Trung Quốc liên tiếp thực hiện những hành động trái phép, gây hấn trên khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông từ cuối 3 đến đầu tháng 4, thời điểm cả thế giới đang căng sức chống dịch Covid-19. Dư luận cho rằng, Bắc Kinh đã và đang lợi dụng tình hình này để chiếm lợi thế trên vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền trái phép. GS. Carlyle A. Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, đã có những bình luận về âm mưu đằng sau những động thái mới của Trung Quốc trên Biển Đông.
Mỹ chỉ trích Trung Quốc lợi dụng Covid-19
Cuối tháng 3, ngay thời điểm Việt Nam bước sang giai đoạn 2 chống dịch Covid-19 với quy mô và thử thách lớn hơn, Trung Quốc triển khai 2 trạm nghiên cứu trên Đá Chữ Thập và Đá Xu-bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đến đầu tháng 4, khi Việt Nam đang thực hiện cách ly xã hội, dồn sức để dập dịch, tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu hải cảnh Trung Quốc đã ngăn cản và đâm chìm tàu cá QNg 90617 TS và 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường ở đây.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Cả hai hành động của Trung Quốc đều xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; gây thiệt hại về tài sản, đe doạ an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam. Đồng thời, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc. Hành động của Trung Quốc cũng trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
Trên chính trường quốc tế, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra thông báo phản ứng gay gắt, phản đối Bắc Kinh với cả hai sự việc trên Biển Đông. Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6/4, Trung Quốc đã lợi dụng tình hình thế giới tập trung giải quyết đại dịch toàn cầu hiện tại để khẳng định các yêu sách hàng hải bất hợp pháp của mình ở Biển Đông và chỉ trích hành vi này rất đáng quan ngại.
Chính quyền Mỹ kêu gọi Trung Quốc hãy duy trì các nỗ lực quốc tế để chống đại dịch Covid-19, ngừng ngay việc lợi dụng tình hình và làm tổn thương các quốc gia khác nhằm mở rộng các tuyên bố đòi chủ quyền trái luật của mình ở Biển Đông.
Chỉ trích của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Hoa Kỳ đã leo thang thành thảm kịch với số người nhiễm cao nhất thế giới, thậm chí tàu sân bay hạt nhân USS Theodore Roosevelt của Mỹ từng có chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 3 cũng có gần 100 binh sỹ mắc loại virus nguy hiểm này.
Phía sau hành động của Trung Quốc
Nhận định về hành động của Bắc Kinh trong thời điểm nước sôi lửa bỏng này, GS. Carl Thayer cho rằng, Trung Quốc - nước để dịch Covid-19 khởi phát đã nhanh chóng chuyển từ nạn nhân của dịch bệnh trở thành quốc gia đi đầu trong kiềm chế dịch.
Theo ông Carl Thayer, có thể cho rằng, Trung Quốc đang tận dụng tình hình virus lây lan mạnh ở châu Âu và Mỹ để tăng cường vị trí lãnh đạo của mình như là quốc gia thành công trong kiềm chế dịch Covid-19 lây lan cũng như trên các mặt trận khác.
Còn với tình hình Biển Đông, theo vị giáo sư người Australia, từ trước đến nay Trung Quốc luôn duy trì và không từ những hành vi (phi pháp - PV) như vậy. Về cơ bản, chính quyền Bắc Kinh không thay đổi chính sách cơ bản là đòi hỏi chủ quyền phi pháp thông qua cái gọi là “yêu sách đường 9 đoạn”.
GS. Carl Thayer cho rằng, ngay cả khi không có dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc cũng vẫn sẽ làm như vậy. Nói cách khác, những hành động đó của Trung Quốc phản ánh cách tiếp cận ngang nhiên mà họ vẫn thực hiện bất chấp sự phản ứng từ thế giới lâu nay.
Điểm đáng chú ý là sự việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam diễn ra chỉ khoảng 1 giờ trước khi hai chính phủ Việt Nam và Trung Quốc tiến hành điện đàm về hợp tác chống dịch Covid-19. Theo GS. Carl Thayer, chi tiết và bối cảnh sự việc cho thấy hành động của Trung Quốc là có chủ ý ở mức độ chiến lược. Có thể, Trung Quốc thực hiện hành động này nhằm tiếp tục gây áp lực đối với Việt Nam.
Còn về phía Mỹ, quốc gia đang cạnh tranh sức ảnh hưởng trên thế giới, trước sự nổi lên và tăng cường quyền lực của Trung Quốc hậu Covid-19, dù đang chật vật chống dịch vẫn có những động thái để đối trọng với chiến lược được gọi là “ngoại giao khẩu trang” mà Trung Quốc đang thực hiện.
Bộ Tứ bao gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ đã tiếp cận Việt Nam, New Zealand cùng Hàn Quốc để tổ chức 2 vòng đàm phán về hợp tác phản ứng chống dịch Covid-19. Mỹ cũng phát động chiến lược ngoại giao trong mùa dịch của riêng mình khi giải ngân khoản tiền lớn trị giá 18,3 triệu USD để hỗ trợ nhân đạo và y tế khẩn cấp cho các quốc gia thành viên trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) như: Philippines được hỗ trợ 4 triệu USD, Việt Nam 3 triệu USD và Indonesia 2,3 triệu USD.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận