Tập đoàn HNA của Trung Quốc đang xúc tiến mua lại sân bay Nikola Tesla tại Belgrade, Serbia |
Mặc dù chính quyền Bắc Kinh đang thắt chặt các hoạt động chuyển nhượng mua bán tài sản ở nước ngoài, nhưng Tập đoàn HNA của Trung Quốc vẫn được tạo điều kiện xúc tiến thực hiện các vụ chuyển nhượng quyền khai thác hàng loạt sân bay ở nước ngoài một cách thông suốt. Lý do vì sao?
Tích cực mua lại, đấu thầu chuyển nhượng
Trung tuần tháng 8 vừa rồi, Tập đoàn HNA dẫn đầu một nhóm các tập đoàn bao gồm Tập đoàn CP quốc tế AVIC và Quỹ Hợp tác đầu tư Đông Âu, miền Trung Trung Quốc cùng nhau thực hiện hợp đồng chuyển nhượng khai thác trong thời hạn 25 năm với sân bay Nikola Tesla, nằm tại Belgrade, Serbia. Đây là sân bay lớn nhất khu vực Balkan.
Vòng đấu thầu tiếp theo của thỏa thuận này tại Serbia dự kiến diễn ra vào tháng 10 - Phó chủ tịch Tập đoàn Sân bay thuộc HNA, ông Wang Hexin cho biết. Theo Reuters, giá trị dự án đấu thầu này khoảng 400 triệu euro (tương đương 446 triệu USD). Chính phủ Serbia đang nắm giữ 83,1% cổ phần tại phi trường Nikola Tesla, dự kiến sẽ công bố giá trị hợp đồng chuyển nhượng khi 5 nhà thầu tiềm năng chính thức được công bố.
Đây không phải lần đầu HNA hào hứng tham gia đấu thầu chuyển nhượng hạ tầng sân bay. Chỉ cách thời điểm thông báo trên vài ngày, HNA cho biết họ vừa kết thúc hoạt động thu mua 82,5% cổ phần tại sân bay Hahn của Đức với số tiền 15,1 triệu euro (tương đương 17,8 triệu USD) từ chính quyền bang Rhineland-Palatinate, chủ sở hữu sân bay này. Trong đó, HNA nhận khoản trợ cấp trị giá 70 triệu euro để thực hiện các giao dịch, trong đó có tới 25,3 triệu euro từ Ủy ban châu Âu - ông Wang cho biết.
Từ giữa tháng 7, HNA thông báo một thỏa thuận 19 triệu USD để mua cổ phần tại sân bay quốc tế Rio de Janeiro từ Odebrecht SA - Tập đoàn Brasil đang lao đao vì bê bối tham nhũng. Ông Wang cho biết, HNA có thể sẽ đầu tư thêm 300-500 triệu USD cho dự án mở rộng cảng hàng không sân bay quan trọng này.
Nằm trong chiến lược “Một vành đai, một con đường”
Các thỏa thuận mua lại cổ phần sân bay trên được thực hiện trong bối cảnh Bắc Kinh đang thắt chặt hoạt động mua bán tài sản ở nước ngoài và vay tiền ngân hàng để thực hiện các giao dịch này đối với các công ty Trung Quốc. Từ tháng 6 vừa rồi, các nhà lập pháp Trung Quốc đã tăng cường áp lực lên các dự án thu mua tài sản ở nước ngoài, trong đó Bắc Kinh áp đặt kiểm soát vốn từ cuối năm ngoái. Các công ty đầu tư lớn như HNA, Tập đoàn Dalian Wanda và Tập đoàn Bảo hiểm Anbang đều bị đánh giá rủi ro chặt chẽ trước khi thực hiện bất cứ giao dịch mua bán nào.
Tuy nhiên, trong bối cảnh này, HNA vẫn xúc tiến các hoạt động bình thường, thậm chí là tích cực hơn. Bởi, dự án HNA thực hiện nằm trong các hạng mục được chính quyền Bắc Kinh hậu thuẫn do liên quan tới tham vọng “Một vành đai, một con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo Reuters, thực chất có ít nhất 2 thỏa thuận nước ngoài của HNA bị ảnh hưởng vì chính sách thắt chặt nói trên của Trung Quốc. Nhưng 2 thỏa thuận này không liên quan tới “Một vành đai, một con đường” của Chính phủ. Một trong số đó là dự án mua lại Sàn giao dịch Tiền tệ quốc tế có trụ sở tại London với khoản đầu tư khoảng 200 triệu bảng (264,36 triệu USD).
Theo một nguồn thân cận với cơ quan cố vấn của Chính phủ, HNA sẽ ưu tiên đầu tư vào các ngành công nghiệp và các khu vực địa lý nằm trong dự án “Một vành đai, một con đường”. Bản thân ông Wang Hexin nhận định: Hoạt động thu mua cổ phần của các sân bay trên khắp thế giới của HNA không chỉ đơn giản là chớp thời cơ kinh doanh mà đang “tích cực hiện thực hóa ý tưởng “Một vành đai, một con đường” của Chính phủ Bắc Kinh qua việc xây dựng và đầu tư các sân bay ở hải ngoại”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận