Người Triều Tiên xem bắn pháo hoa dịp Tết Âm lịch |
Giống như ở nhiều quốc gia khác, cứ khi nào hết năm cũ, người dân Triều Tiên lại ra đường để đón Tết. Tuy nhiên, người dân trên vùng bán đảo Đông Bắc Á này không chỉ đón Tết một mà tận ba lần. Vậy, ngày Tết ở đất nước “bí ẩn nhất thế giới” có gì đặc biệt?
Một năm ba lần Tết
Triều Tiên công nhận ba cái Tết: Tết Dương lịch như phương Tây, Tết Âm lịch như một số nước châu Á bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc và Tết Juche.
Juche là thuật ngữ chỉ hệ tư tưởng “tự lực cánh sinh”, không phụ thuộc vào bên ngoài của Triều Tiên. Người sáng lập ra hệ tư tưởng này là cố lãnh đạo Kim Nhật Thành. Để tưởng nhớ công lao của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, năm 1995 - tức một năm sau ngày mất của ông, chính quyền Triều Tiên đưa ngày sinh của ông trở thành một trong những ngày lễ lớn nhất của dân tộc.
Từ năm 2012, Triều Tiên bắt đầu gọi ngày này là “Tết Kwangmyongsong”, nghĩa là “Tết Ngôi sao tỏa sáng” (15/4). Họ tính ngày, tháng theo lịch dương nhưng tính năm theo lịch Juche. Với cách tính năm theo Juche, năm 2018 sẽ được gọi là Juche 106 và thuật ngữ này sẽ được dùng trong các bản tin chính thức của truyền thông Triều Tiên.
Trong Tết Dương lịch, cũng giống như các nước khác trên thế giới, người dân nơi đây tổ chức ăn mừng vào ngày 1/1 theo lịch dương.
Họ cũng có thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới vào 12h đêm ngày cuối cùng của tháng 12. Nhưng thời khắc này của họ chậm hơn so với thế giới khoảng 30 phút, tất cả văn bản, thông báo nếu cần ghi rõ ngày giờ thì phải tuân thủ theo giờ Bình Nhưỡng mới được chấp thuận.
Về Tết Âm lịch, có một thời gian, họ tạm ngừng tổ chức ngày này từ năm 1912 vì cho rằng đây là ngày lễ của Trung Quốc, chứ không phải của Triều Tiên. Tuy nhiên, đến năm 1989, họ bắt đầu ăn mừng trở lại.
Người dân Triều Tiên nhảy múa dưới khẩu hiệu có nội dung “Tự lực cánh sinh” trong Tết Juche |
Ăn Tết theo phong cách Juche
Một năm có tới 3 lần Tết, Triều Tiên sẽ có những hoạt động như thế nào? Trong ba ngày này, họ đều ăn mừng theo phong cách Juche. Bản thân từ Juche đã nói lên tất cả. Đó là trong cả ba ngày lễ, người Triều Tiên đều có hoạt động đặt hoa tại tượng đồng của các cố lãnh đạo Kim Il Sung và Kim Jong Il tại Đài tưởng niệm Mansudae để tưởng nhớ những người có công lập quốc và gây dựng đất nước.
Cũng như các nước châu Á khác, dịp Tết là thời điểm người dân nơi đây bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng với cha mẹ, ông bà và thày cô giáo. Với Triều Tiên, Tết cũng là thời điểm sum vầy cùng gia đình nên những người sinh sống ở các thành phố xa xôi sẽ quay trở về quê hương để dành thời gian bên gia đình thân yêu.
Thông thường, khi tới thăm nhà của một người Triều nhân dịp Tết, bạn phải chuẩn bị một loại bánh gạo truyền thống được nhồi bằng nhân rau, được gọi là songpyeon.
Vào các dịp này, gia đình của một số thành viên trong Đảng Lao động Triều Tiên, quân đội hoặc một số khách mời đặc biệt, khách du lịch sẽ được mới tới thăm Cung Thái Dương Kumsusan nơi an nghỉ của hai cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, ông và cha của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Người dân địa phương sẽ xuống đường, tới các quảng trường lớn tại Bình Nhưỡng, tham gia vào các điệu nhảy múa tập thể. Cả người nước ngoài cũng được mời tham gia hoạt động này.
Trong Tết Dương lịch, đêm 31/12, khi khoảnh khắc Giao thừa gần tới, hàng nghìn người Triều Tiên sẽ tập trung tại Quảng trường Kim Nhật Thành để chờ đón thời khắc rung chuông. Khi chuông Taedong rung lên, pháo hoa sẽ được bắn ở nhiều địa điểm khác nhau trong đó có các khu vực dọc bên sông ở đằng sau Tháp Juche.
Còn trong Tết Juche, người dân địa phương thường có thêm hoạt động thăm Triển lãm hoa Kimsungilia. Ngoài ra, trong những ngày lễ tết, người Triều Tiên tổ chức nhiều hoạt động vui chơi tập thể như: Chơi các trò chơi truyền thống, kéo co, thả diều và chơi con quay.
Những món ăn điển hình trong dịp Tết Nguyên đán tại Triều Tiên bao gồm súp mỳ và bánh songpyeon được tuỳ biến theo mỗi khu vực hay sở thích của mỗi gia đình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận