Giới chuyên môn cũng dự đoán khó có những thương vụ thực sự đình đám được tạo ra.
Cầu thấp, cung cũng thấp
V-League 2019 khép lại cũng là thời điểm kỳ chuyển nhượng tiền mùa giải 2020 chính thức mở cửa. Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất chỉ cho thấy sự ảm đạm. Ngoại trừ thương vụ HAGL chiêu mộ trung vệ Damir Memovic từ SLNA, gần như các đội bóng khác đều im hơi lặng tiếng. Theo bình luận viên Ngô Quang Tùng, điều này cũng không lạ bởi nhóm cần củng cố lực lượng là các đội ở nửa dưới bảng xếp hạng cũng là nhóm yếu về tiềm lực tài chính nên cần thời gian thu xếp. “Họ cần xoay nguồn nọ, nguồn kia, vận động tài trợ để có kinh phí chuyển nhượng khi ngân sách mùa 2019 đã tiêu hết”, ông Tùng nhận định.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Tùng, bởi kinh phí hạn hẹp nên hầu hết các đội bóng ở V-League đều phải đắn đo, lựa chọn rất kỹ khi quyết định chiêu mộ một cầu thủ cụ thể. Quyết định rồi cũng phải đàm phán cẩn trọng nên khó công bố trong một sớm một chiều. “Thời gian từ nay cho tới khi mùa giải 2020 bắt đầu còn khá dài nên các đội bóng càng chẳng có lý do gì để phải sốt sắng tìm kiếm những chữ ký mới. Ở diễn biến khác, tôi được biết có những bản hợp đồng được sắp xếp cả rồi nhưng các bên chưa công bố. Tôi cho rằng, sau khoảng 1 hoặc 2 tháng nữa thì mọi chuyện sẽ rõ ràng hơn”.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc điều hành Hà Nội FC, sở dĩ thị trường chuyển nhượng của bóng đá Việt Nam, cụ thể hơn là V-League kém sôi động bắt nguồn từ hai nguyên nhân. “Về phần ngoại binh, tất cả các đội bóng trong nước đều chưa có bộ phận chuyên trách lo công việc liên quan tới chuyển nhượng. Ngoại binh đến V-League với diện thử việc, không trống dong cờ mở. Từng có CLB thử việc tới hơn 10 cầu thủ ngoại cùng lúc nhưng không chọn được ai. Về nội binh, số lượng cầu thủ có chất lượng cao cũng hạn chế nên gần như các đội bóng có tiềm lực đều ưu tiên giữ chân các trụ cột, từ đó ít có sự dịch chuyển đội bóng trong số này. Chúng tôi vừa gia hạn cùng lúc với 6 cầu thủ, nếu không kịp thời thì các đối thủ đã nhảy vào lôi kéo”, ông Tuấn cho hay.
Từ những ý kiến của bình luận viên Ngô Quang Tùng và Giám đốc điều hành Hà Nội FC Nguyễn Quốc Tuấn, phần nào có thể dự đoán bộ mặt ở kỳ chuyển nhượng tiền mùa giải 2020 khó sôi động. Những thương vụ thực sự gây chấn động cũng khó xảy ra. Trong số các cầu thủ đáo hạn hợp đồng, Trần Nguyên Mạnh (SLNA), Nguyễn Tuấn Mạnh (Sanna Khánh Hòa) và Nguyễn Huy Hùng (Quảng Nam) là ba cái tên đáng chú ý hơn cả. Được biết, Nguyên Mạnh có thể sẽ Bắc tiến để gia nhập Viettel, Tuấn Mạnh đầu quân cho SHB Đà Nẵng còn Huy Hùng có thể Nam tiến. Dẫu vậy, cả ba đều không phải là những món hàng quá hot được săn lùng ráo riết nên giá trị những bản hợp đồng nếu có cũng chỉ ở mức vừa phải.
“Thị trường chuyển nhượng bóng đá Việt Nam những năm gần đây rõ ràng trở lại sát với giá trị hơn giai đoạn sốt ảo cách đây khoảng chục năm. Khi đó, một tuyển thủ có mức lót tay 4 - 5 tỷ đồng/mùa không hiếm nhưng giờ không đội bóng nào sẵn sàng chi đậm như vậy. Mức 1,5 - 2 tỷ đồng/mùa tôi cho rằng phù hợp với thực tế”, bình luận viên Quang Tùng nói thêm.
Rào cản vô hình
Những năm gần đây, bóng đá Việt Nam đã xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài nhưng chưa thương vụ nào để lại ấn tượng. Theo tôi, việc hướng tới thị trường nước ngoài thời điểm này chưa phù hợp và khá xa xôi bởi cầu thủ của mình còn thiếu nhiều thứ. Bóng đá Việt Nam, các nhà quản lý, các CLB nên nhìn nhận lại xem cầu thủ còn thiếu gì, yếu chỗ nào để tập trung tuyển chọn, đào tạo nhằm cho ra lò được những cầu thủ chất lượng, phù hợp với xu thế bóng đá thế giới.
Bình luận viên Ngô Quang Tùng
Liên quan tới vấn đề chuyển nhượng cầu thủ tại V-League nói riêng, bóng đá Việt Nam nói chung, một yếu tố không thể không nhắc tới, đó là hợp đồng đào tạo trẻ ở các CLB hầu hết đều trói cầu thủ tới 25 tuổi, cá biệt HAGL ràng buộc cầu thủ do mình đào tạo ra tới năm 28 tuổi. Cộng thêm việc các đội bóng ít chủ động mua bán cầu thủ đang trong thời gian hợp đồng, chỉ đợi cầu thủ đáo hạn để giảm chi phí, thị trường chuyển nhượng sẽ bị tác động không nhỏ. Nói cách khác, nó như rào cản vô hình bóp nghẹt nhu cầu mua sắm cầu thủ.
“Ở các nền bóng đá phát triển, thông thường cầu thủ sẽ kết thúc hợp đồng đào tạo trẻ khi 18 - 20 tuổi và bắt đầu ký hợp đồng chuyên nghiệp hoặc chuyển nhượng. Nhưng không thể trách các CLB Việt Nam bởi đặc thù của bóng đá Việt Nam khác xa so với các quốc gia phát triển. Tất cả đội bóng đang chơi ở V-League chưa có kế hoạch, chiến lược đào tạo trẻ thực sự phù hợp, đạt chuẩn để đảm bảo nguồn cung cầu thủ ổn định. Nếu họ không giữ những cầu thủ xuất sắc nhất thì sẽ rơi vào cảnh thiếu hụt lực lượng”, ông Tùng nhận xét.
“Tôi lấy ví dụ như sau lứa Công Phượng, Tuấn Anh, HAGL có trình làng được cái tên nào đáng chú ý đâu. Dàn cầu thủ tài năng của Hà Nội FC hiện tại cũng đang thiếu lớp kế cận. Đến một giai đoạn nhất định, khi bóng đá Việt Nam thực sự chuyên nghiệp, đào tạo trẻ đồng bộ, bài bản thì tôi tin các quy định về độ tuổi cầu thủ trẻ sẽ tự động được điều chỉnh để phù hợp với tình hình. Lúc đó, các CLB có lò đào tạo tốt sẽ phải tích cực mời chào mua cầu thủ của mình thay vì cố gắng giữ chân như hiện tại”, bình luận viên Quang Tùng phân tích thêm.Đồng tình với quan điểm trên nhưng ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc điều hành CLB Hà Nội FC nói thêm, tham vọng của các đội bóng cũng tác động lớn tới thị trường chuyển nhượng. “Thông thường, nhìn vào việc CLB mua sắm cầu thủ sẽ đánh giá được tham vọng của đội bóng đó. Vài năm trước, Hà Nội FC luôn bị cạnh tranh khốc liệt khi đua vô địch, đáng kể nhất là Thanh Hóa. Đội bóng này mua sắm rầm rộ, chiêu mộ cả nội lẫn ngoại binh chất lượng. Than Quảng Ninh, B.Bình Dương cũng nằm trong số này. Tuy nhiên, hiện nay có vẻ như họ không còn đặt tham vọng lớn ở giải vô địch quốc gia, bằng chứng là họ không chú trọng tới việc bổ sung lực lượng”, Giám đốc điều hành CLB Hà Nội FC cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận