Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, quy định này cùng với các quy định khác sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của nhiệm vụ “then chốt của then chốt” trong xây dựng Đảng.
Ông Nguyễn Đức Hà - Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương)
Không còn nhấn mạnh điều kiện “trẻ”
Theo ông, so với Quy định 98 năm 2017, những điểm mới tại Quy định 65 về luân chuyển cán bộ là gì?
Quy định số 65 tiếp tục kế thừa, phát huy những nội dung mà văn bản của Bộ Chính trị đã ban hành mà còn phù hợp.
Trong đó, phần mục đích, yêu cầu xác định kết hợp luân chuyển với tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, cục bộ, khép kín; góp phần thúc đẩy thực hiện chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và người đứng đầu không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Đồng thời, Quy định số 65 có những nội dung mới, cụ thể hơn và tập trung hơn. Ví dụ như ở Quy định 98, “cán bộ trẻ” được nhắc tới nhiều lần, còn Quy định 65 thì không còn dùng cụm từ “cán bộ trẻ” nữa.
Một điểm mới nữa, Quy định 65 xác định luân chuyển cán bộ là để “tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc yêu cầu của chức danh được quy hoạch”, không còn nhấn mạnh lấy kết quả luân chuyển cán bộ “làm cơ sở lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ” như Quy định 98.
Chủ trương chung của Đảng là đưa cán bộ đi luân chuyển để tạo điều kiện cho cán bộ rèn luyện phấn đấu trong thực tiễn từ đó cán bộ trưởng thành lên. Tuy nhiên, trong thực tiễn thì cũng xảy ra hiện tượng chưa đúng. Như “đi chọn chỗ đi”, “về lựa chỗ về”. Không hiếm trường hợp đi nhưng “không về” được vì cán bộ mắc những khuyết điểm, sai phạm.
Để khắc phục điều này, Quy định 65 quy định rất chặt chẽ, trách nhiệm của cơ quan tham mưu, trách nhiệm của cơ quan đưa đi, trách nhiệm nơi sử dụng cán bộ, thậm chí ngay bản thân cán bộ luân chuyển cũng phải chịu sự quản lý của cấp ủy có thẩm quyền .Cụ thể lần này trong Quy định 65 đã nêu ra quy trình có 5 bước, rất rõ ràng về trách nhiệm. Vấn đề là quá trình tổ chức thực hiện phải nghiêm túc.
Ông Nguyễn Đức Hà
Quy định số 65 không còn nhắc đến cụm từ “cán bộ trẻ” nữa, theo ông vì lý do gì?
Nếu nói đến “cán bộ trẻ” thì không phải đến Quy định 98 mới nhắc đến, mà ngay từ năm 2002, trong Nghị quyết của Bộ Chính trị đã nhắc đến đối tượng đưa đi luân chuyển là cán bộ trẻ, đã được đào tạo cơ bản, nằm trong quy hoạch, nhưng còn thiếu thực tiễn thì cần được đưa đi luân chuyển để tạo môi trường, điều kiện cho cán bộ rèn luyện thử thách, phấn đấu trưởng thành để cán bộ phát triển nhanh và toàn diện hơn.
Tuy nhiên, lần này Quy định 65 không nói đến “cán bộ trẻ” mà chỉ nói đến “cán bộ trong quy hoạch”.
Bởi, “khái niệm trẻ” cần phải rất cụ thể đối với từng cấp, trẻ đối với cấp Trung ương là thế nào, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp cơ sở là ra sao?
Nếu nói cán bộ trẻ thì phải quy định rất cụ thể từng cấp, nên lần này chỉ nhắc đến cán bộ nằm trong quy hoạch. Cán bộ nằm trong quy hoạch cũng đã nội hàm yếu tố “trẻ” đó rồi.
Nâng cao hiệu quả công tác cán bộ
Ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện luân chuyển cán bộ trong những năm qua?
Quá trình thực hiện trong luân chuyển cán bộ, nhìn tổng thể là rất tốt, tạo điều kiện, môi trường để cán bộ rèn luyện phấn đấu trong thực tiễn. Chính vì thế, rất nhiều cán bộ thông qua luân chuyển thì trưởng thành, phát triển nhanh hơn.
Thậm chí, nhiều lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước cũng trưởng thành thông qua luân chuyển cán bộ.
Có thể nói sau mấy chục năm, công tác luân chuyển cán bộ ở các cấp đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nghiêm túc thấy rằng, trong quá trình tổ chức thực hiện thì “có nơi này, nơi kia, cấp này, cấp kia”, việc vận dụng chủ trương luân chuyển chưa thực sự như mong muốn, hiệu quả chưa cao.
Có trường hợp không nằm trong quy hoạch cũng “đi”, “quy hoạch vội để đi”, hoặc có người bảo là trẻ nhưng thực ra không phải là trẻ nữa. Có những trường hợp đưa đi để “tráng men” hoặc đưa đi để tạo chỗ trống, để bố trí người khác vào.
Quy định số 65 ban hành ở thời điểm hiện tại có ý nghĩa gì và liệu có thể khắc phục được những hạn chế như ông vừa nói?
Quy định 65 được ban hành nhằm mục đích khắc phục những hạn chế về công tác luân chuyển cán bộ trước đây.
Quy định 65 có nội dung rất chặt chẽ, từ việc xem xét, bố trí, quyết định cán bộ luân chuyển, sau hết thời gian luân chuyển thì về bố trí thế nào? Giao trách nhiệm các cơ quan có liên quan... Điều này để nâng cao chất lượng công tác cán bộ.
Chúng ta biết rằng, Đại hội XIII đặc biệt chú trọng vào công tác cán bộ, coi công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt của then chốt”.
Đại hội xác định tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến hai đối tượng, cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu.
Vừa qua, Bộ Chính trị có Kết luận số 14 về cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung cũng là để làm tốt công tác cán bộ.
Rồi Trung ương có Quy định 50 về công tác quy hoạch cán bộ, Bộ Chính trị có Quy định 41 về vấn đề miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ…
Cho nên với Quy định 65, cùng các quy định, quy chế khác trở thành hệ thống thể chế, cơ chế để công tác cán bộ ngày càng đi vào nền nếp, chặt chẽ, hạn chế khắc phục được tiêu cực, bất cập trong công tác cán bộ.
Cảm ơn ông!
Cán bộ được luân chuyển phải còn ít nhất 10 năm công tác
Theo Quy định 65, phạm vi luân chuyển từ cấp trên xuống cấp dưới, từ cấp dưới lên cấp trên, từ địa phương này sang địa phương khác; giữa các cơ quan, tổ chức cùng cấp trong hệ thống chính trị.
Đối tượng luân chuyển là cán bộ được quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Cán bộ được luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ cấp trưởng quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị gồm: Bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND, chánh án TAND, viện trưởng viện KSND và cấp trưởng các ngành công an, thanh tra, tài chính, thuế, hải quan cấp tỉnh, cấp huyện. Trường hợp khác do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Về nguyên tắc bố trí chức danh khi luân chuyển, cơ bản thực hiện theo nguyên tắc bố trí giữ chức vụ tương đương với chức vụ đang đảm nhiệm. Trường hợp cần thiết, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí chức vụ cao hơn chức vụ đang đảm nhiệm đối với cán bộ có phẩm chất, năng lực nổi trội, có khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chức vụ dự kiến phân công, bố trí.
Về tiêu chuẩn, điều kiện, cán bộ được luân chuyển phải có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị; Có đủ sức khỏe và còn thời gian công tác ít nhất 10 năm công tác tính từ thời điểm luân chuyển. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thời gian luân chuyển ít nhất là ba năm (36 tháng). Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận