Chưa thể dẫn đầu
Bloomberg dẫn lời các chuyên gia cho biết, những năm gần đây, từ ô tô điện đến máy bay không người lái dân dụng, pin mặt trời, các công ty Trung Quốc đều đã nhanh chóng bứt phá thành những tên tuổi hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, với ngành hàng không vũ trụ, Trung Quốc vẫn tụt lại so với SpaceX.
Công ty của Elon Musk vận hành hơn 6.000 vệ tinh Starlink, cung cấp quyền truy cập băng thông rộng từ Argentina đến Zimbabwe, trong khi các công ty Trung Quốc chỉ có vài chục vệ tinh.
Nếu như SpaceX là công ty đi đầu trong việc tái sử dụng bộ phận của tên lửa, giúp cắt giảm chi phí và hiện đang thử nghiệm tên lửa Starship có thể tái sử dụng với quy mô lớn hơn nhiều, thì các công ty Trung Quốc dựa vào tên lửa dùng một lần với công nghệ cũ hơn.
Do đó, SpaceX đã thực hiện khoảng 100 lần phóng vào năm 2023, nhiều hơn 8 lần so với tất cả số công ty khởi nghiệp tư nhân của Trung Quốc cộng lại.
Năm nay, khoảng cách thậm chí còn lớn hơn khi những công ty khởi nghiệp Trung Quốc thực hiện chưa đến 10 lần phóng tên lửa, còn SpaceX thực hiện hơn 90 lần phóng các loại tên lửa Falcon.
Nỗ lực bứt phá
Với quyết tâm đột phá, trong cuộc họp với giới khoa học vũ trụ vào ngày 23/9 vừa qua tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa nhấn mạnh mục tiêu xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc vũ trụ.
Hiện nay, chính phủ Trung Quốc đang cung cấp nhiều viện trợ hơn cho ngành thương mại vũ trụ như hỗ trợ phát triển tên lửa có thể tái sử dụng, hay thành lập một trung tâm mới ở Bắc Kinh để giúp chuyển giao công nghệ cho các công ty.
Vào tháng 9, hai công ty khởi nghiệp của Trung Quốc là Deep Blue Aerospace và LandSpace Technology đều đã tiến hành các cuộc thử nghiệm tham vọng nhất từ trước đến nay về khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng. Đây là yếu tố bắt buộc đối với tên lửa có thể tái sử dụng.
Trong khi một số công ty khởi nghiệp và công ty nhà nước đặt mục tiêu thực hiện nhiệm vụ trên vào năm 2025 và 2026, các nhà sản xuất vệ tinh đất nước tỷ dân cũng tăng cường năng suất và mở rộng mạng lưới liên lạc quỹ đạo.
Ngay tháng 8 vừa qua, một tên lửa của Trung Quốc đã phóng lên quỹ đạo 18 vệ tinh Spacesail mới, đánh dấu lô đầu tiên trong quỹ đạo trái đất tầm thấp (LEO) vốn được mong đợi từ lâu nhằm cạnh tranh với Starlink.
Chỉ một tháng sau, Geespace, một công ty con của tập đoàn ô tô Trung Quốc Zhejiang Geely Holding Group cũng đưa 10 vệ tinh lên quỹ đạo thấp, đánh dấu lần phóng thứ hai trong năm nay. Geely hiện có 30 vệ tinh và có kế hoạch sở hữu một "chòm sao" gồm 72 vệ tinh vào cuối năm 2025.
Chính phủ tăng hỗ trợ
Về phần mình, chính phủ Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện cuộc phóng vệ tinh khi nhà nước rót ngân sách xây dựng cơ sở mới cho phép các nhà khai thác thương mại sử dụng.
Khu phức hợp này nằm trên bờ biển của đảo Hải Nam, có thể chứa hơn 10 loại tên lửa và thực hiện hơn 30 lần phóng mỗi năm. Theo truyền thông Trung Quốc, dự kiến tên lửa đầu tiên do tư nhân chế tạo sẽ có chuyến bay đầu tiên vào năm 2025.
Gần đó là Trung tâm siêu máy tính hàng không vũ trụ Wenchang, vừa hoàn thành vào năm ngoái với chi phí khoảng 1,2 tỷ nhân dân tệ (169 triệu USD) .
Cơ sở siêu máy tính duy nhất của quốc gia này tập trung vào ngành công nghiệp vũ trụ, sở hữu 36 máy tính được trang bị bộ xử lý đồ họa A100 của Nvidia Corp., vốn được mua trước khi Washington cấm xuất khẩu chip tiên tiến sang Trung Quốc vào năm 2022.
Ông R. Lincoln Hines, Phó giáo sư tại Trường Quan hệ Quốc tế Sam Nunn thuộc Viện Công nghệ Georgia nhận định: "Trước đây, từng có nhiều cuộc tranh cãi rằng chính phủ Trung Quốc chưa làm đủ để hỗ trợ cho ngành công nghiệp này. Nhưng các cơ sở mới ở Hải Nam cho thấy đã có sự thay đổi ở cấp cao, mang đến nhiều hỗ trợ hơn để xây dựng một ngành công nghiệp vũ trụ thương mại thành công".
Chưa khai thác hết tiềm năng tư nhân
Tuy nhiên, Bloomberg dẫn lời các chuyên gia cho biết mức độ hỗ trợ của Trung Quốc đối với khu vực tư nhân không cao. Những công ty khởi nghiệp của Trung Quốc được hưởng ít hỗ trợ chính thức hơn nhiều so với việc Mỹ hỗ trợ các công ty tư nhân như SpaceX.
SpaceX vốn nhận được hơn 18 tỷ USD hợp đồng từ NASA, Lầu Năm Góc và các cơ quan liên bang khác trong hơn hai thập kỷ qua.
Còn Trung Quốc phần lớn hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước có liên kết với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Điển hình, đến nay, chính phủ dành đất đai tỉnh Hải Nam cho các công ty nhà nước có liên kết với quân đội, còn các công ty khởi nghiệp phải sử dụng những cơ sở xa xôi trong đất liền hoặc bệ phóng nổi ngoài khơi.
Chuyên gia Clayton Swope, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington cho rằng, dù các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có thể dẫn đầu trong các dự án không gian quan trọng về mặt chiến lược nhưng các công ty khởi nghiệp sẽ đóng vai trò lớn hơn trong những năm tới.
"Xét về yếu tố thời gian, Trung Quốc đang tụt lại đáng kể và Bắc Kinh nên đi theo lộ trình mà chính phủ Mỹ đã xây dựng, hỗ trợ SpaceX tạo không gian cho công ty tư nhân của tỷ phú Musk phát triển", ông Swope gợi ý.
Ông Huo Liang, Giám đốc điều hành Deep Blue Aerospace (có trụ sở tại Giang Tô, Trung Quốc, đang phát triển tên lửa đẩy có thể tái sử dụng để phóng nhiều lần) thừa nhận: "Tên lửa của SpaceX hiện đang bay thường xuyên và thực hiện các nhiệm vụ thương mại trong khi Trung Quốc vẫn chưa làm chủ được công nghệ này".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận