Người sống với lương hưu hiện nay còn nhiều khó khăn
Tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sáng nay (29/6), trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề cải cách tiền lương, ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội lý giải về việc tại sao tăng lương cơ sở 30%, lương hưu chỉ tăng 15%.
Ông Phong chia sẻ, vấn đề này ông cũng được nhiều người hưu trí điện hỏi nhiều. Những lần điều chỉnh lương trước, đối với lương hưu đã có phần điều chỉnh. Nhất là tăng các chỉ số CPI hàng năm, đã tăng rất nhiều lần đối với người hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.
Nếu tăng lương hưu đợt này chỉ tăng 11,5% sẽ ngang bằng như 30% như cán bộ công chức, nhưng do khó khăn, năm nay chuẩn bị lương lên thì giá sẽ lên nữa. Nên, Ban chỉ đạo cải cách tiền lương đã cân nhắc rất nhiều và xác định chuyển từ 11,5% lên 15,5%. Có bước cao hơn một chút chuẩn bị cho cuối năm sắp tới.
"Chính vì thế, lương của người hưởng lương hưu tăng 15% nhưng thực tế, cộng lại từ tăng chỉ số CPI cộng dồn các năm qua thì trên 30% so với cán bộ, công chức", ông Phong nói.
Theo ông Phong, còn cán bộ, công chức chúng ta thấy 3-4 lần thực hiện đề án này nhưng chưa thực hiện được. Tới giờ phút này cần phải tăng đồng bộ là 30%.
"Đây là quan điểm hết sức nhân văn, rất ưu tiên cho các cụ về hưu. Bởi, người sống với lương hưu hiện nay còn nhiều khó khăn", ông Phong nói.
Về cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27, ông Phong cho biết, đã làm rất toàn diện nhưng đã ba lần lùi, tới nay cũng chưa hoàn thành các nhiệm vụ đưa ra trong Nghị quyết 27. Về lộ trình, chúng ta làm thận trọng, chắc chắn, hiệu quả, Nghị quyết Quốc hội đã nêu rõ.
"Có người khi cải cách tiền lương thì phụ cấp lại thấp đi"
Nêu lý do vì sao lộ trình cải cách tiền lương kéo dài, ông Phong nói: "Thể chế Nghị quyết 27, Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương đã họp hàng chục cuộc, 4 nội dung thực hiện được còn 2 nội dung chưa thực hiện được cũng có lý do".
Đối với bảng lương mới ở cơ sở, chúng ta xác định vị trí việc làm và minh chứng từng vị trí việc làm để trên cơ sở đó xác định, tinh giản biên chế như thế nào, mức lương từ vị trí thế nào cho thích hợp?
"Quá trình thực hiện, cả một quá trình cải cách dài, việc xác định vị trí việc làm chưa đồng bộ. Hiện nay, còn tích hợp ở các bộ, ngành, từng địa phương về với nhau và chưa có sự thống nhất tương đối với nhau giữa các bộ, ngành, địa phương mặc dù chung một lĩnh vực", ông Phong cho hay.
Ông Đặng Thuần Phong cho biết, hiện nay đối với các đơn vị sự nghiệp công lập lực lượng rất lớn nhưng mà tự chủ toàn phần (cả chi thường xuyên và đầu tư) rất thấp. Tự chủ trong chi thường xuyên tổng cộng gom lại thì chưa được 30%, còn không tự chủ được ngân sách Nhà nước phải xử lý trên 70%.
"Nếu không giải quyết được bài toán vị trí việc làm ở các đơn vị sự nghiệp công lập và những cơ chế để giải quyết cũng không biết tính nguồn lực thế nào để xử lý đối với vấn đề này", ông Phong nói và cho biết Ban chỉ đạo đã trình, cho phép Chính phủ rà soát thật kỹ tính toán thật kỹ.
Sắp tới chắc chắn Chính phủ sẽ rà soát tổng thể xem tất cả các bảng lương ở từng lĩnh vực liên quan để có sự thống nhất quản lý Nhà nước về tiền lương. Trên cơ sở đó, tính toán nguồn lực và các giải pháp thực thi mang lại hiệu quả.
Vấn đề tiếp theo ông Phong cho biết, chế độ phụ cấp còn vướng mắc, trước đây phụ cấp chiếm 40%, đến nay rút xuống 30%.
"Nếu xử lý không đồng bộ thì dẫn đến thiệt thòi. Ở vùng sâu vùng xa trước đây có phụ cấp này, bây giờ bỏ phụ cấp thì sẽ nhận mức lương thấp. Có người khi cải cách tiền lương thì phụ cấp lại thấp đi, không khuyến khích được nhân tài, nỗ lực của người lao động ở cán bộ, công chức và đơn vị sự nghiệp", ông Phong nói.
Đồng thời, ông Phong cho biết thêm, tính toàn 10% quỹ khen thưởng cũng khác đi so với Luật Thi đua khen thưởng, từ đó có nguồn động viên cho vướng cơ quan đơn vị khi thực hiện cải cách tiền lương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận