Thế giới giao thông

Vì sao Qatar Airways chi 2,4 tỉ USD mua cổ phần American Airlines?

27/06/2017, 09:05

Hãng hàng không Qatar Airways bất ngờ tuyên bố đề nghị mua lại phần lớn cổ phần của hãng hàng không Mỹ American Airlines.

27

Qatar Airways muốn mua 10% cổ phần của American Airlines

Chi 2,4 tỉ USD, mua 10% cổ phần

Hãng hàng không Qatar Airways đang quan tâm tới việc mua lại khoảng 10% cổ phần của Công ty American Airways. Sở hữu số cổ phần này, Qatar sẽ trở thành cổ đông ngang hàng với nhà đầu tư Warren Buffett của Tập đoàn Berkshire Hathaway một trong số những cổ đông của hãng hàng không lớn nhất thế giới này. “Qatar Airways nhận thấy có cơ hội đầu tư mạnh mẽ tại American Airlines. Qatar Airways tin vào những nguyên tắc cơ bản và dự định của American Airlines để xây dựng một vị trí không dính líu tới các vấn đề quản lý, hoạt động hoặc điều hành”, thông báo của Qatar cho biết, theo Bloomberg.

Hãng hàng không tại Doha tìm kiếm cơ hội thu mua cổ phần của hãng hàng không lớn nhất thế giới vào thời điểm cổ phiếu của American Airlines gần bám sát mức giá trị cao nhất kể từ khi hãng này sáp nhập sau khi phá sản năm 2013. 10% cổ phần có giá trị khoảng 2,4 tỉ USD dựa trên giá trị thị trường của American Airlines hiện nay. Tuy nhiên, để có thể mua được số cổ phần lớn như vậy, yêu cầu này cần được ban điều hành American Airlines thông qua.

Giám đốc điều hành hãng hàng không American Airlines, ông Doug Parker cho biết, trong bức thư gửi tới nhân viên rằng: “Diễn biến lần này chỉ nhằm củng cố phương án của chúng tôi để đảm bảo Chính phủ Mỹ thực thi các thỏa thuận thương mại trong cạnh tranh công bằng với các hãng hàng không vùng Vịnh. Chúng tôi muốn làm rõ ràng rằng, không có bất cứ khoản đầu tư nào vào American, dù là nhỏ nhất, ảnh hưởng tới những động thái đúng đắn của chúng tôi đối với các thành viên trong công ty, khách hàng và toàn bộ cổ đông”, ông Parker khẳng định.

Động thái bất ngờ

Động thái này gây bất ngờ vì lâu nay American Airlines là một trong 3 hãng hàng không lớn của Mỹ chỉ trích Qatar và các hãng hàng không vùng Vịnh được Chính phủ trợ cấp cạnh tranh không lành mạnh, chiếm thị phần của các hãng hàng không Mỹ.

Cũng như các hãng hàng không Emirates và Etihad Airways PJSC, Qatar Airways đang nổi lên là một trong những hãng hàng không quyền lực nhất trên thế giới với dàn máy bay hiện đại, thân rộng của các thương hiệu Boeing và Airbus. Khai thác vị trí địa lý của khu vực vùng Vịnh, các hãng hàng không này trở thành các trung tâm vận chuyển khổng lồ của những khách hàng giàu có thường xuyên sử dụng các dịch vụ quãng dài di chuyển tới nhiều nơi trên thế giới. 

Vài ngày trước khi thông tin gây sốc trên được công bố, CEO Parker cho rằng, sự nổi lên của các hãng hàng không vùng Vịnh là mối lo ngại cạnh tranh hàng đầu và là nguy cơ lớn đối với hàng không thương mại Mỹ”. Ông chỉ trích các đối thủ Trung Đông là “3 hãng hàng không tại 2 quốc gia được trợ cấp dồi dào nên họ không cần quan tâm tới việc tạo ra lợi nhuận hay bắt buộc phải làm vậy”. 

Năm ngoái, vì bị American chỉ trích gay gắt, Giám đốc Qatar Al Baker cho biết sẽ tìm cách tách nhóm Oneword, thành lập một nhánh riêng biệt nếu American tiếp tục gây sức ép để yêu cầu Chính phủ Mỹ kiềm chế sự phát triển của các hãng hàng không vùng Vịnh.

Bước đi thông minh?

Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia như ông Tilmann Gabriel, trợ lý giáo sư của Chương trình Quản lý hàng không tại Đại học London cho biết: “Đây là bước đi thông minh của ông Al Barker để thu hút sự chú ý của thị trường Mỹ và có thể làm suy giảm những nỗ lực tập thể của các hãng hàng không lớn tại Mỹ nhằm thuyết phục ông Trump có biện pháp kiềm chế các hãng hàng không vùng Vịnh”.

“Qatar đang tìm cách để củng cố mối quan hệ hợp tác với các thành viên trong nhóm liên minh các hãng hàng không Oneword cũng như tăng cường khả năng đàm phán trong thoả thuận Bầu trời mở với Mỹ khi mua cổ phần của một thành viên lớn nhất trong nhóm vận động hành lang của thỏa thuận này”, Giám đốc Tư vấn không gian vũ trụ Frost & Sullivan tại Dubai, ông Diogenis Papiomytis nhận định.

Còn đối với Qatar Airways, khoản đầu tư vào American Airlines được coi như “bàn đạp để tiếp cận sâu hơn tới Mỹ”, ông Helane Becker, nhà phân tích đến từ Công ty Cowen & Co nhận định. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.