Xã hội

Vì sao TGĐ Sông Đà thản nhiên nói “tôi chỉ là tổng giám đốc làm thuê”?

22/10/2019, 11:17

Phát ngôn "tôi chỉ là Tổng giám đốc làm thuê" của TGĐ công ty Sông Đà trước báo chí sau vụ nước sạch bị nhiễm hóa chất vẫn gây xôn xao dư luận.

img
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, đoàn Luật sư Tp. Hà Nội (áo xanh)

Tại buổi tọa đàm "Thị trường hoá dịch vụ công nhìn từ khủng hoảng nước sạch sông Đà" diễn ra tại Hà Nội chiều 21/10, luật sư Nguyễn Tiến Lập, đoàn Luật sư Tp. Hà Nội cho rằng, việc thiếu hành lang pháp lý đối với lĩnh vực dịch vụ công khiến quyền lợi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

"Hiện nay, người dân không được quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ công, đặc biệt trong lĩnh vực nước sạch. Do hiện trạng này, nhà cung cấp nước chịu trách nhiệm với sức khỏe, tính mạng của hơn 1 triệu dân mới có thể ngang nhiên tuyên bố “tôi chỉ là người làm thuê”, luật sư Lập nói.

Tại buổi tọa đàm, rất nhiều phóng viên đặt câu hỏi với nội dung: Trong trường hợp công ty nước sạch sông Đà cung cấp nước cho người dân có lẫn tạp chất dầu thải, có cơ chế nào về mặt pháp lý bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng hay không?

Trả lời câu hỏi này, luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng, về vấn đề môi trường, vụ việc lại không xảy ra tại Hà Nội mà xảy ra ở khu vực thượng nguồn nước trên Hòa Bình và thực tế vụ việc có liên quan đến 3 đối tượng vừa bị bắt giữ vì hành vi đổ trộm dầu thải.

Hiện, Công an đã khởi tố về vấn đề môi trường với vụ việc này, tuy nhiên xét về góc độ quản trị đô thị của chính quyền Hà Nội, thì đó là vấn đề xử lý khủng hoảng chậm.

Về vấn đề pháp luật bảo vệ người dân, liệu có ai trong những người bị ảnh hưởng bởi sự cố nước sông Đà kiểm tra lại hợp đồng mua nước của mình và tìm trong hợp đồng có điều khoản nào về việc bảo vệ người dân trong tình huống vừa rồi không?

“Thực tế, dựa vào hợp đồng, người dân khó kiện công ty cấp nước. Tuy nhiên, theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng thì không cần căn cứ theo hợp đồng, miễn là người tiêu dùng sản phẩm nào đó gây hại thì người dân có thể kiện”, luật sư Lập nhấn mạnh.

img
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, đoàn Luật sư Tp. Hà Nội cho rằng, người dân bị ảnh hưởng hoàn toàn có thể khởi kiện Công ty nước sạch sông Đà.

Ông Lập còn cho biết, chúng ta còn có luật về bảo vệ sức khỏe của nhân dân, theo đó quy trách nhiệm cho Nhà nước.

Luật này được ban hành từ năm 1989 và rất giống với hiến pháp về sức khỏe nhân dân. Trong đó, tất cả các ngành, các cấp, các cơ quan, các bên đều phải có trách nhiệm chăm lo bảo vệ sức khỏe của người dân. “Liên quan đến nước có Điều 8 nói rằng, đã cung cấp nước cho nhân dân thì phải cung cấp nước vệ sinh, nếu không sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Lập nói.

Luật sư Lập cho rằng, căn cứ là như vậy nhưng trong vụ việc này người dân muốn kiện thì cần phải chứng minh được thiệt hại về vật chất, tinh thần mà sự cố nước sạch có chứa dầu thải đã gây ra, trong sự này người dân có thể kiện nhưng là rất khó.

“Liệu có ai đứng ra kiện hay không? Hàng chục nghìn người đi kiện thì chắc chắn sẽ là rất khó”, Luật sư Lập cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.