông Lê Hồng Tiến, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 1 cho biết, dù đơn vị tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền và đơn vị cử lực lượng thường trực tại khu vực lòng hồ Hòa Bình để hướng dẫn thủ tục, cách thức cải tạo nhưng nhiều người không làm. Thậm chí, có trường hợp đã được cấp chứng nhận đăng kiểm nhưng không đến lấy giấy tờ.
“Nhiều chủ tàu cho rằng vùng lòng hồ không có sóng, đề nghị có tiêu chuẩn đặc thù, tiêu chuẩn tàu thấp hơn so với khu vực, không cải tạo để làm thủ tục đăng kiểm tàu. Còn đơn vị đăng kiểm buộc phải tuân thủ theo tiêu chuẩn chung để đảm bảo hệ số an toàn”, ông Tiến cho biết.
Ông Hồ Xuân Chữ, Phó chủ tịch Hội Du lịch Hòa Bình cho rằng, chuyện đăng kiểm tàu du lịch hồ Hòa Bình đang như mớ “bòng bong”, bởi cơ quan đăng kiểm chỉ cấp chứng nhận cho phương tiện cải tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng, còn số đông chủ tàu khó khăn không đủ điều kiện kinh tế để bỏ ra hàng trăm triệu đồng để cải tạo tàu.
Liên quan đến vấn đề này, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN Phan Văn Duy thông tin, trước thực trạng này, từ giữa tháng 4/2019, liên Cục Đường thủy, CSGT và Đăng kiểm tổ chức đợt cao điểm liên ngành bảo đảm trật tự ATGT đường thủy khu vực hồ Hòa Bình. Các cục sẽ đánh giá tổng thể vướng mắc để đề xuất các bộ, ngành và chính quyền tỉnh Hòa Bình có giải pháp giải quyết triệt để tình trạng lộn xộn, mất trật tự ATGT trong hoạt động vận tải khách du lịch hồ Hòa Bình.
Quản lý
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận