Pháp luật

Vì sao TAND Hà Nội trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ ông Lê Thanh Thản?

10/08/2023, 11:47
image

Hội đồng xét xử đề nghị điều tra bổ sung vụ lừa dối khách hàng liên quan ông Lê Thanh Thản, lý do là một số vấn đề chưa thể làm rõ được tại tòa.

Đại gia tiếp tục hứa làm thủ tục cấp sổ đỏ

Sáng 10/8, sau hơn nửa giờ xét hỏi ông Lê Thanh Thản (73 tuổi), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Bemes và một số bị hại tại phiên xử vụ lừa dối khách hàng, Hội đồng xét xử TAND Hà Nội bất ngờ tuyên bố trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

"Do một số vấn đề chưa thể làm rõ được tại tòa, HĐXX đề nghị điều tra bổ sung", chủ tọa cho biết và đề nghị những người liên quan tiếp tục cung cấp chứng cứ cho cơ quan tố tụng để phục vụ quá trình điều tra bổ sung.

img

Ông Lê Thanh Thản hiện được tại ngoại.

Theo cáo buộc, ông Thản đã chỉ đạo xây dựng trái phép một tòa nhà và nhiều căn hộ tại CT6 Kiến Hưng, quận Hà Đông. Sau đó, bị cáo chỉ đạo quảng cáo, đưa thông tin gian dối về tính pháp lý của dự án. Từ đó, các căn hộ được bán với giá rẻ hơn dự án khác nên sau thời gian ngắn, Công ty Bemes đã bán hết. Kết quả, ông Thản bán được 488 căn hộ, thu lời bất chính trên 480 tỷ đồng.

Khai tại tòa, bị cáo 73 tuổi nói ông là người chịu trách nhiệm chính, điều hành các hoạt động kinh doanh, xây dựng tại Công ty Bemes. Năm 2010, doanh nghiệp bắt đầu triển khai xây dựng dự án tổ hợp chung cư cao cấp Bemes ở Hà Đông. Khoảng hai năm sau đó, công trình hoàn thành.

Theo ông Thản, về quy hoạch công trình triển khai đúng ba lock gồm C1, C2, C3. Trong đó, lock hai là khách sạn, văn phòng cho thuê. Thời điểm đó, bị cáo và công ty nghĩ không làm được khách sạn, nên họ đề nghị UBND TP Hà Nội cho phép chuyển công năng sang xây căn hộ.

"Sau đó, công ty bắt tay xây dựng ngay mà không làm các thủ tục tiếp theo, nên dẫn đến sai phạm, chứ không phải sai về quy hoạch và công năng", ông Thản trình bày và cho rằng kết cấu tòa nhà theo quy hoạch là đúng. Còn diện tích xây dựng và số tầng xây dựng, bị cáo không còn nhớ.

Thi công xong phần móng, Công ty Bemes triển khai ký hợp đồng chuyển nhượng với khách hàng. Sau ba lần giao dịch, doanh nghiệp bàn giao nhà cho cư dân. Bị cáo khai quá trình chuyển nhượng, công ty đã khẳng định làm được tất cả các thủ tục, dù chưa được phê duyệt.

"Hiện nay, chủ đầu tư tiếp tục đề nghị TP Hà Nội chấp thuận, cấp sổ đỏ cho cư dân. Đó cũng là mong muốn duy nhất của chúng tôi", ông Thản nói trước tòa.

>> Video bị cáo Lê Thanh Thản trả lời tại tòa:

Về cáo buộc thu lời bất chính hơn 481 tỷ đồng, ông Thản cho rằng điều này chưa hợp lý lắm. Bị cáo lý giải công ty đã nộp 60 tỷ đồng tiền sử dụng đất, 60 tỷ đồng tiền hóa đơn cùng 50 tỷ đồng mua dự án. Đó là chưa nói đến việc doanh nghiệp bỏ vật liệu ra để xây dựng. Bị cáo đề nghị HĐXX xem xét tình tiết này.

Khi chủ tọa hỏi phương án giải quyết, ông Thản nói hiện nay, phía bị cáo đã thỏa thuận thanh toán tiền cho 13 hộ dân dựa trên hợp đồng chuyển nhượng. Doanh nghiệp đang cố gắng tiếp tục khắc phục bằng cách đề nghị chính quyền Hà Nội giữ lại các căn hộ, còn công ty sẽ đàm phán các thủ tục tiếp theo.

Người mua nhà kêu khổ sở suốt 10 năm

Sau phần trả lời của ông Thản, chủ tọa thẩm vấn một số bị hại. Chị Đinh Thị N (ở tòa CT6C) kể lại khi lên văn phòng giao dịch để ký hợp đồng, chị được giới thiệu về tòa nhà. Về pháp lý, lúc đó chủ đầu tư nói và ghi trong hợp đồng là khi bàn giao nhà xong, chủ đầu tư sẽ hỗ trợ làm thủ tục cấp sổ đỏ.

Tuy nhiên, khi người dân đi đề nghị cấp sổ, thì phía Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lại trả lời rằng, do tòa nhà xây dựng sai phạm nên không được cấp sổ.

"Tôi thấy bị cáo đã gây ra cho chúng tôi rất nhiều khó khăn. Mua nhà hơn 10 năm mà không được xác nhận quyền sở hữu tài sản, chúng tôi không thể đăng ký hộ khẩu, làm khai sinh cho con cái", chị N trình bày.

img

Sáu bị cáo còn lại gồm các cựu cán bộ thuộc quận Hà Đông.

Cũng theo nữ bị hại, từ năm 2011 đến nay, họ không thể mua căn hộ khác để đảm bảo cuộc sống. Cư dân còn bỏ công sức ra để đi đòi quyền lợi trong suốt 10 năm qua mà không có kết quả, đó chính là thiệt hại.

"Tôi đề nghị HĐXX xem xét giải quyết vấn đề dân sự ngay trong phiên tòa này, không tách ra vụ việc khác để chúng tôi không phải đi khiếu kiện thêm một lần nữa", chị N kiến nghị và đề nghị được bồi thường theo giá trị căn hộ thực tế hiện tại.

Trường hợp các yêu cầu của bị hại không được phía bị cáo giải quyết, chị N mong tòa sơ thẩm xem xét tình tiết tăng nặng đối với bị cáo. Về phần mình, chị N muốn được bồi thường theo giá trị căn hộ mà thị trường khu vực đó quy định hiện tại, tức khoảng hơn 25 triệu đồng/m2. Ngoài ra, bị hại còn đề nghị bồi thường chi phí làm nội thất và tổn thất tinh thần.

Khác với chị N, một cư dân đề nghị bị cáo bồi thường ở mức giá khác cao hơn, ở mức 34 triệu đồng/m2. Người này cho rằng tòa CT6C ở vị trí thuộc quận Hà Đông, đẹp hơn các tòa khác, nên phải bồi thường mức giá cao hơn.

Còn một người mua lại nhà tại CT6C cho biết, năm 2017, ông ta mua lại căn hộ tại CT6C Kiến Hưng với giá hơn một tỷ đồng. Tại tòa, bị hại này đề nghị bị cáo bồi thường số tiền ông đã nhận chuyển nhượng nhà.

Trước những đề nghị trên, chủ tọa đề nghị ông Thản nêu quan điểm. Đứng trước tòa, vị "đại gia điếu cày" hứa hẹn sẽ tiếp tục thỏa thuận, đàm phán với cư dân mức bồi thường hợp tình, hợp lý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.