Xã hội

Vì sao TP.HCM cứ mưa là ngập?

31/05/2017, 07:17

Mới vào đầu mùa mưa, nhưng tại quận Thủ Đức, quận 9 có nhiều điểm ngập rất nặng.

6

Vì sao TP.HCM cứ mưa là ngập? - Ảnh minh họa

Đơn cử tại ngã tư Tô Ngọc Vân - Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức) bị chìm trong “biển nước” sau trận mưa lớn ngày 20/5 vừa qua, khiến nhiều người đi xe máy bị nước cuốn trôi. Tuyến đường Lê Văn Việt (quận 9), đoạn từ cổng đình Phong Phú đến góc đường Man Thiện khi trời mưa nước ngập cả mét.

Tương tự, đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9), đoạn từ góc đường Dương Đình Hội đến cầu Nam Lý cũng chung tình cảnh mưa xuống là ngập. Nhiều nhà dân hai bên đường bị nước tràn vào nhà. Đặc biệt, đường Đỗ Xuân Hợp đoạn từ cầu Nam Lý đến chân cầu cao tốc Long Thành - Dầu Giây, dù không mưa vẫn cứ bị ngập mỗi khi thủy triều lên.

Ông Huỳnh Nhật Quang (số nhà 513 đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9) cho biết: “Tôi bán quần áo trên đường Đỗ Xuân Hợp vào mùa khô kinh doanh rất ổn định, nhưng mùa mưa ế ẩm và thiệt hại nặng vì cứ hễ mưa là nước ngập ngoài đường tràn vào làm hàng hóa bị ướt hết”.

"Nên tổ chức những cuộc hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia để có ý kiến khách quan tìm giải pháp xử lý những điểm ngập. Nhiều dự án chống ngập hiện nay được triển khai một cách lặng lẽ, đến khi làm xong ngập vẫn ngập và không có đơn vị nào chịu trách nhiệm về vấn đề này”.

PGS. TS. Nguyễn Văn Hiệp
nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, giảng viên trường ĐH Bách Khoa TP.HCM

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước thuộc Trung tâm Chống ngập TP.HCM cho biết, nguyên nhân gây ngập do mưa lớn, kết hợp với triều cường, đỉnh triều cao hơn mặt đường, mưa vượt tần suất thiết kế của cống. Ngoài ra, nhiều điểm ngập do mưa có hệ thống cống đã cũ, đường bị trũng cục bộ, không đảm bảo thoát nước.

Theo Trung tâm Chống ngập TP.HCM, hiện trên địa bàn có khoảng 40 tuyến đường bị ngập nước. Trong đó, 14 tuyến đường thường xuyên bị ngập khi mưa và 21 tuyến ít ngập. 21 tuyến đường này đã được xử lý ngập bằng các giải pháp cấp bách trước đây, tuy nhiên vẫn có thể xuất hiện ngập khi mưa vượt tần suất (85,36mm cống cấp 2; 75,88mm cống cấp 3, mực nước triều +1,32m).

Để giảm ngập, trong năm 2017, trung tâm sẽ tập trung giải quyết xóa 10 điểm ngập nước trên địa bàn. Cụ thể, 2 điểm quận Tân Phú là đường Gò Dầu, Tân Hương; 2 điểm quận 8 là đường An Dương Vương, Lương Văn Can; 4 điểm ở quận 6 là đường Mai Xuân Thưởng, Hậu Giang, Lê Quang Sung, Cao Văn Lầu; Hồng Bàng (quận 11); Ba Vân (Tân Bình) với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), phục vụ kiểm soát triều cho lưu vực 550km², dự kiến sẽ hoàn thành hết trong năm nay.

Lý giải về tuyến đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) dù đã nâng cấp cải tạo nhưng vẫn bị ngập, ông Long cho biết, theo quy hoạch xử lý cải tạo đường này là 186ha. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ nâng cấp, sửa chữa được 60ha, lắp được một hệ thống ống cống, vẫn còn 2 hệ thống sẽ được lắp đặt sau khi thành phố triển khai mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp 30m.

TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch, giảng viên đại học tại Bắc Mỹ cho biết, không phải TP HCM ngập do mưa quá lớn, lý do chủ yếu hiện nay là mật độ xây dựng bê tông hóa ngày càng cao dẫn đến bề mặt thẩm thấu nước bị thu hẹp. Nước chảy trên bề mặt không thoát được gây ngập. Tuy nhiên, nếu TP.HCM có đầu tư những ống cống lớn hơn cũng không giải quyết được hết ngập. Vấn đề liên quan đến quy hoạch, sự phối hợp của các sở, ngành mới giải quyết được tình trạng ngập hiện nay. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.