Ngay trong cùng ngày, Tổng thống Mỹ, Tổng thống Nga, Thủ tướng Ấn Độ và nhiều nhà lãnh đạo đã gửi điện chia buồn với gia đình cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo sau khi ông qua đời do bị tấn công.
Trong thư, rất nhiều lãnh đạo đều gọi ông Abe "một nhà lãnh đạo xuất sắc” và là “một người bạn tuyệt vời”. Hơn thế nữa, hai nước Ấn Độ và Brazil đã quyết định cử hành quốc tang để bày tỏ sự kính trọng với ông Abe.
Một vị lãnh đạo mẫu mực, có trách nhiệm, gần gũi
Trao đổi với Báo Giao thông về nguyên do các nước có cử chỉ đặc biệt dành cho một cựu Thủ tướng Nhật như vậy, Tiến sĩ Quan hệ Quốc tế Kim Nguyên Bảo cho biết: “trong mắt các chính khách và giới nghiên cứu, ông Abe là một hình ảnh mẫu mực về nỗ lực chống lại chính trị cường quyền và ủng hộ chủ nghĩa đa phương”.
Cựu Thủ tướng Abe (đứng giữa, hàng đầu) cùng các lãnh đạo thế giới mặc trang phục truyền thống Việt Nam tại hội nghị APEC tổ chức ở Hà Nội ngày 19/11/2006.
Theo anh Kim Nguyên Bảo, dù quan điểm dân tộc với khát vọng đưa nước Nhật ra khỏi những khuôn khổ truyền thống bị áp đặt từ sau Thế chiến II và đảm bảo vai trò của Tokyo trước sự trỗi dậy của các thế lực khác ở châu Á – Thái Bình Dương là một động cơ quan trọng, nhưng cách thức để đạt được điều đó và nhận được sự đón nhận tích cực từ các quốc gia trong khu vực, nhất là những nước dễ bị tổn thương bởi chính trị cường quyền cho thấy ông Abe đã nhận được sự ủng hộ lớn.
Bên cạnh đó, phải nói đến ông Abe có sự quan tâm chân thành, có trách nhiệm với các nước đang phát triển nên tôi nghĩ việc Brazil, Ấn Độ thậm chí còn để quốc tang và nhiều quốc gia khác để dành những mỹ từ cho sự cống hiến của ông là chuyện không khó hiểu.
Về cá nhân, ông Abe được biết đến là người say mê công việc, có lý tưởng rõ ràng, phong cách gần gũi giản dị dù xuất thân từ một gia đình chính trị tinh hoa.
Thủ tướng Narenda Modi mô tả cựu Thủ tướng quá cố Abe Shinzo là một trong những người bạn thân nhất, chính khách có tầm, nhà lãnh đạo xuất sắc và nhà quản trị phi thường. Ảnh - Reuters
Ngay cả khi công du Việt Nam, khi ông ra đường, xuống phố, thăm Hội An… đều cho thấy sự chân thành, sự kế thừa truyền thống nhưng đã hiện đại hoá phong cách Nhật Bản trong phát ngôn, ứng xử.
Về đối nội, nỗ lực hiện đại hoá sức mạnh quân sự của ông Abe có thể bị phản đối do ám ảnh chiến tranh của người Nhật, nhưng đóng góp của ông với việc vực lại kinh tế - xã hội sau khủng hoảng và động đất, sóng thần, giải phóng vai trò của phụ nữ và đặc biệt là sự quan tâm với cộng đồng người nước ngoài, nhất là hàng trăm ngàn người Việt Nam ở Nhật là hết sức to lớn.
Những giá trị ông Abe Shinzo để lại cho thế giới
Tiến sĩ Kim Nguyên Bảo cho rằng: “Để tổng kết và dự báo chính sách thì còn phải xem chúng ta chọn cấp độ phân tích nào trong quan hệ quốc tế (cá nhân, quốc gia hay hệ thống). Nhưng có một điều tôi có thể khẳng định là di sản của ông Abe rất đồ sộ và có tầm nhìn dài hạn để các lãnh đạo tiếp theo kế tục, phát triển”.
Theo anh, học thuyết An ninh - đối ngoại Kiềng ba chân mà ông Abe đề xuất từ những năm 2006 đến nay vẫn còn nguyên giá trị xuất phát từ viễn kiến chiến lược của một nhà lãnh đạo xuất sắc lẫn tình hình thực tế của chính trị toàn cầu.
Tiến Sĩ Quan hệ Quốc tế Kim Nguyên Bảo. Ảnh - Nhân vật cung cấp
Nhìn từ cấp độ hệ thống quốc tế, dù có những biến động nhất định đối với trật tự châu Âu do chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, nhưng sân khấu chính trị thế giới đến giữa thế kỷ này vẫn là châu Á – Thái Bình Dương.
Tại đây, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc sẽ là hình thái cơ bản chi phối nhận thức và quá trình hoạch định chính sách của các nước, và ngay sau đó là các tầng quyền lực của các cường quốc như Nga hay Nhật Bản.
Không có trật tự nào làm thoả mãn mọi cường quốc, và ông Abe không chấp nhận Nhật Bản là một điểm nhạt trong phân tầng quyền lực ở châu Á – Thái Bình Dương, nhất là Đông Á, địa vị của Nhật Bản không thể bị thay thế trong tư duy của ông Abe.
Nỗ lực củng cố địa vị của Nhật Bản thông qua ba chân kiềng: (i) liên minh chặt chẽ với Mỹ, (ii) chủ nghĩa đa phương và coi trọng vai trò của luật pháp quốc tế, (iii) ưu tiên quan hệ đặc biệt với ASEAN, trong đó có Việt Nam mà Thủ tướng Abe theo đuổi từ những năm 2006 sẽ vẫn là những định hướng lớn cho các Thủ tướng tiếp theo, dù thuộc đảng phải nào vì đó là lợi ích của Nhật Bản.
Và trong số những thế cuộc mà các nước lớn muốn định hình, đa cực – đa nguyên trong quyền lực quốc tế vẫn là hình thái ít rủi ro nhất với các nước vừa và nhỏ.
Riêng với ASEAN, 5 năm nguyên tắc lớn mà Thủ tướng Abe công bố trong chuyến công du Đông Nam Á đầu nhiệm kỳ 2 đến nay vẫn còn nguyên giá trị và định hướng vững chắc quan hệ Nhật Bản - ASEAN phát triển trong thời gian tới.
Ông Abe Shinzo chụp ảnh cùng các lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Nhật Bản lần thứ 21 tổ chức tại Singapore năm 2018. Ảnh - VGP
Nhật Bản cùng các quốc gia thành viên ASEAN bảo vệ và thúc đẩy các giá trị phổ quát, như tự do, dân chủ và các quyền cơ bản của con người; đảm bảo hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN rằng các vùng biển tự do và mở là tài sản chung quan trọng nhất, được điều chỉnh bởi luật và quy tắc chứ không phải bằng vũ lực; thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư, bao gồm các luồng hàng hóa, tiền tệ, con người và dịch vụ, thông qua các mạng lưới quan hệ đối tác kinh tế vì sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản và sự thịnh vượng của cả Nhật Bản và các nước thành viên ASEAN; bảo vệ và nuôi dưỡng các di sản và truyền thống văn hóa đa dạng của châu Á.
Và cuối cùng là thúc đẩy giao lưu giữa các thế hệ trẻ Nhật Bản và ASEAN để tăng cường hiểu biết lẫn nhau.
Anh Bảo chia sẻ: "Mấy hôm nay, nhiều bạn trẻ Việt Nam bày tỏ trên trang cá nhân sự biết ơn và tiếc thương ông Abe bởi chính ông đã đề ra sáng kiến Giao lưu thanh niên châu Á - Nhật Bản JENESY và JENESYS 2.0, đưa hàng ngàn bạn trẻ đến Nhật học hỏi, tham quan, trong đó có Việt Nam, kể cả tôi".
"Ngay cả khi ông đã qua đời, một châu Á – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cân bằng quyền lực để tránh tối đa những nguy cơ xung đột và “bóng ma” an ninh truyền thống sẽ vẫn có đóng góp rất hiệu quả và đầy cảm hứng trong quá trình phụng sự không mệt mỏi của ông Abe Shinzo" - Tiến sĩ Bảo nhấn mạnh.
Toàn cảnh sự việc cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo bị ám sát gây chấn động thế giới:
>> Thông tin ban đầu về vụ xả súng
>> Toàn cảnh bắt giữ nghi phạm ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo
>> Vụ ám sát ông Abe là trường hợp tấn công bằng súng hiếm hoi tại Nhật Bản
>> Dấu ấn 4 lần thăm Việt Nam của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận