Thời sự Quốc tế

Vì sao phương Tây chưa sử dụng đòn trừng phạt "tàn khốc" với Nga?

25/02/2022, 20:00

Liên minh châu Âu (EU) đã tuyên bố áp gói trừng phạt mạnh nhất với Nga nhưng thực tế vẫn chưa dùng đến “vũ khí sắc bén nhất”.

"Gói trừng phạt mạnh nhất"

Sáng nay (25/2), theo giờ VN, các lãnh đạo Liên minh châu Âu tổ chức cuộc họp về tình hình căng thẳng Nga-Ukraine.

Trong đó, các lãnh đạo Liên minh châu Âu khẳng định ủng hộ gói trừng phạt được coi là khắc nghiệt nhất mà châu Âu từng thực thi và sẽ có tác động đáng kể tới Nga.

Gói trừng phạt bao gồm cấm gửi tiền ngân hàng tại Liên minh châu Âu, hạn chế thị thực ngoại giao và những người sở hữu hộ chiếu đặc biệt, ngừng xuất khẩu với các sản phẩm công nghệ như chip bán dẫn sang Nga.

img

Các lãnh đạo Châu Âu họp khẩn. Ảnh - New York Times

Ngoài ra, EU còn đóng băng tài sản của Nga tại Liên minh châu Âu, chặn các ngân hàng Nga tiếp cận thị trường tài chính châu Âu…

Các lệnh trừng phạt cũng sẽ nhắm tới các ngành năng lượng và vận tải của Nga, đồng thời tìm cách kìm hãm hoạt động thương mại và sản xuất của nước này bằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.

Ngoài EU, Mỹ và các nước đồng minh như Nhật Bản, Australia đều đã công bố thêm các lệnh trừng phạt với Nga vì tình hình căng thẳng tại Ukraine.

Trong đó, Nhật có kế hoạch hạn chế xuất khẩu chip bán dẫn sang Nga, phong toả tài sản của những cá nhân, tổ chức có liên quan tới Nga, dừng cấp thị thực với một số cá nhân Nga - theo thông báo của Thủ tướng Nhật Fumio Kishida sáng 25/2.

Trước đó, Đức cũng dừng phê duyệt dự án đường ống dẫn khí đốt trị giá 11 tỷ USD mà phải Moscow và Berlin đã vượt qua rất nhiều rào cản mới hoàn thành vào tháng 9 năm ngoái.

Ngân hàng JP Morgan Chase dự đoán các biện pháp trừng phạt có thể làm mất 3,5 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP của Nga trong nửa sau năm nay.

Việc bị hạn chế vốn nước ngoài sẽ khiến các công ty dầu khí phải phụ thuộc vào hợp đồng trả trước đồng nghĩa phítổn sẽ cao hơn, JPMorgan cho biết.

Vì sao Mỹ, EU chưa tung "vũ khí" trừng phạt sắc bén nhất?

Song, phương Tây chưa áp đặt biện pháp tài chính mạnh nhất mà Mỹ và Liên minh châu Âu đã đe doạ từ trước tới nay đó là loại Nga khỏi hệ thống thanh toán tài chính liên ngân hàng toàn cầu SWIFT.

Trong thông báo mới nhất chiều 25/2, sau cuộc họp tại thủ đô Paris (Pháp) với những người đồng cấp từ các nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết, biện pháp loại Nga khỏi SWIFT vẫn mở nhưng sẽ là lựa chọn cuối cùng khi không còn cách nào khác.

img

Loại Nga khỏi SWIFT được coi là biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất mà Mỹ và phương Tây đã đe doạ nhưng chưa áp dụng

Nếu được sử dụng, “vũ khí này” sẽ chấm dứt toàn bộ giao dịch quốc tế của một nước, gây ra biến động tiền tệ và kích hoạt dòng vốn ra khổng lồ", bà Maria Shagina, thành viên Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan từng nhận định hồi năm ngoái.

Năm 2014, Cựu bộ trưởng tài chính Nga Alexei Kudrin đã ước tính, nền kinh tế Nga có thể sụt giảm 5% nếu bị loại khỏi SWIFT

Song, chính các nước trừng phạt cũng sẽ phải chịu hệ luỵ. Một số nhà phân tích kinh tế cho rằng, biện pháp đó có thể làm gia tăng áp lực về lạm phát và phá huỷ nỗ lực tăng trưởng kinh tế của châu Âu.

Trong ngày 25/2, Anh một lần nữa kêu gọi loại Nga khỏi SWIFT nhưng một số quốc gia không muốn vì dù biện pháp này có thể tác động mạnh tới các ngân hàng Nga nhưng sẽ rất khó để các tổ chức cho vay thu hồi tiền.

Nhiều nhà quan sát cũng cho rằng, động thái đó sẽ làm khó một số nước châu Âu khi thanh toán tiền nhập khẩu năng lượng từ Nga.

Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) được thành lập năm 1973 nhằm thay thế điện tín và hiện được hơn 11.000 tổ chức tài chính sử dụng để gửi tin nhắn và lệnh thanh toán bảo mật.

Hiện nay chưa có giải pháp thanh toán nào khác được chấp nhận trên toàn cầu, nên SWIFT được coi là hệ thống quan trọng của nền tài chính thế giới.

SWIFT có trụ sở tại Bỉ và do hội đồng 25 người điều hành, trong đó có Eddie Astanin, chủ tịch hội đồng quản lý tại Trung tâm Thanh toán Bù trừ Đối tác Trung ương của Nga.

SWIFT, tự mô tả là "một tiện ích trung lập", trở thành pháp nhân theo luật pháp Bỉ và phải tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu (EU).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.