Thiếu hụt lao động trầm trọng
Tuy nhiều nhà hàng ở Singapore đã đưa ra mức lương rất hấp dẫn là 3.500 đô la Singapore/tháng (59 triệu đồng) nhưng vẫn thiếu người.
Đến mức, chủ nhà hàng Ishinomaki Grill & Sake ở Singapore, bà Chen Weixin còn phải xắn tay để rửa bát.
Để thu hút nhân viên, MCI Career Services - một công ty tuyển dụng thậm chí còn hứa hẹn một số ưu đãi như chế độ khám sức khoẻ miễn phí, được sử dụng ghế mát-xa và môi trường thân thiện.
Nhiều nhà hàng ở Singapore khổ sở vì tìm nhân viên rửa bát
Những câu chuyện này đã thu hút sự chú ý của dư luận từ trong và ngoài quốc đảo sư tử làm dấy lên làn sóng tranh cãi và cả ngờ vực về mức lương cao như vậy cho một nhân viên rửa bát.
Ẩn sau sự việc dường như khó tin này chính là vấn đề khan hiếm lao động nghiêm trọng mà Singapore đang “đau đầu” tìm cách giải quyết.
Với dân số tương đối ít, nền kinh tế Singapore lâu nay phụ thuộc nhiều vào lao động nước ngoài, từ lao động phổ thông đến các giám đốc điều hành cấp cao. Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, số lượng người lao động nước ngoài tại Singapore đang giảm mạnh.
Theo Bộ nhân lực Singapore, số lượng lao động nước ngoài tại đảo quốc sư tử đã giảm tới 235.700 người trong khoảng thời gian từ tháng 12/2019 đến tháng 9/2021
Vào tháng 12/2021, tổng quy mô lực lượng lao động nước ngoài tại Singapore, không bao gồm lao động trong nước và lao động trong các lĩnh vực xây dựng, hàng hải và chế biến, đã giảm xuống còn 635.700 người, mức thấp nhất trong một thập kỷ, theo số liệu của tờ Straits Times.
Một bộ phận lao động nước ngoài đã rời Singapore để tìm đến những môi trường phát triển tốt hơn, do những hạn chế về đi lại trong thời gian dịch Covid-19 ở Singapore, việc nước này thắt chặt chính sách về lao động nước ngoài, tình trạng mất việc làm gia tăng và chi phí sinh hoạt tăng cao.
Tờ Straits Times cũng dẫn nhận định của các nhà quan sát cho rằng, nhiều lao động rời khỏi Singapore đã bị thu hút đến các điểm đến như Dubai, nơi đang đẩy mạnh nỗ lực phục hồi du lịch và mang lại nhiều cơ hội cho nhân lực trong ngành này.
Alexy, 33 tuổi, từng là Tổng Giám đốc tại nhà hàng Nhật Bản Koma ở Marina Bay Sands, đã chuyển tới Dubai từ tháng 7 năm ngoái để nhận vị trí Giám đốc vận hành thực phẩm và đồ uống (F&B) tại khu nghỉ mát Atlantis The Royal.
Alexy cho biết, anh bị thu hút bởi các chính sách miễn thuế và ưu đã hấp dẫn, bao gồm trợ cấp nhà ở hào phóng, bảo hiểm y tế và trả trước cho các chuyến bay về nước.
“Việc tôi chuyển đi là nhắm đến một môi trường kinh tế đang phát triển sôi động, với đông đảo khách du lịch, khách hàng quốc tế và hoạt động du lịch tích cực. Các biện pháp chống đại dịch Covid-19 của họ cũng vừa phải và dễ thích ứng hơn nhiều”, Alexy chia sẻ thêm.
Cải thiện chính sách để thu hút lao động nước ngoài
Trước bối cảnh số lượng người lao động nước ngoài sụt giảm mạnh sau dịch Covid-19, Singapore đang khó khăn tìm lối thoát cho vấn đề này, trong đó có việc nhanh chóng mở cửa lại biên giới.
Theo Bộ trưởng Tài chính Singapore, ông Lawrence Wong, nước này hướng tới khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động nước ngoài trong vòng vài tháng tới khi nới lỏng các hạn chế biên giới, giúp lao động nước ngoài dễ dàng quay lại Singapore.
Phát biểu hồi đầu tháng 3 tại Quốc hội Singapore, ông Wong cho biết chính phủ sẽ ưu tiên tăng cường lao động trong các lĩnh vực xây dựng, hàng hải và chế biến. Nội dung này cũng đã được đề cập trong bản báo cáo ngân sách của Singapore vào tháng 2 vừa qua.
Ông Wong nói: “Mối quan tâm chính của nhiều doanh nghiệp là nhân lực. Chúng tôi sẽ giải quyết tình trạng thiếu hụt trong vòng vài tháng tới.”
Tuy nhiên, trong khi việc nới lỏng các hạn chế về Covid-19 và hoạt động sinh hoạt đời thường tăng lên mang lại hi vọng lực lượng lao động nước ngoài sẽ đổ tới Singapore, thì nhiều doanh nghiệp cảnh báo nhu cầu từ người tiêu dùng tăng mạnh sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lao động và nguy cơ gia tăng chi phí tiêu dùng.
Ngân hàng Trung ương Singapore hồi cuối tháng 2 cũng cảnh báo rằng: “Thị trường lao động trong nước có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn và tạo nhiều sức ép cho việc tăng lương trong suốt cả năm nay”.
Đánh giá này được đưa ra khi các chỉ số lạm phát cơ bản của Singapore đang rơi vào mức cao nhất kể từ tháng 9/2012.
Lý do khó thuê nhân lực địa phương
Bên cạnh đó, chính phủ Singapore cũng kêu gọi các công ty thuê thêm người dân địa phương để bù đắp tình trạng thiếu hụt nhân lực hiện tại.
Bộ trưởng Nhân lực Singapore Tan See Leng cho biết “việc phụ thuộc quá nhiều vào lao động nước ngoài sẽ khiến các doanh nghiệp dễ bị gián đoạn” và do đó, các công ty có thể khai thác nguồn nhân lực sẵn có tại địa phương, đưa người lao động địa phương trở thành cốt lõi.
Trang Indian Express dẫn báo cáo nhân lực năm 2020 cho thấy, một nửa trong số 127 công ty tại Singapore tham gia khảo sát, cho biết số lượng nhân viên địa phương tại các vị trí cấp cao chiếm chưa tới 50%, và thậm chí ở nhiều công ty, con số này còn thấp hơn nữa.
Công trường xây dựng tại Singapore. Nguồn: Getty
Khi được hỏi điều gì ngăn cản các công ty này tuyển dụng một người địa phương cho những vai trò cấp cao, 89% các công ty cho biết các ứng viên thiếu kỹ năng chuyên môn cần thiết hoặc thiếu kinh nghiệm làm việc.
Đối với các vị trí đầu vào yêu cầu ít hơn 5 năm kinh nghiệm chuyên môn, 47% trong số 127 công ty cho biết họ phải thuê người nước ngoài vì ứng viên Singapore không đáp ứng được tiêu chuẩn cần thiết cho công việc.
Còn với công việc phổ thông như rửa bát, trang Asia One dẫn lời ông Lambert Chen, đồng sở hữu nhà hàng Iko Restaurant and Bar ở Singapore cho biết, công việc này vừa đòi hỏi cao lại vất vả nên “rất ít người Singapore muốn làm”.
Trong khi đó, một số người Singapore bình luận dưới bài viết của Asia One rằng: “Rửa bát là một công việc có thể sẽ không bao giờ có thể phát triển”.
Một ý kiến cho biết “không có lý do gì để làm một công việc khó khăn như thế này” với mức lương 3.500 đô la Singapore trong khi các công việc hành chính khác còn trả cao hơn và còn có thể phát triển.
Tăng cường sử dụng robot
Trong khi hiệu quả từ các biện pháp nới lỏng hạn chế đi lại và lời kêu gọi tuyển dụng thêm nhân viên địa phương còn cần thời gian để đánh giá, từ phía các doanh nghiệp và dịch vụ công, họ đã hạn chế những hệ luỵ từ việc thiếu hụt lao động bằng cách tăng “tốc áp dụng công nghệ và tự động hóa”.
Các doanh nghiệp ngày càng triển khai thêm nhiều robot để giúp thực hiện một loạt công việc, từ khảo sát địa điểm xây dựng đến quét mã sách thư viện.
Tại một công trường xây dựng ở Singapore, một robot bốn chân có tên “Spot” do công ty Boston Dynamics của Mỹ chế tạo, đang quét dọn bùn và sỏi, cũng như kiểm tra tiến độ công việc. Dữ liệu hoạt động của chiếc máy này sẽ được chuyển về cho phòng điều khiển của công ty xây dựng Gammon.
Nhiều công trường sử dụng robot để thay thế con người
Trong khi đó, Hội đồng Thư viện Quốc gia Singapore cũng đã triển khai hai robot quét mã sách tại một trong những thư viện công cộng của nước này, giúp quét mã hơn 100.000 cuốn sách. Và robot cũng đang được sử dụng cho các công việc tiếp xúc với khách hàng.
Tại hơn 30 ga tàu điện ngầm, robot pha cà phê cũng được triển khai.
Singapore có 605 robot/ 10.000 nhân viên trong ngành sản xuất, con số cao thứ hai trên toàn cầu, sau con số 932 robot của Hàn Quốc, theo báo cáo năm 2021 của Liên đoàn robot quốc tế.
Theo ông Keith Tan, giám đốc điều hành của Crown Digital, công ty chế tạo robot pha cà phê, robot đang góp phần giúp giải quyết “khó khăn lớn nhất” trong ngành thực phẩm và đồ uống đó là tạo ra một “nhân viên thay thế” mà không cần trả lương cao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận