Giao thông

Vì sao tạm dừng thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương?

30/01/2019, 18:07

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương tạm dừng thu phí từ 1/1/2019 vì hợp đồng bán quyền thu phí dự án với Công ty Yên Khánh đã kết thúc...

img
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương tạm dừng thu phí từ 1/1/2019 vì hợp đồng bán quyền thu phí dự án đã kết thúc, không liên quan đến việc khởi tố một số đối tượng của Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh

Dừng thu phí không liên quan đến việc bắt cán bộ Tập đoàn Yên Khánh

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long) cho biết, cao tốc TP.HCM - Trung Lương hoàn thành và đưa vào khai thác từ ngày 3/2/2010. Sau đó, ngày 7/2/2012, Bộ GTVT ban hành Quyết định 235 về việc triển khai thu phí đường cao tốc này và giao Tổng công ty Cửu Long tổ chức, quản lý thu phí theo các quy định của Bộ Tài chính, thời gian thu phí từ ngày 25/2/2012 đến 0h00 ngày 31/12/2013.

Doanh thu thu phí của dự án được sử dụng để hoàn trả cho đơn vị đầu tư các trạm thu phí trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và lập dự án dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Doanh thu này cũng để trả nợ khối lượng xây dựng đã hoàn thành và chi phí cho công tác quản lý bảo trì đường cao tốc; Đồng thời tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư để chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc, hoàn trả ngân sách Nhà nước kinh phí đã ứng cho dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 217 ngày 20/2/2012.

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức bán đấu giá quyền thu phí cao tốc TP. HCM - Trung Lương, trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính, ngày 3/10/2013, Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Quyết định 3051 phê duyệt giá khởi điểm để bán đấu giá tuyến cao tốc này là hơn 2.004 tỷ đồng. Đồng thời, Chính phủ quyết định thành lập hội đồng bán đấu giá gồm 3 Bộ: GTVT, Tài chính và Tư pháp, và ban hành quy chế bán đấu giá tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Đến ngày 15/11/2013, hội đồng đấu giá tổ chức bán đấu giá và Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (nay là Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh) là đơn vị trúng đấu giá quyền thu phí dự án với thời hạn 5 năm (kể từ ngày 0 giờ 00 phút ngày 1/11/2014 đến 0 giờ 00 phút ngày 1/11/2019) đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương giai đoạn 1 với mức giá hơn 2.004 tỷ đồng. Hội đồng bán đấu đã trình và được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 3743 ngày 20/11/2013.

Căn cứ quyết định phê duyệt kết quả đấu giá, Tổng công ty Cửu Long đã triển khai ký hợp đồng với Công ty Yên Khánh theo quy định. Thời hạn hợp đồng bán quyền thu phí đường cao tốc TP HCM - Trung Lương kết thúc vào 0 giờ 00 ngày 1/1/2019.

“Như vậy, việc tạm dừng thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương kể từ ngày 1/1/2019 là do kết thúc hợp đồng bán quyền thu phí tuyến đường này giữa Bộ GTVT với Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh”, lãnh đạo Tổng công ty Cửu Long cho biết.

Lý giải thêm, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, việc bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương trong giai đoạn 2014-2018 được thực hiện theo hình thức đấu giá do Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính triển khai, đơn vị trúng thầu đấu giá là Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh. Giá trị bán quyền thu phí là hơn 2.004 tỷ đồng được nộp vào ngân sách Nhà nước.

“Việc thu phí trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương hiện nay tạm dừng do đã kết thúc hợp đồng bán quyền thu phí với Công ty Yên Khánh”, ông Cường nói.

Trả lời Báo Giao thông về việc thời gian qua, cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt một số cán bộ của Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh vì che giấu doanh số thu phí, trốn thuế, dư luận cho rằng đây là nguyên nhân của việc dừng thu phí, ông Cường nói: “Hợp đồng bán quyền thu phí quy định Công ty Yên Khánh mua quyền thu phí với số tiền hơn 2.004 tỷ đồng và được khai thác trong thời gian 5 năm kể từ ngày 1/1/2014 đến 31/12/2018. Việc dừng thu phí vào 0h 00 phút ngày 1/1/2019 được thực hiện theo quy định tại hợp đồng bán quyền thu phí. Việc cơ quan cảnh sát điều tra bắt một số cán bộ thuộc Tập đoàn Yên Khánh vì che giấu doanh số thu phí, trốn thuế không liên quan đến việc dừng thu phí theo hợp đồng bán quyền thu phí trên".

Gần 10 năm chưa được trung tu

Theo thông tin của Báo Giao thông, trước đây, để chuẩn bị cho phương án triển khai sau kết thúc hợp đồng bán quyền thu phí, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Chính phủ về các phương án triển khai. Tuy nhiên, Chính phủ chưa có chỉ đạo phương án khai thác tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương sau khi kết thúc hợp đồng mua bán quyền thu phí, do đó, Bộ GTVT đã ban hành văn bản báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ GTVT tạm dừng các hoạt động các trạm thu phí trên đường cao tốc này kể từ ngày kết thúc hợp đồng mua bán quyền thu phí.

Được biết, kể từ 0 giờ 00 ngày 1/1/2019, sau khi cao tốc TP.HCM - Trung Lương tạm dừng thu phí, Cục QLĐB IV (Tổng cục Đường bộ VN), Tổng công ty Cửu Long và Công ty Yên Khánh đã phối hợp tiếp nhận, bàn giao tài sản, lao động theo chỉ đạo của Bộ GTVT tại Văn bản số 14583 ngày 25/12/2018.

Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục QLĐB IV cho biết, từ ngày tạm dừng thu phí trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương lượng phương tiện lưu thông vào tuyến đường này tăng đột biến. Cụ thể, tại trạm Chợ Đệm, ghi nhận có 50.571 xe/ngày đêm (tăng lên 31% so với lúc còn thu phí), trong đó hướng TP.HCM - Trung Lương là 24.079 xe/ngày đêm, hướng Trung Lương - TP.HCM là 26.492 xe/ngày đêm. Tại trạm Thân Cửu Nghĩa (Tiền Giang), tổng số phương tiện ghi nhận được là 47.365 xe/ngày đêm (tăng lên 30,5% so với lúc còn thu phí), trong đó hướng TP.HCM - Trung Lương là 24.032 xe/ngày đêm, hướng Trung Lương - TP HCM là 23.333 xe/ngày đêm. Lượng xe tăng đột biến khiến tốc độ lưu thông trung bình hiện tại chỉ đạt từ 60km - 70 km/h thay vì 120km/h so với trước.

Theo ông Thành, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương được đưa vào khai thác từ năm 2010 đến nay đã được gần 10 năm nhưng chưa được trung tu. Dù công tác bảo dưỡng thường xuyên, bảo trì được thực hiện đúng theo quy định nhưng vẫn có nhiều đoạn mặt đường hư hỏng, lớp tạo nhám không đáp ứng được yêu cầu. Hệ thống chiếu sáng, hệ thống báo hiệu,… một số nơi đã bị hư hỏng cần phải được sửa chữa đảm bảo yêu cầu khai thác, đảm bảo ATGT. Cục QLĐB IV đã có đề xuất duy tu cao tốc TP.HCM - Trung Lương trong năm 2019 với nguồn kinh phí 109 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là sửa chữa thường xuyên, sửa chữa định kỳ, thi công lớp tạo nhám tuyến chính, duy tu hệ thống ITS… Nguồn kinh phí được đề xuất lấy từ ngân sách Nhà nước, vì hiện nay đang tạm dừng thu phí.

Chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mới thu phí trở lại

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cho biết, hiện nay, Bộ GTVT đang chờ Tổng cục Đường bộ VN đề xuất các phương án khai thác đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Cường - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, cao tốc này hiện được đầu tư sửa chữa để đảm bảo an toàn giao thông cho phương tiện lưu thông trên tuyến và đang trong quá trình xin ý kiến Chính phủ về cơ chế khai thác sau khi kết thúc thời gian bán quyền thu phí.

“Phương án khai thác tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang được Tổng cục Đường bộ VN nghiên cứu, xây dựng, báo cáo Bộ GTVT trình Chính phủ quyết định”, ông Cường cho biết.

Liên quan đến việc tuyến cao tốc TP.HCM có thu phí trở lại hay không, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ GTVT phối hợp với các Bộ Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư xây dựng phương án khai thác sau khi bán quyền thu phí. “Tổng cục Đường bộ VN đang xây dựng phương án khai thác tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương trình Bộ GTVT phê duyệt, còn việc có thu phí hay không và thời điểm khi nào bắt đầu thu phí trở lại phải chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Cường nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.