Theo kế hoạch về việc lắp đặt các trạm thu phí không dừng (ETC), thì đối với các trạm thu phí trên tuyến cao tốc chậm nhất phải vận hành thu phí tự động trước ngày 31/7, các trạm thu phí còn lại phải xong trước ngày 30/6.
Nếu trạm thu phí nào chậm triển khai, Bộ GTVT sẽ xử lý nghiêm, gồm cả việc tạm dừng thu phí.
Trong khi các dự án BOT trên cả nước đang khẩn trương tiến hành lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng thì các trạm thu phí trên QL51, trạm T2 dự án BOT QL91 Cần Thơ - An Giang vẫn "án binh bất động".
Ô tô xếp hàng dài nối đuôi nhau qua trạm T2 (QL51) dịp Tết Nhâm Dần 2022.
Lý giải về việc các trạm BOT trên QL51 chưa triển khai thu phí không dừng, ông Đinh Hồng Hà, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) cho biết, tháng 10/2020, chủ đầu tư đã ký hợp đồng với Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC) và đề nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN cho phép triển khai thu phí không dừng.
Tuy nhiên đến tháng 12/2020, Tổng cục Đường bộ VN có văn bản gửi BVEC về việc chưa triển khai thu phí không dừng tại 3 trạm thu phí trên QL51. Hiện nay, Bộ GTVT đang giao Tổng cục Đường bộ VN thương thảo đàm phán với BVEC để xử lý một số khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, cập nhật tính toán lại phương án tài chính, thời gian hoàn vốn của dự án.
Dự án BOT QL51 dài hơn 72 km, quy mô 6 làn xe, 2 làn hỗn hợp, tốc độ thiết kế hơn 80 km/h, có tổng mức đầu tư gần 3.800 tỷ đồng, đã khai thác từ tháng 4/2013. Theo hợp đồng, thời gian thu phí dự kiến khoảng 20 năm 6 tháng, kết thúc vào ngày 12/1/2030.
QL51 có 3 trạm thu phí gồm T1, T2 và T3. Do mật độ phương tiện đông đúc, tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc vào những ngày lễ, Tết, đơn vị quản lý thường xuyên phải xả trạm do ùn ứ kéo dài.
Theo chủ đầu tư, đến nay Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ VN làm việc với nhà đầu tư để thống nhất giải pháp xử lý hài hòa lợi ích các bên, đồng thời giám sát công tác thu phí tại dự án, đảm bảo công khai, minh bạch.
Trạm T2 (QL91) đang tạm dừng thu phí, phương án tài chính bị phá vỡ nên chưa lắp thu phí tự động không dừng. Trong ảnh: Sơ đồ các tuyến đường trọng điểm ở TP Cần Thơ.
Trong khi đó, đại diện BOT QL91 Cần Thơ - An Giang cho rằng, từ năm 2019 trạm BOT T2 đã ngưng thu phí nên chưa lắp thu phí tự động không dừng.
Riêng trạm thu phí T1 tại TP Cần Thơ hiện chỉ đạt 35 - 40% doanh thu. Do vậy, chủ đầu tư đang gặp rất nhiều khó khăn vì các phương án tài chính bị phá vỡ.
“Trong trường hợp trạm thu phí T2 được thu phí trở lại thì cũng không thể thu hồi vốn, do có nhiều tuyến đường tránh trạm thu phí.
Hy vọng Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc để nhà đầu tư hoàn vốn hoặc Nhà nước mua lại trạm thu phí theo đề xuất của các Bộ, ngành liên quan”, đại diện BOT QL91 Cần Thơ - An Giang nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận