Cảnh phim “Bi, Đừng sợ!” |
Điển hình là “Bi, Đừng sợ!” của đạo diễn Phan Đăng Di thành công vang dội ở liên hoan phim quốc tế: LHP Quốc tế Stockholm (Thụy Điển, hai giải), LHP Quốc tế Cannes (Pháp), Giải Special Mention của LHP Quốc tế Vancouver và giải phim hay nhất tại LHP châu Á - Hong Kong, Phim hay nhất dành cho các đạo diễn có phim đầu tay lại LHP châu Á 2010.
Tương tự, bộ phim “Đập cánh giữa không trung” của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã giành giải “Phim hay nhất” tại Tuần phê bình phim quốc tế Venice 2014, giải Đặc biệt của Ban giám khảo tại LHP 3 Lục Địa (Festival des 3 Continents) lần thứ 36 Pháp, LHP Quốc tế Fribourg tại Thụy Sĩ, LHP quốc tế Bratislava. Tuy nhiên, tại Việt Nam, bộ phim chỉ giành được Giải Đặc biệt của Ban giám khảo tại LHP Quốc tế Hà Nội 2014 và giải Nam diễn viên phụ xuất sắc tại LHP Việt Nam lần thứ 19.
Mới đây nhất, tại lễ trao giải Cánh diều vàng 2016 diễn ra vào tháng 4/2017, bộ phim “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng chỉ nhận được Bằng khen của BGK. Dưới góc nhìn của Trưởng ban BGK, bộ phim thể hiện theo lối cũ, tiết tấu chậm, đạo diễn còn non về kịch bản, đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để tạo chi tiết, đẩy kịch tính lên cao. Phản ứng với phần thưởng này, đạo diễn Lương Đình Dũng đã trả lại giải thưởng ngay trong lễ trao giải.
Thế nhưng khi “đem chuông đi đấm xứ người”, phim “Cha cõng con” đã vượt qua 3.218 phim, nhận giải “Indie Spirit Best Storyline Award” (Phim có cốt truyện hay nhất). Chưa hết, tại LHP Quốc tế Arizona lần thứ 26, vượt qua 96 phim dự thi, “Cha cõng con” đoạt giải “Best Foreign Feature” (Phim truyện nước ngoài xuất sắc) và “Special Jury Award For Outstanding Cinematography” (Giải đặc biệt của ban giám khảo cho Quay phim ấn tượng nhất).
Kể lại một vài ví dụ để thấy, kể cả những phim được giới điện ảnh quốc tế ghi nhận bằng giải thưởng thì khi dự thi tại một sân chơi điện ảnh trong nước cũng dễ dàng tay trắng như thường.
Có thể thấy, cách nhìn nhận của Việt Nam khác xa so với quốc tế. Phải chăng vẫn là một cách nhìn nhận cũ kỹ có tư tưởng lạc hậu vẫn chưa hội nhập được quốc tế? Cách chấm phim theo “thành phần” hiện nay của Cánh diều vàng: Đạo diễn một người, âm nhạc một người, quay phim một người, biên kịch một người… sau đó chọn ra phim hay nhất đã khiến cho giải bị nghiệp dư hóa, trong khi đáng ra nó phải rất chuyên nghiệp. Tất nhiên, sẽ có sự thiếu bản lĩnh trong việc xét trao giải. Và chính sự thiếu bản lĩnh ấy đã khiến cho Cánh diều, Liên hoan phim Việt chưa được những đánh giá mang tính độc lập của những người chú trọng nghề nghiệp. Nếu không có sự đổi mới trong cách chấm giải, nhìn nhận, chắc chắn, sẽ còn nhiều bộ phim tương tự như: “Bi, Đừng sợ!”, “Cha cõng con” gặp phải.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận