Việc Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) hành xử phạt đối tượng Đ.M.H (SN 1982, quê quán Hải Phòng, vì có hành vi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy với mức 200 nghìn đồng một lần nữa làm dấy lên làn sóng giận dữ của dư luận.
Chẳng lẽ nhân phẩm của một nữ sinh chỉ đáng giá 200 nghìn đồng thôi sao?
Sự việc này là điển hình cho thấy luật pháp hiện hành của chúng ta đang có một lỗ hổng lớn trong việc xử lý hành vi quấy rối tình dục, xâm phạm tình dục, để người phạm tội có cơ hội lách luật, làm liều.
Nó làm cho dư luận bất bình vì rõ ràng việc xử phạt không tương xứng với hành vi, thiếu cơ sở xử lý, thậm chí, xử phạt “nhẹ như không”.
Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính quy định tổng thể các mức phạt ứng với từng hành vi, nhưng có những mức phạt không còn phù hợp với tính chất của hành vi.
Dẫn chứng rõ nhất cho thấy, hành vi tiểu tiện bừa bãi bị xử phạt từ 1-3 triệu, cao gấp 10 lần mức xử phạt hành cho những hành vi như quấy rối tình dục, có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác (chỉ bị phạt từ 100-300 nghìn đồng). Tính nguy hiểm của hành vi quấy rối tình dục, và mức độ ảnh hưởng của nó nghiêm trọng hơn rất nhiều so với hành vi tiểu tiện bừa bãi, vậy tại sao mức xử phạt lại nhẹ hơn gấp 10 lần? Đó chính là vì quy định pháp luật bất cập, khi xây dựng chưa tính đến các tình huống thực tế và mức độ ảnh hưởng.
Qua nghiên cứu ở nhiều nước thì thấy, khi có các hành vi liên quan đến quấy rối, tạm dụng, tấn công tình dục thì họ xử lý rất nghiêm khắc, họ định nghĩa luôn hành vi để xử lý hình sự.
Ở nước ta, dù trong BLHS đã coi tội hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô với trẻ em là tội phạm rất nghiêm trọng, với các tội này phải xử lý nghiêm khắc.
Nhưng với những hành vi quấy rối tình dục chúng ta lại không có quy định cụ thể hành vi thế nào, và vì không định nghĩa rõ nên không xử lý được.
Hành vi quấy rối tình dục không được coi là phạm tội mà chỉ có chế tài xử phạt hành chính. Nghị định 167 quy định mức phạt từ 100-300 nghìn đồng, nhưng trong trường hợp người đàn ông sàm sỡ nữ sinh trong thang máy, cơ quan xử phạt lại chưa áp dụng kịch khung, chỉ phạt ở mức 200 nghìn đồng. Mức phạt đã quá thấp, lại không áp dụng khung hình phạt cao nhất, cho thấy cơ quan xử lý chưa nhìn nhận đúng tính chất và mức nguy hiểm của hành vi này. Vì thế dư luận bức xúc là điều dễ hiểu.
Vì những bất cập ấy, tới đây chúng ta phải nghiên cứu, xem xét đưa hành vi quấy rối tình dục vào nhóm tội phạm xâm hại tình dục quy định trong BLHS để có cơ sở xử lý hình sự, nâng cao tính răn đe.
Nếu tiếp tục xử phạt hành chính thì còn gây phản ứng mạnh mẽ trong dư luận, nó sẽ là cái cớ, là kẽ hở cho những người vi phạm đùa giỡn với pháp luật, nếu không làm nghiêm thì sẽ dẫn tới tình trạng nhờn luật, thách thức pháp luật và dư luận xã hội.
Tôi tin rằng, pháp luật quy định chặt chẽ thì sẽ không ai dám ngang nhiên vi phạm, hoặc ít nhất cũng hạn chế được vi phạm. Nếu không quy định, bỏ lọt tội thì những hành vi làm băng hoại giá trị đạo đức, quyền con người sẽ tiếp tục diễn ra.
Muốn người dân có niềm tin vào pháp luật thì trước hết pháp luật phải chặt chẽ, nghiêm minh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận