"Miếng bánh" cho doanh nghiệp Việt bị thu hẹp
Báo cáo từ Tổng cục Hải quan cho thấy, ngay từ tháng 1, cả nước nhập khẩu 1,49 triệu tấn sắt thép, tương đương gần 1,06 tỷ USD, tăng 151,2% về khối lượng, tăng 101,6% về kim ngạch so với tháng 1/2023.
Trung Quốc đứng đầu về thị trường cung cấp sắt thép cho Việt Nam, chiếm 67,6% trong tổng lượng và chiếm 60% trong tổng kim ngạch, đạt gần 1,01 triệu tấn, tăng 25,7% về lượng, tăng 24% về kim ngạch so với tháng 12/2023.
Điều đáng nói, so với tháng 1/2023 thì tăng 376,4% về lượng, tăng 247% về kim ngạch nhưng giảm 27,2% về giá.
Điều này khiến nhiều doanh nghiệp thép Việt lo lắng khi công suất sản xuất ngành thép Việt Nam đang xoay quanh mức 29-30 triệu tấn/năm, vượt nhu cầu sử dụng trong nước.
Năm 2022, nhập khẩu thép thành phẩm từ Trung Quốc đạt hơn 5 triệu tấn, còn năm 2023 lên 8,2 triệu tấn.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Thép Việt, nguyên nhân nhập khẩu tăng cao từ thị trường này là do có giá rẻ hơn các thị trường khác nhờ lợi thế từ thuế.
Hiện, gần như các sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam đều có thuế nhập khẩu bằng 0% (trừ thép cốt bê tông).
Còn Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, thời gian qua, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản thậm chí "đóng băng" khiến nhu cầu tiêu thụ sắt thép yếu.
Trong khi đó, mỗi ngày nước này sản xuất tới vài triệu tấn thép - bằng sản lượng cả tháng của ngành thép Việt Nam, vì thế họ đẩy mạnh xuất khẩu bằng nhiều cách, gây áp lực lên nhiều nước nhập khẩu, không chỉ riêng Việt Nam.
Với thực trạng nhập khẩu thép tăng cao vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp lo lắng "miếng bánh" thị trường nội địa thu hẹp.
Cần gia tăng các giải pháp phòng vệ thương mại?
Theo đại diện Công ty Cổ phần Thép Việt, ngoài việc thuế nhập khẩu gần như bằng 0% từ mức 15%, 20%, 25% tùy loại, một trong những lý do quan trọng khác khiến thép Trung Quốc ùn ùn vào Việt Nam là hàng rào kỹ thuật trong việc nhập thép bị bãi bỏ.
Tại Việt Nam, trước đây, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015, để được thông quan, thép nhập khẩu phải được kiểm định chất lượng tại tổ chức kiểm định được chỉ định, sau đó doanh nghiệp phải đem giấy kiểm định qua cơ quan tiêu chuẩn đo lường chất lượng để được cấp thông báo kết quả đạt chất lượng.
Tuy nhiên, ngày 21/9/2017, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 18/2017 bãi bỏ một số điều của Thông tư liên tịch số 58/2015. Từ đó, tổ chức, cá nhân nhập khẩu không có trách nhiệm công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm của mình; trình tự, thủ tục xác nhận, kiểm tra chất lượng… cũng được hủy bỏ.
Vì thế, Hiệp hội Thép Việt Nam cũng đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo đó, thép nhập khẩu cần phải có giấy chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam trước khi nhập khẩu; Tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để hạn chế sản phẩm thép cạnh tranh không lành mạnh.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng, hàng rào kỹ thuật còn kém, hàng rào thuế quan bị hạ xuống rất thấp đã tạo điều kiện cho hàng nước ngoài tràn vào.
Dẫn chứng đến nay Việt Nam mới chỉ điều tra vài chục vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, nhưng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của hàng trăm vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại, ông Phương đề nghị gia tăng các giải pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng sản xuất trong nước.
"Ngay cả các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines cũng gia tăng dựng hàng rào với hàng nhập, trong đó có hàng Việt Nam", ông Phương nói.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, việc khởi xướng điều tra và áp dụng biện pháp còn phụ thuộc vào sự chủ động, hồ sơ yêu cầu của các hiệp hội, ngành sản xuất trong nước.
"Đây là yếu tố tối quan trọng để cơ quan quản lý tiến hành các quy trình liên quan phù hợp các cam kết quốc tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng hợp tác để cùng kiến nghị sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại", đại diện Cục Phòng vệ thương mại giải thích.
Vị này cũng bày tỏ, bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng phải nâng cao năng lực, đáp ứng các tiêu chuẩn cao, cũng như nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về các biện pháp phòng vệ thương mại. Đó là điều cần làm để có thể bảo vệ được sản xuất trước sức ép từ hàng nhập khẩu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận