Chuyện dọc đường

Vì sao “tiêu tiền” nhà nước chậm?

05/04/2022, 06:08

Cần thẳng thắn nhìn nhận, có một số điểm cản trở giải ngân vốn đầu tư công khiến cho câu chuyện này diễn ra nhiều năm nay.

Tỷ lệ giải ngân kế hoạch năm 2022 đến hết tháng 3 mới đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (13,17%).

Đến hết tháng 3 mới có 4 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%.

img

3 tháng đầu năm, Bộ GTVT giải ngân đạt 14,3% kế hoạch được Thủ tướng giao, cao hơn trung bình cả nước (Trong ảnh: Nhiều công trình trọng điểm của ngành GTVT đang thi công xuyên đêm để đẩy nhanh giải ngân vốn giao thông)

Cần thẳng thắn nhìn nhận, có một số điểm cản trở giải ngân vốn đầu tư công khiến cho câu chuyện này diễn ra nhiều năm nay.

Vấn đề thứ nhất, dù quy định giải ngân vốn đầu tư công của ta rất chặt chẽ, song vẫn còn hiện tường chồng chéo với một số luật khác. Hơn nữa, quy định nhiều khi không rõ ràng về mốc thời gian nên người thi hành có khi hiểu khác nhau, hoặc vin vào đó để lấy lý do trì hoãn.

Vì thế, cần thiết quy định rõ mốc thời gian thực hiện, thực hiện trong bao lâu. Đi đôi với đó là cơ chế giám sát chặt chẽ.

Thứ hai là vấn đề giải phóng mặt bằng.

Nhìn sang Trung Quốc, đất nông nghiệp không phải là đất của dân mà là của hợp tác xã, nên khi đền bù chỉ có chính quyền và hợp tác xã thỏa thuận là xong. Hay các nước tư bản, họ thường dùng giá cả theo cơ chế thị trường để giải quyết sòng phẳng. Khi đầu tư công trình công cộng thì không được phép trì hoãn giao đất.

Còn ở Việt Nam, chúng ta đã giao quyền sử dụng đất cho dân. Dù có lợi ở một số góc độ nhưng việc thu hồi đất rất phức tạp, chưa kể giá đền bù thấp hơn rất nhiều so với thị trường. Thực tế, có trường hợp chỉ mỗi việc đền bù giải phóng mặt bằng để làm cổng của ga tàu điện ngầm nhưng 5 năm chưa đâu vào đâu.

Vấn đề cần tháo gỡ tiếp theo đó là cơ chế đấu thầu. Hiện nay, đang tồn tại thực trạng, từ khâu chuẩn bị đến khâu triển khai thực thi vẫn còn rất “dài dòng”. Trong khi đó, không có quy định nào thể hiện quy trình này phải thực hiện trong vòng bao nhiêu lâu, hay nói cách khác là khung thời gian bắt buộc.

Do đó, phải cụ thể hóa một mốc thời gian trong tất cả các quy trình thủ tục và hướng giải quyết tất cả các tình huống xảy ra. Nếu là vấn đề thường xuyên xảy ra thì càng cần có giải pháp cụ thể.

Mặt khác, thiếu những quy định cụ thể còn dẫn đến việc “sợ trách nhiệm”, làm giảm hiệu quả của giải ngân đầu tư công.

Giải pháp nữa là rà soát, xem xét các Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở có chồng chéo gì để chỉnh sửa bổ sung ngay, trong đó hướng đến tầm nhìn xa.

Ngoài ra, phải tách biệt việc chuẩn bị dự án đầu tư ra khỏi quy trình thực hiện đầu tư để các địa phương và các bộ, ngành có đủ chi phí riêng thực hiện dự án, đủ thời gian để lựa chọn dự án hiệu quả.

Giải ngân vốn đầu tư công được xem như một trong những mắt xích quan trọng để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Xác định rõ để giải ngân vốn đầu tư công chậm ngày nào sẽ là mất cơ hội phục hồi ngày đó, Chính phủ đang đốc thúc các bộ, ngành, địa phương quyết tâm cao nhất.

Vì thế, mục tiêu năm nay không chỉ là cao hơn năm trước, mà còn phải hướng tới hoàn thành 100% kế hoạch đã đặt ra. Do vậy, giải pháp cũng cần quyết liệt hơn.

TS. Lê Xuân Nghĩa

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.