Cách đây không lâu, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vẫn còn duy trì thái độ lạnh nhạt với Mỹ trong khi không ngớt lời ca ngợi việc hợp tác với Trung Quốc, bỏ ngỏ khả năng sẽ thoả thuận cùng Bắc Kinh để phát triển các khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Nay, ông Duterte lại quyết định tiếp tục duy trì thoả thuận quân sự đã có từ lâu đời với Mỹ.
Quyết định… không bất ngờ
Theo nhiều chuyên gia, đây có thể là bước đi nhằm thay đổi vị thế địa chính trị của Manila trước sự quyết liệt ngày càng rõ rệt của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Sở dĩ nói quyết định mới này của ông Duterte thể hiện nước cờ mang tham vọng thay đổi vị thế và lập trường địa chính trị vì mới cách đây tháng 2 thôi, chính phủ Manila thông báo chuẩn bị khởi động tiến trình kéo 180 ngày để chấm dứt Thoả thuận Các lực lượng Thăm viếng (VFA) đã ký với Mỹ. Thời điểm đó, dư luận xôn xao, coi đây là động thái để Philippines giảm phụ thuộc quân sự vào Mỹ.
Từ khi nhậm chức vào năm 2016, ông Duterte luôn công khai thể hiện thái độ không mặn mà với Mỹ và tỏ rõ ý muốn xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc và hưởng những khoản đầu tư hạ tầng béo bở.
Nhưng, sau nhiều năm, nếu xét những động thái gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông - tuyến đường thủy giàu tài nguyên, nơi diễn ra 30% tổng lưu lượng thương mại trên thế giới, có thể nhận thấy rằng, việc ông Duterte thay đổi thái độ không có gì quá ngạc nhiên. Ông Richard Javad Heydarian, học giả đang làm việc tại Manila, cũng đồng tình với quan điểm này.
Thời gian qua, Bắc Kinh đã tăng cường máy bay do thám, khả năng tác chiến săn tàu ngầm tiên tiến trên khu vực Biển Đông. Trung Quốc cũng bị dư luận quốc tế chỉ trích vì tiến hành các hành vi trái phép trên khu vực Quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam); thành lập trái phép 2 quận hành chính tại Quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) để kiểm soát Biển Đông.
Trung Quốc cũng không ngừng thúc đẩy kế hoạch thành lập một Khu vực Nhận Diện Phòng không tại đây. Ngoài ra, Bắc Kinh còn thực hiện một loạt những diễn biến khiêu khích giữa tàu thuyền Trung Quốc và các nước trong khu vực Đông Nam Á trên vùng biển tranh chấp làm dấy lên làn sóng giận dữ từ Malaysia, Philippines, Indonesia, Việt Nam đến Liên Hợp Quốc.
Trong đó, có sự việc một tàu chiến của Trung Quốc đã chĩa súng laser vào một tàu khu trục của Philippines hồi tháng 2. Trong tất cả các sự việc, Mỹ đều có phản ứng và nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh can thiệp vào hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông của họ. Có lúc căng thẳng giữa hai nước leo cao tới mức dư luận lo sợ có thể nổ ra xung đột trên biển.
Hợp tác với Mỹ, ngăn ảnh hưởng Trung Quốc
Nhà phân tích an ninh châu Á, ông Lucio Blanco Pitlo cho rằng, ông Duterte có lẽ vẫn coi mối quan hệ hợp tác với Mỹ là quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia cũng như chống lại sức ảnh hưởng đang lớn dần từ Trung Quốc.
Theo ông Lucio, giới ngoại giao của cả hai nước đã tìm cách củng cố thỏa thuận nhưng giữa hai quốc gia có quan hệ quân sự mật thiết này vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề khó giải quyết. Trong đó, phải kể đến yêu cầu của Manila được phán xét quân nhân Mỹ nếu họ phạm tội trong quá trình đóng quân và phục vụ tại nước này.
Hiện tại, Mỹ và Philippines vẫn đang thực hiện hàng trăm cuộc tập trận chung mỗi năm. Năm ngoái, hai bên đã thoả thuận tổ chức 281 cuộc tập trận chung, tăng cao so với 261 cuộc trong năm 2018.
Trong khi đó, với Bắc Kinh, Manila lại có rất ít hoạt động diễn tập chung. Mãi đến tháng 1 năm nay, hai bên mới bắt đầu cuộc tập trận bảo vệ bờ biển chung đầu tiên trên Biển Đông. Năm 2018, Philippines tham gia vào cuộc tập trận quân sự đầu tiên trong khu vực cùng Trung Quốc và một số nước trong khu vực ASEAN.
Ông Derek Grossman, nhà phân tích quân sự cấp cao đến từ Tập đoàn Rand - một công ty cố vấn của Washington cho biết: “Có thể, trong tương lai, ông Duterte vẫn chấm dứt thoả thuận VFA với Mỹ nhưng có lẽ ở thời điểm này, Manila cảm thấy thỏa thuận vẫn còn giá trị. Điều này chứng tỏ Philippines tin rằng, quan hệ an ninh với Mỹ là yếu tố cần thiết để đối phó với Trung Quốc”.
Bên cạnh đó, nghiên cứu sinh Collin Koh Swee Lean đến từ Khoa Nghiên cứu Quốc tế tại Singapore cho rằng, Manila luôn khẳng định mong muốn tự chủ quốc phòng nhưng có lẽ kế hoạch này bị ảnh hưởng vì nợ công của Philippines tăng cao, chưa kể thâm hụt ngân sách bị thổi phồng do tăng chi cho các phản ứng chống dịch bệnh Covid-19.
Xét rộng ra khu vực, các nhà phân tích nhận định, nhiều quốc gia trong ASEAN sẽ cảm thấy an tâm với quyết định của Philippines bởi nó đồng nghĩa sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực này đến thời điểm hiện tại sẽ không bị ảnh hưởng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận